Ngân hàng chạy đua về công nghệ số cần kiện toàn hành lang pháp lý

27/11/2018 - 06:00

PNO - Hiện các ngân hàng đã tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến để mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng. Tuy nhiên, hiện chưa có các quy định pháp lý cụ thể nên cũng tiềm ẩn rủi ro cho khách hàng và doanh nghiệp.

Rầm rộ triển khai dịch vụ số

“Ngân hàng (NH) số” là các NH phát triển các dịch vụ trên nền tảng công nghệ thông tin hiện đại, như internet banking (NH trên mạng máy tính toàn cầu), mobile banking (NH qua mạng viễn thông không dây), ví điện tử… 

Ra đời từ năm 2016, Timo được biết đến như là NH số đầu tiên tại Việt Nam, do NH thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bảo trợ. Timo phát triển website và ứng dụng trên điện thoại, khách hàng có thể giao dịch tài chính với khối lượng từ nhỏ đến lớn thông qua internet.

Bên cạnh đó, có thể rút tiền bằng thẻ Timo ở tất cả các trụ ATM tại Việt Nam mà không mất phí. Vào tháng Chín vừa qua, VPBank tiếp tục cho ra mắt NH số với tên gọi Yolo; người dùng có thể sử dụng các dịch vụ tài chính hằng ngày như gọi taxi, xem phim, đặt phòng khách sạn, đặt đồ ăn, thức uống, lại có thể dùng như dịch vụ NH, bao gồm gửi tiết kiệm, cho vay, liên kết với thẻ tín dụng mastercard...

Ngan hang chay dua ve cong nghe so can kien toan hanh lang phap ly
Công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng giúp khách hàng tiết kiệm thời gian, chi phí

Không đứng ngoài cuộc, vào cuối tháng Mười vừa qua, NH thương mại cổ phần Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) triển khai công cụ hỗ trợ trực tuyến chatbot - ứng dụng được xây dựng trên nền tảng công nghệ trí tuệ nhân tạo (artificial intelligence - AI).

Ông Rahn Wood - chuyên viên cao cấp Eximbank - cho biết, chatbot là một công cụ chat (trò chuyện) trực tuyến có thể đại diện cho một chuyên viên tư vấn, chăm sóc khách hàng chuyên nghiệp, phục vụ khách hàng mọi lúc, bao gồm tư vấn thẻ NH do Eximbank phát hành, các chương trình khuyến mãi dành cho khách hàng, danh sách các điểm giao dịch và ATM trên toàn hệ thống Eximbank và một số câu hỏi thường gặp khác…

Sự phát triển của công nghệ số còn giúp doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ nộp thuế một cách nhanh chóng, tiết kiệm. Theo thống kê của Tổng cục thuế, tính đến tháng 3/2017, ngành thuế đã kết nối với 43 NH thương mại, có 566.000 doanh nghiệp khai thuế qua mạng, chiếm 99,8% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động.

Nhằm điện tử hóa quản lý nhà nước, Chính phủ cũng đã ban hành nghị định về giao dịch điện tử trong hoạt động NH, hướng tới giao dịch điện tử hoàn toàn, chứng từ điện tử thay thế chứng từ giấy.

Còn nhiều rủi ro cho khách hàng

Theo thạc sĩ Nguyễn Thị Gấm (NH Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank), công nghệ số giúp NH lẫn khách hàng tiết kiệm được chi phí và thời gian nên sẽ được áp dụng phổ biến trong lĩnh vực tài chính - NH. Điều quan trọng là Chính phủ, NH Nhà nước Việt Nam phải quản lý tốt rủi ro để bảo đảm an toàn, bảo mật cho khách hàng, trong đó, rủi ro liên quan tới pháp lý là rất quan trọng.

Ngan hang chay dua ve cong nghe so can kien toan hanh lang phap ly
Các ngân hàng tích cực áp dụng công nghệ tiên tiến để mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng

Hiện NH Nhà nước Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, chưa có quy định cụ thể đối với từng sản phẩm dựa trên nền tảng công nghệ số. Chẳng hạn, một số NH đã áp dụng ứng dụng chatbot để trả lời khách hàng nhưng nếu chatbot này tư vấn sai gây hậu quả nghiêm trọng cho khách hàng thì không rõ ai sẽ chịu trách nhiệm.

Gần đây nhất là mô hình cho vay ngang hàng (peer to peer, P2P lending) đang len lỏi vào đời sống người dân. Đây là hình thức kết nối giữa người đi vay và người cho vay thông qua giải pháp công nghệ. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia tài chính, ngân hàng - nhận định, dịch vụ này đang phát triển mạnh mẽ và sắp tới sẽ bùng nổ.  

Theo tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, thay vì cấm thì nên quản lý, không để thả nổi như hiện nay. NH Nhà nước Việt Nam cần sớm có những quy định cụ thể về chức năng của các công ty vận hành dịch vụ này, cách thức kiểm soát, thủ tục đăng ký hoạt động, vốn điều lệ, các bên hợp đồng tín dụng, biện pháp xử lý khi có vi phạm…

Nếu P2P bỏ qua các bước thẩm định truyền thống (phải có hồ sơ vay, nhân viên thẩm định hồ sơ…) và dùng công nghệ thông tin để thẩm định khả năng trả nợ của khách hàng thì Nhà nước cần có biện pháp quản lý để bảo đảm việc thẩm định của họ phù hợp với pháp luật và thực tế.

“Do quy định và chế tài còn rất nhập nhằng, những công ty P2P đang lợi dụng những kẽ hở này để xâm nhập vào thị trường, có thể đang tạo ra rủi ro rất lớn cho cả người dân và các doanh nghiệp” - tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cảnh báo. 

Việc áp dụng công nghệ số vào dịch vụ hành chính liên quan đến NH hiện vẫn còn nhiều bất cập, gây khó cho các doanh nghiệp. Chẳng hạn, khi doanh nghiệp làm báo cáo tài chính điện tử, đáp ứng đầy đủ điều kiện về chứng từ điện tử, các cơ quan quản lý nhà nước lại yêu cầu chuyển sang chứng từ giấy và phải có chữ ký  “tươi” xác nhận.

“Vậy nên, doanh nghiệp đành chọn cách làm báo cáo tài chính bằng giấy ngay từ đầu để đỡ mất công chuyển đi, chuyển lại” - ông Lý Thành Sinh, Tổng giám đốc công ty may thêu Minh Long Hưng, nói. 

Tiến sĩ Nguyễn Tuấn Anh - Vụ trưởng Vụ Tài chính Kế toán (Bộ Tài chính) - nhận xét: “Nhiều NH đã có chiến lược phát triển NH số nhưng vẫn khó triển khai rộng do chịu tác động từ môi trường pháp lý. Do đó, ngoài nỗ lực của các NH, cần kiện toàn hành lang pháp lý, khung chính sách liên quan”. 

Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI