Một ước mơ bất tử

07/03/2014 - 16:22

PNO - PN - Chiều mùng Hai Tết Mậu Thân 1968, từ trại giam ở Tổng nha cảnh sát (Sài Gòn), chị Lê Thị Riêng - Phó hội trưởng Hội Liên hiệp Phụ nữ Giải phóng miền Nam Việt Nam; ông Trần Văn Kiểu - lãnh đạo Công đoàn Thành phố và nữ...

edf40wrjww2tblPage:Content

Trong ngày truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT cho chị Lê Thị Riêng, bà Đỗ Duy Liên - nguyên Phó chủ tịch UBND TP.HCM, một trong những người bạn, đồng chí cùng thời với chị Lê Thị Riêng nghẹn ngào kể: “Chị Riêng xứng đáng được gọi là anh hùng, ngay trong những ngày còn sống. Đó là một người phụ nữ yêu con, yêu chồng hiếm có trên đời. Trong những năm ác liệt của chiến tranh, chị vẫn dành những gì tốt đẹp nhất cho chồng, cho con. Trong nhật ký người mẹ của chị còn lưu lại những dòng chữ đầy cảm động. Chị ghi từng thay đổi nhỏ trong tiếng cười, tiếng khóc của con… Tôi nhớ năm 1960, nghe tin chồng chị Riêng hy sinh, chúng tôi nói với nhau: “Chị Riêng yêu chồng như vậy, tôi e phen này trước mất mát quá lớn, chị sẽ gục ngã…”. Nhưng không, chỉ mấy ngày sau, chị đã khoác ba lô lên đường đi mở lớp đào tạo cán bộ phụ nữ ở miền Đông Nam bộ…”.

Sau khi chị Riêng bị sát hại, Trung ương Hội Phụ nữ Giải phóng miền Nam phát động phong trào “Phụ nữ miền Nam nỗ lực làm gấp 5, gấp 10 thay chị Riêng để tiêu diệt kẻ thù”. Các cấp Hội từ trung ương đến xã đã tổ chức trọng thể lễ truy điệu chị Lê Thị Riêng, “quyết biến căm thù thành hành động để phục vụ tổng tiến công thắng lợi”.

Mot uóc mo bat tu

Liệt sĩ Anh hùng LLVTND Lê Thị Riêng

Điều đặc biệt vinh dự dành cho chị Lê Thị Riêng chính là tấm lòng, thái độ chia sẻ với phụ nữ Việt Nam, nhân dân Việt Nam của bè bạn quốc tế. Cái chết bí mật của chị trong đêm mùa xuân kinh hoàng năm 1968 đã làm phẫn nộ hàng triệu trái tim của nhân dân tiến bộ khắp thế giới. Ngay cả Đệ nhất phu nhân nước Mỹ lúc bấy giờ là vợ của tổng thống Johnson cũng đã gửi đến phụ nữ Việt Nam lời chia buồn chân thành.

Những năm tháng ấy, nhiều người còn chưa biết đến những kỷ vật của chị Lê Thị Riêng để lại trên thế gian này. Đó là những trang nhật ký viết cho chồng, cho con, cho đồng chí bè bạn… Ngày nay, Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ còn giữ được bộ sưu tập vô cùng quý giá về những kỷ vật của chị Lê Thị Riêng. Năm 1960, khi nghe tin người chồng, người đồng chí của chị hy sinh, chị đã viết thư tâm sự với người bạn: “…Bảy năm trời chung sống, bao nhiêu tình sâu nghĩa nặng của vợ chồng tôi đã kết thúc trên đời. Còn lại hai con đang sống xa mẹ. Chúng là nguồn hạnh phúc, là sức mạnh chiến đấu giúp tôi hăng hái đi lên không bao giờ quỵ bước…”. Mùa xuân năm 1963, người mẹ ấy đã viết cho con những vần thơ thấm đẫm tình mẫu tử, vừa riêng tư, dung dị vừa vô cùng rộng lớn:

Ước mơ

Tôi ước mơ, một ngày nào đâu đó

Hà Nội ơi! Cho tôi đến thủ đô

Gặp hai con, tôi ôm cả vào lòng

Tôi siết mãi, không bao giờ buông ra nữa

 Nhớ lắm rồi, bao năm trời chất chứa

Bóng hình con cứ lảng vảng đêm ngày

Bữa tiệc đời sao lắm vị chua cay

Mẹ đã chịu trong những ngày xa cách

Tôi ước mơ một ngày xuân thống nhất

Được gặp con, được ôm ấp vỗ về

Thèm thuồng nhìn đôi mắt trẻ ngây thơ

Bao hạnh phúc mẹ dồn về con cả

Nhưng con hỡi! Nước non còn chia cắt

Bởi kẻ thù tàn bạo gây nên

Bao gia đình tan nát điêu linh

Bao em bé phải đoạn tình mẫu tử

Màu đen tối sẽ lui về dĩ vãng

Vì toàn dân đã vùng dậy đứng lên

Mẹ nguyện làm một chiến đấu viên

Mẹ chiến đấu cho ngày mai tươi sáng

Cho Bắc Nam thống nhất

Cho đất nước hòa bình

Cho mọi người no ấm, quang vinh

Cho con được hưởng trọn tình thương của mẹ.

Chị Lê Thị Riêng chưa được một lần ra Hà Nội nhưng cái chết của chị đã trở thành bất tử. Nhân dân trong nước và cả thế giới tiếc thương chị Lê Thị Riêng không chỉ vì chị là Phó chủ tịch Hội Phụ nữ Giải phóng, mà còn vì chị là biểu tượng cao đẹp của phụ nữ Việt Nam.

Trầm Hương

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI