Môi thâm là do… chính bạn

15/08/2016 - 21:35

PNO - Theo các chuyên gia da liễu, ngoại trừ yếu tố di truyền, 80% trường hợp thâm môi là do chưa biết cách chăm sóc, bảo vệ làn môi đúng cách. Dưới đây là tư vấn của bác sĩ da liễu Huỳnh Huy Hoàng.

Moi tham la do… chinh ban

Hiểu đúng về chì trong son môi

Chì trong son môi có tác dụng giúp cho son môi bền màu và lâu trôi hơn. Các nhà khoa học không khẳng định lượng chì trong son có thể gây thâm môi. Chì trong mỹ phẩm nói chung và son môi nói riêng là chì có trong phẩm màu. Theo đó, sắc hồng chứa lượng chì cao nhất, kế tiếp là tím và cuối cùng là đỏ. Mặt khác, các chất khoáng dùng để làm nhạt màu đỏ, chuyển sang hồng và tím có thể làm tăng lượng chì trong mỹ phẩm.

Bạn nên tìm hiểu đúng về chì trong màu sắc son môi để có lựa chọn an toàn nhất. Các chất tạo màu tổng hợp, thường được dán nhãn là FD&C hoặc D&C, tiếp theo là số màu, chẳng hạn FD&C Yellow (màu vàng), gồm các hoạt chất gây hại, được sản xuất từ nhựa than đá như: behentrimonium chloride, chất DMDM hydantion, propylene glycol, triclosan, imidazolidinyl urea và diazolidinyl urea, triethanolamine (tea)/diethanolamine (dea). Chúng đều là các chất độc hại làm môi thâm, gây dị ứng da.

Xem xét quá trình sử dụng son môi

Phần lớn chúng ta chỉ chống nắng cho làn da, mà hoàn toàn bỏ rơi đôi môi. Trong khi đó, melanin là chất được sinh ra để bảo vệ da khỏi tác động của môi trường. Đặc biệt, khi trời nắng môi dễ bị tổn thương, melanin càng được sản sinh ra nhiều hơn, đồng thời chuyển sang màu đậm hơn để có thể hấp thụ các tia UV, tránh việc các tia UV này gây hại đến những thành phần khác của da. Vì thế, môi thâm, sẫm màu là do melanin.

Bạn có thể dùng những sản phẩm trị thâm môi với những thành phần chống nắng và thành phần làm trắng có trong son như vitamin C, vitamin B3, niacinamide, beta carotene... Lưu ý, những thành phần này có trong mỹ phẩm dưỡng da, nhưng không hẳn là bạn có thể sử dụng để dưỡng môi, vì chúng có thể gây độc hại. Các sản phẩm trị thâm môi, dưỡng môi có tiêu chuẩn riêng, có thể nuốt được mà không gây hại.

Có một số thành phần trong mỹ phẩm khiến da môi và da mặt nhanh bắt nắng, như: cam, quýt, cần tây, oải hương, chanh, sả… Ngay cả khi ăn nhiều các thực phẩm này, da bạn cũng có thể dễ bắt nắng hơn, nên bắt buộc bạn phải dùng kem, son có tác dụng chống nắng an toàn cho da nói chung. Kem dưỡng môi có SPF tối thiểu là 15 có thể giữ cho môi của bạn không thâm và mịn màng,

Với môi thâm, một thủ phạm ít người biết đến là quy trình tẩy trang, tẩy tế bào chết cho môi chưa đúng. Nhiều chị em tẩy trang sơ sài, thậm chí chỉ rửa qua nước bình thường. Chất tẩy an toàn là đường mịn kết hợp với một số loại dầu dừa, dầu ôliu.

Thiếu nước gây thâm môi

Hôm nào cơ thể bạn không được cung cấp đủ nước, cộng với khí trời quá nóng hoặc quá lạnh (làm mất nước) thì không những môi bị khô, mà còn sậm màu, trở nên thâm hơn. Vì thế, bạn cần uống nước ít nhất 1,5 lít/ngày. Quá trình cung cấp nước cũng đòi hỏi bạn thực hiện khoa học và hình thành thói quen.

Bạn nên chia thời gian: sáng, trưa, chiều, tối, mỗi lần đong chai suối nhỏ khoảng 350ml; cữ xế, bạn bổ sung ly nước trái cây, xem như đã cung cấp đủ nước cho cả ngày. Ngoài ra, khi thấy môi có dấu hiệu xỉn màu (da bị xám xịt), bạn hãy chú ý đến sức khỏe, vì có thể bạn bị căng thẳng, mất ngủ, hay tâm trạng buồn phiền. Bạn hãy khắc phục ngay, đừng để kéo dài, sẽ trở thành thâm môi mạn tính.

Cuối cùng, bạn nên trang bị cho mình son dưỡng môi trước khi thoa son. Dùng dầu dừa để đắp mặt nạ cho môi mỗi ngày là việc đơn giản nhưng cực kỳ hiệu quả để có làn môi hồng hào, mịn màng.

Anh Thi (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI