Miền Tây: Gian nan khắc phục đường sụt lún, sạt lở

02/05/2025 - 07:22

PNO - Thời gian qua, huyện U Minh Thượng (tỉnh Kiên Giang) và huyện Trần Văn Thời (tỉnh Cà Mau) được xem là những “điểm nóng” về sạt lở và sụt lún trên các tuyến giao thông, khiến việc đi lại và vận chuyển nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn.

2,5km đường có đến mấy chục điểm sụt lún

Giữa tháng 4/2025, chúng tôi tìm đến huyện U Minh Thượng, nơi có hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún vào mùa khô 2024. Bà Trần Thị Vỹ - Giám đốc Hợp tác xã Kênh 10 - cho biết, từ khi tuyến đường ĐT 965 bị sụt lún, xe tải lớn không thể vào, khiến nông sản của người dân địa phương và của hợp tác xã bán ra bị chậm lại. Người dân rất mong tuyến đường sớm được khắc phục, nếu không nông sản thu hoạch để vài ngày sẽ bị hư. Hiện nay, nhiều hộ phải dùng xuồng vận chuyển nông sản ra đường lớn rồi bốc lên xe, rất tốn chi phí và thời gian.

Đường bị sạt lở nên việc đi lại của người dân trên tuyến Kênh 15 (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) rất khó khăn
Đường bị sạt lở nên việc đi lại của người dân trên tuyến Kênh 15 (huyện U Minh Thượng, tỉnh Kiên Giang) rất khó khăn

Tại tuyến Kênh 15, ấp Minh Thoại (xã An Minh Bắc), đa phần bà con làm nông nghiệp, nhưng con đường xe tải vào thu mua nông sản của dân đã và đang bị sụt lún cả năm nay, cuộc sống của người dân đã khó càng thêm khó. Bà Lê Thị Oanh - 55 tuổi, cư dân ấp Minh Thoại - chia sẻ: “Khu vực này hệ thống kênh mương nhỏ, mực nước xuống thấp nên xuồng ghe di chuyển khó khăn, khi con đường bộ hư hỏng thì không còn đường nào để vận chuyển, việc tiêu thụ nông sản bị ảnh hưởng”.

Huyện Trần Văn Thời cũng có hàng trăm điểm sạt lở, sụt lún khiến giao thông bị tê liệt. Ông Bùi Út Nhỏ - ngụ xã Trần Hợi - cho biết, kênh Nam Quảng Hảo bị sụt lún hơn năm nay, địa phương đã bàn cách và dự kiến khắc phục vào đầu tháng 3/2025, nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện. Thế là mỗi nhà phải trang bị một chiếc xuồng để qua kênh, sau đó lấy xe máy đi công việc. Hơn một năm nay, xe máy phải gửi nhà người quen vì tuyến đường dài hơn 2,5km có đến mấy chục điểm sụt lún…

Cũng vì đường sá xuống cấp nặng nề, việc đi lại quá khó khăn, nên bà Nguyễn Thị Mai - 64 tuổi, ngụ ấp Bình Minh 2, xã Trần Hợi - lâu nay không thể đi châm cứu, dù đang bệnh nặng.

Ở tuyến Kênh Số 2, ấp Rạch Ruộng C (xã Khánh Lộc) có con lộ ngang 3m, dài khoảng 2km, nhưng có đến 18 vị trí sạt lở, sụt lún; nhiều điểm mặt lộ nằm… dưới sông, giao thông bị chia cắt hơn 1 năm qua gây ảnh hưởng nặng nề đến đời sống của người dân, đồng thời tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.

Nỗ lực khắc phục

Theo UBND huyện U Minh Thượng, vào mùa khô năm ngoái, toàn huyện ghi nhận 454 điểm sạt lở, rạn nứt đường giao thông nông thôn và đường tỉnh ĐT 965 qua 2 xã Minh Thuận và An Minh Bắc, tổng chiều dài các đoạn hơn 11km, ước thiệt hại khoảng trên 200 tỉ đồng. Ngoài ra, có 42 căn nhà bị thiệt hại do sụt lún, ước thiệt hại trên 5 tỉ đồng.

Lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Kiên Giang đã chỉ đạo các đơn vị thi công tranh thủ trời nắng để đẩy nhanh tiến độ nhằm sớm hoàn thành việc khắc phục sạt lở đường ĐT 965, để người dân thuận tiện đi lại trước mùa mưa đến. Hiện, các nhà thầu dùng đá để kè những đoạn bị sạt lở, sụt lún. Đến nay đã khắc phục được hơn 20 điểm.

Tuy nhiên, các đơn vị thi công đang khó khăn trong việc vận chuyển vật liệu do mực nước ở các kênh xuống thấp, sà lan không vào được. Đối với những tuyến giao thông nông thôn do UBND huyện U Minh Thượng làm chủ đầu tư, ông Nguyễn Thum Em - Chủ tịch UBND huyện U Minh Thượng - cho biết, huyện đã trình UBND tỉnh duyệt kinh phí sửa chữa khắc phục hơn 48 tỉ đồng, địa phương đã tổ chức đấu thầu và các đơn vị thi công đang triển khai. Tuy nhiên, do các cống đang đóng để ngăn mặn nên việc vận chuyển vật liệu gặp khó khăn. Hiện, vật liệu chủ yếu được vận chuyển bằng xe nhỏ nên dự kiến đến tháng 6/2025 việc khắc phục mới hoàn tất.

Trong khi tại huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau, ông Nguyễn Văn Đoàn - Chủ tịch UBND xã Trần Hợi - cho biết, địa phương đã hoàn thành công tác khắc phục sạt lở một số điểm nhỏ, còn tuyến đường lớn vẫn chưa thể. Ông Nguyễn Thế Châu - Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời - cho rằng, hàng trăm điểm sụt lún cần kinh phí khắc phục hơn 28 tỉ đồng. Thời gian qua huyện đã huy động từ nhiều nguồn và vận động người dân cùng chung tay. Đến nay, các tuyến do UBND huyện làm chủ đầu tư đã cơ bản khắc phục.

Riêng 4 tuyến đường với 53 điểm sạt lở, sụt lún gồm Kênh Quảng Hảo (xã Trần Hợi), Kênh Cựa Gà 402 (xã Khánh Bình Tây), Kênh Số 2 và Kênh Cống Đá (xã Khánh Lộc) do cấp tỉnh làm chủ đầu tư, tổng kinh phí hơn 11,9 tỉ đồng, hiện đã hoàn thành thẩm định, đang tổ chức lựa chọn nhà thầu để triển khai thi công. “Để chủ động ứng phó, hạn chế tình trạng sạt lở, sụt lún, từ đầu năm 2025 huyện đã khuyến cáo người dân tổ chức sản xuất theo lịch thời vụ, tiết kiệm nước, đặc biệt là không sản xuất lúa vụ 3, đồng thời vận hành hệ thống cống vừa không để xảy ra ngập úng trong mùa mưa, nhưng vẫn đảm bảo trữ nước được nhiều nhất nhằm hạn chế sụt lún, sạt lở” - ông Châu nói.

Phú Hữu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI