Mẹ vợ, ông lão và nhà quản lý

30/08/2017 - 14:00

PNO - Để mẹ vợ vui, vợ hạnh phúc, ông lão vui thú điền viên, có lẽ chính quyền thành phố phải giúp những người như ông Đoàn Ngọc Hải về đúng với vai trò của mình: nhà quản lý.

Câu chuyện lập lại trật tự vỉa hè bỗng dưng được xới lên khi trên mạng xuất hiện một clip không đầy đủ tình huống, ông lão đầu phơ phơ giằng co chiếc xe cá viên chiên với đoàn công tác của quận 1. Trước đó, lại thấy chuyện, ông Đoàn Ngọc Hải yêu cầu xử lý nhà hàng của chính má vợ mình. Hai chuyện này đã tạo nên những cuộc tranh luận trái chiều.

Đầu tiên và xuyên suốt, có lẽ phải nói ngay là người dân thành phố ủng hộ việc lập lại trật tự lòng lề đường. Việc lấn chiếm lòng lề đường không chỉ tạo nên hình ảnh bát nháo mà còn đẩy người tham gia gia thông vào cảnh nguy hiểm.

Nhưng, có một điều mà gần như ai cũng thấy, chẳng hiểu sao chỉ có quận 1 là quyết liệt, là rần rần, còn phường, quận còn lại trong thành phố sau đợt ra quân hồi đầu năm, mọi chuyện dần trở lại như cũ. Nói chẳng đâu xa, ngay khu chung cư Miếu Nổi, phường 3, quận Bình Thạnh, các con đường dường như chưa từng trải qua “cơn bão” nào cả, kể cả khi UBND TP.HCM tổ chức họp rút kinh nghiệm và đã có nhắc đến. Thậm chí, đầu hồi của chung cư, người ta chiếm luôn, lấp cống làm quán cà phê, dân phản ứng, từ quận xuống phường vẫn chẳng thấy đâu.

Chuyện gì đến phải đến, trong cuộc gặp chủ tịch UBND TP.HCM, ông Đoàn Ngọc Hải, người đứng đầu trong chiến dịch lấy lại hè thông, đường thoáng của quận 1, nói như mếu, ông cứ làm việc khác, giao trách nhiệm cho phường thì đường phố lại… “như chưa hề có cuộc chia ly”.

Me vo, ong lao va nha quan ly
Ông Đoàn Ngọc Hải chỉ đạo đoàn liên ngành quận 1 dọn dẹp vỉa hè đường Nguyễn Thị Nghĩa tối 7/8, nơi xảy ra vụ việc giằng co với ông cụ 80 tuổi.

Nói chẳng đâu xa, ngay trước cửa UBND phường Cầu Ông Lãnh, nhà hàng Biển Dương 3 chiếm trọn vỉa hè vậy mà cứ ngày tháng trôi qua thật êm đềm đó thôi.

Thế là ông Hải lại phải xuống đường, lại phải cùng đoàn liên ngành xử phạt.

Xử phạt xe công: có phản ứng. Xử phạt xe tư: cũng phản ứng. Xử phạt người dân: có điều tiếng. Xử phạt người nhà: cũng mang tiếng. Cùng với đó là lời ngợi khen, đồng tình cũng chẳng ít.

Rõ ràng, chủ trương là không sai nhưng cách làm hình như, à mà chẳng phải là hình như, nói cho đúng là thấy chưa ổn thật.

Đi theo đoàn liên ngành của ông Hải mới thấy, người buôn bán đã nói thẳng: “Bộ tưởng tụi tui muốn bán là bán hả. Đóng đủ các loại tiền, có phiếu thu lẫn không có phiếu thu đó chớ”. Chuyện này được chính chủ tịch UBND TP.HCM – Nguyễn Thành Phong trong cuộc họp đã xác nhận bằng cách, cho mọi người coi tin nhắn mà ông nhận được từ người dân “méc”.

Ông lão về hưu lao ra giằng co chiếc xe cá viên chiên là sai. Phải khẳng định như vậy, nhưng như ông nói sau đó, bởi ông tức. Mà tức cũng phải, bán bao lâu, lấn chiếm bao lâu, công an phường, ủy ban phường “không thấy” thì cớ gì một ngày nọ, ông Hải lại thấy.

Vậy mới có chuyện.

Me vo, ong lao va nha quan ly

Vỉa hè bị lấn chiếm trở lại ngay sau khi ông Đoàn Ngọc Hải tạm ngưng ra quân dọn dẹp. Ảnh: Zing.vn

 

Hay như chuyện ông Hải đề nghị xử phạt nhà hàng má vợ mình. Nó có gì đó khiến người ta lợn cợn. Bởi, nếu đã là người nhà, sao ông Hải không nhắc nhở, không đấu tranh mà để phải phạt công khai như một hình thức… thị chúng, người xưa vẫn dùng. Nó khiến không ít bà vợ nhạy cảm thốt lên, nhà mình không thương, không bảo vệ, thì thương ai, bảo vệ ai. Chồng tui mà vầy thì…

Nhìn thì thấy, quận 1 mà cụ thể là ông Đoàn Ngọc Hải dường như quá cô đơn dẫu, ông đã phạt chẳng chừa một ai.

Vậy nên, bất chợt, ngồi ngẫm lại mới thấy, nếu ông Hải vẫn chỉ một mình rong ruổi trên những con đường, thì chuyện sẽ chẳng đi tới đâu.

Cũng cần nhắc lại. Tháng 11 năm 1993, ông Lý Quang Diệu, khi đó là cựu thủ tướng Singapore sang làm việc với UBND TP.HCM. Trong cuộc hội đàm về việc giúp TP.HCM trở nên xanh – sạch – đẹp, ông Lý đưa ra đầu bài số 1 ngắn gọn: “Mọi sự mua bán từ mép nhà trở vào”. Ông Lý có lời hứa, sau 3 năm TP.HCM thực hiện được, ông sẽ đưa tiếp đầu bài số 2. Sự kiện ấy được báo chí thành phố đưa tin khá kỹ.

Thế nhưng, trọn vẹn 24 năm, bài toán đô thị đầu tiên ấy vẫn chưa thể giải được.

Lại xin nhắc, từ năm 2012, lãnh đạo 24 quận huyện từng ký cam kết 159 tuyến đường kiểu mẫu nhưng, giờ người đã về hưu, người thăng chức, nhưng 159 con đường ấy vẫn chỉ là kiểu mẫu… trên giấy.

Chẳng khó để thấy, đằng sau những nguyên nhân ấy vẫn chính là ý thức chấp hành của người dân còn kém và sự nương tay của của các phường, xã. Đó còn là việc ở các đô thị, lực lượng lao động nhập cư khá nhiều, chính vì vậy, vỉa hè vẫn chính là nguồn sống của họ khi mà chính quyền chưa thể tạo ra khu vực việc làm mới. Thành phố quá thiếu các bãi đậu xe, nên dù muốn hay không, vẫn cứ phải phạm luật.

Để mẹ vợ vui, vợ hạnh phúc, ông lão vui thú điền viên, có lẽ chính quyền thành phố phải giúp những người như ông Đoàn Ngọc Hải về đúng với vai trò của mình: nhà quản lý. Thay vì cứ phải đá bóng hai chân, vừa quản lý vừa thi hành.

Bởi chẳng phải ai cũng đá bóng giỏi như ông Đoàn Ngọc Hải, người từng là đồng đội của Lê Huỳnh Đức thời niên thiếu.

Và cũng bởi, an ninh phải bắt nguồn từ an sinh, chứ chẳng phải từ những tấm thẻ phạt vô tri.

Thảo Du

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI