Mất mát lớn nhất hiện nay là niềm tin của khách hàng vào thị trường bất động sản

27/04/2023 - 17:43

PNO - Đó là ý kiến của các doanh nghiệp bất động sản tại Hội thảo “Vực dậy bất động sản, thúc đẩy phục hồi kinh tế” do Báo Thanh Niên tổ chức sáng 27/4.

70% khó khăn là vướng pháp lý

Ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TPHCM cho rằng, khó nhất của doanh nghiệp bất động lúc này là vướng pháp lý (chiếm 70% dự án). Ông dẫn ví dụ về 156 dự án vướng pháp lý tại TPHCM mà hiệp hội đã 9 lần gửi kiến nghị đến các cấp. Sau đó, với nỗ lực tháo gỡ từ Trung ương và TPHCM, dù thực hiện quyết liệt nhưng mới chỉ gỡ được cho vài dự án. 

Bà Nguyễn Thái Hà - Tổng giám đốc Công ty CP Địa ốc Thăng Long cho biết, hiện khung pháp lý không vướng đến mức các doanh nghiệp không thể hoàn thiện được thể chế pháp lý để kinh doanh. Cái khó hiện nay là ở tâm lý của các cơ quan thực thi pháp luật.

“Địa ốc Thăng Long hiện có 1 dự án đã hoàn thiện thủ tục đất đai, hoàn thành công tác đền bù cho người dân, đã đóng thuế cho nhà nước, được cấp giấy phép xây dựng và đã cất nóc. Tuy nhiên, dự án đang triển khai thì hết hạn nhưng công ty nộp hồ sơ đã 3 năm vẫn chưa được gia hạn. Hồ sơ nộp lên bị đẩy đi khắp nơi, trình hết sở này tới ban kia” - bà Hà dẫn chứng.

Trong khi đó, trong thời gian dự án "đứng hình", chủ đâu tư vẫn phải vay ngân hàng với lãi suất từ 14 - 15%, có những tháng lên tới 16%. 

Ông
Ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh chia sẻ tại hội thảo.

“Mất mát lớn nhất hiện nay là các khách hàng, nhà đầu tư mất niềm tin vào lĩnh vực bất động sản. Các doanh nghiệp đang làm mọi cách để khách hàng an tâm quay lại xây nhà, sửa nhà, mua nhà…” - ông Trần Quốc Dũng - Phó tổng giám đốc Tập đoàn Hưng Thịnh bày tỏ. 

Theo ông Trần Quốc Dũng, lâu nay nhiều người đã có cái nhìn không mấy thiện cảm đối với ngành bất động sản vì cho rằng chúng tôi lợi nhuận lớn, chúng tôi mua rẻ bán mắc. Nhưng thực tế, các doanh nghiệp bất động sản phải nỗ lực quản trị tài chính, kiểm soát cân đối thu chi rất căng.  

"Thậm chí, hiện nay chúng tôi sẵn sàng bán không lợi nhuận các dự án, chấp nhận ăn vào lợi nhuận của doanh nghiệp tích lũy trong 10 năm qua với mong muốn lớn nhất là khách hàng đồng ý xuống tiền, thu hút người tiêu dùng quay trở lại, gây dựng niềm tin cho thị trường nhưng vẫn rất khó.” - ông Dũng nói. 

Bất động sản khốn khó, nhiều ngành nghề khổ theo

Tiến sĩ Trần Du Lịch cho rằng, thị trường bất động sản đóng góp trực tiếp khoảng 12% GDP nhưng đóng góp gián tiếp tới 20 - 25% tăng trưởng kinh tế vì bất động sản liên quan tới ít nhất 50 ngành kinh tế khác. Trong khi đó, tăng trưởng kinh tế quý 1 của TPHCM chỉ đạt 0,7%, nhóm ngành công nghiệp xây dựng ghi nhận phần công nghiệp giảm nhẹ khoảng 0,8% nhưng ngành xây dựng âm gần 20%, kéo cả vùng này xuống. Nguyên nhân do thị trường bất động sản tăng trưởng âm hơn -16%. Do đó, vấn đề không phải giải cứu thị trường bất động sản mà phải đặt trong bài toán giải quyết đồng bộ cùng thị trường tài chính.

Nhiều
Theo các chuyên gia, nếu không vực dậy thị trường bất động sản sẽ gây hệ huỵ nhiều lĩnh vực.

Ông Trần Du Lịch cho rằng, thị trường thực tế chỉ "đóng băng" phân khúc cao cấp, sản phẩm không đủ pháp lý, đầu cơ. Còn sản phẩm người tiêu dùng có khả năng thanh toán thì không có, không đủ, nguồn cung ngày càng sụt giảm vì tất cả quy định hiện nay đang là điểm nghẽn, ức chế nguồn cung.

Bên cạnh đó, các sản phẩm bất động hiện nay phục vụ cho đầu cơ là chính, không đáp ứng cho nhu cầu người sử dụng. Giá đất bị đẩy lên cao. Trong khi đó, các nhà kinh doanh bất động sản sử dụng công cụ tài chính thái quá, không kiểm soát được rủi ro, gây hệ quả. Đó cũng là lý do từ quý 4/2022, khi các dòng vốn gặp khó thì nhà đầu tư không có tiền phát triển, dự án "đứng bánh".

Trong bối cảnh hiện nay các doanh nghiệp bất động sản lớn phải tự tái cơ cấu trước để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh. Cơ quan nhà nước phải điều chỉnh các chính sách bất lợi để thị trường phát triển. “Đây là cơ hội để củng cố, phát triển bền vững bất động sản, tránh tình trạng sau khủng hoảng lại tái khủng hoảng, không phải chỉ vực lên rồi cuối năm lại lo vực tiếp” - Tiến sĩ Trần Du Lịch khuyến nghị. 

Tiến sĩ Huỳnh Thanh Điền – Trường Đại học Nguyễn Tất Thành chia sẻ, hiện nay, khi đọc báo cáo tài chính của các doanh nghiệp đều thấy dòng tiền bị âm vì không bán được hàng, đầu tư không thu hồi được, huy động vốn không có... Nếu không vực dậy bất động sản thì hệ lụy cho rất nhiều lĩnh vực, trong đó có cả ngân hàng và nhà đầu tư. 

Ông Nguyễn Đức Lệnh - Phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TPHCM cho biết, thời gian qua Ngân hàng Nhà nước đã có nhiều chỉ đạo, chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp. Đơn cử, trong 3 tháng đầu năm, Ngân hàng Nhà nước đã 2 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành. Tiếp đến là chính sách cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho các khách hàng gặp khó khăn. Việc gia hạn nợ nghĩa là kéo dài thời gian trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ giúp doanh nghiệp bất động sản có thời gian trả nợ, vẫn được vay vốn như thông thường. Việc thẩm định, cơ cấu lại nợ do chính ngân hàng quyết định nên vẫn có sự thuận lợi.

Đặc biệt, mới đây Ngân hàng Nhà nước đã có văn bản chỉ đạo các ngân hàng tăng cường nguồn vốn tốt nhất cho doanh nghiệp bất động sản. Cụ thể, đối với các dự án có đầy đủ pháp lý thì đảm bảo vốn vay khi doanh nghiệp có nhu cầu. Bên cạnh đó ngân hàng cũng chủ động phân loại doanh nghiệp, dự án bất động sản theo từng phân khúc để từ đó có giải pháp cho vay. “Hàng loạt giải pháp đã ban hành, vấn đề hiện tại là thực hiện. Các doanh nghiệp nếu có gì khó khăn, vướng mắc thì có thể phản ánh” - ông Lệnh nói.

Bích Trần

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI