Mang phiên xử vụ 'nữ sinh giao gà' ra sân vận động để làm gì?

25/12/2019 - 18:49

PNO - Phiên tòa lưu động xử vụ nữ sinh giao gà bị sát hại tại sân vận động có sức chứa 10.000 người vào ngày mai - 26/12, có thể sẽ đi vào lịch sử tư pháp Việt Nam và thế giới với nhiều sắc thái khó gọi tên...

Sân vận động (SVĐ) Điện Biên Phủ - nơi diễn ra các trận thi đấu thể thao hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa - nghệ thuật lớn, có sức chứa khoảng 10.000 người, sáng mai sẽ trở thành tòa án ngoài trời, xét xử công khai 9 bị cáo liên quan đến vụ nữ sinh giao gà bị sát hại ở Điện Biên vào chiều 30 tết Âm lịch năm 2019.

Mang phien xu vu 'nu sinh giao ga' ra san van dong de lam gi?
Nơi xét xử lưu động vụ cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên 

Nhằm mang lại hiệu quả trong công tác tuyên tuyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại địa phương, các phiên tòa lưu động vẫn được áp dụng tại nước ta. Với một vụ án nghiêm trọng như vụ nữ sinh giao gà bị sát hại, liên quan đến nhiều đối tượng, mục đích giáo dục, răn đe cũng như tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật mà TAND tỉnh đưa ra dĩ nhiên là đúng.

Tuy nhiên, cách đưa phiên tòa này ra sân vận động lớn nhất của tỉnh, đang trở thành chủ đề gây tranh cãi; nhất là theo ý kiến của nhiều luật sư, 9 bị cáo này vẫn chưa bị tuyên có tội.

Còn nhớ, tháng 4/2016, một vụ án giết người rúng động dư luận không kém, đó là thảm sát ở Bình Phước, cũng được xét xử lưu động; thậm chí còn được truyền hình trực tiếp trên sóng truyền hình.

Xét về tính chất tàn bạo, man rợ thì vụ thảm sát ở Bình Phước và giết người ở Điện Biên chắc cũng cỡ một chín một mười. Để rồi, trước hàng chục ngàn người (vụ ở Điện Biên), thậm chí cả triệu người (vụ ở Bình Phước), cách thức phạm tội ra sao được miêu tả một cách hết sức cụ thể, trước mắt không biết bao nhiêu con người, trong đó có không ít học sinh mặc đồng phục còn ngồi trên ghế nhà trường, không loại trừ những em nhỏ.

Mang phien xu vu 'nu sinh giao ga' ra san van dong de lam gi?
Rất nhiều ghế được tăng cường để có thể đáp ứng nhu cầu tham dự phiên xử

Không biết có bao nhiêu người cảm thấy được giáo dục, răn đe và có ý thức hơn từ những bài học rút ra sau các phiên tòa dạng này? Và ai dám chắc, việc nghe thuật lại các hành vi phạm tội không vô tình trình diễn lại tội ác, có khả năng gieo vào bộ nhớ của kẻ phạm tội tiềm ẩn, những đối tượng hình sự về các phương thức, thủ đoạn phạm tội trong nay mai?

Ai dám chắc, trong số đông có mặt trên sân vận động, trong số hàng ngàn, hàng triệu cái vỗ tay vì công lý được thực thi đó, ngày mai, không có một người sẽ có thể trở thành những Nguyễn Hải Dương, Vũ Văn Tiến (vụ ở Bình Phước), những Vi Văn Toán, Bùi Văn Công, Bùi Thị Kim Thu, Vương Văn Hùng, Phạm Văn Nhiệm, Lường Văn Hùng, Lường Văn Lả, Phạm Văn Dũng, Cầm Văn Chương (vụ ở Điện Biên)?

Trên thế giới, có không ít vụ án, kẻ phạm tội đọc sách, xem phim hình sự để rồi mô phỏng, tái lặp hành vi giết người để thách thức cơ quan chức năng và dư luận. Vậy thì, giữa cái được và cái đang chực chờ, ươm ủ đó, cái gì nên và không nên?

Mang phien xu vu 'nu sinh giao ga' ra san van dong de lam gi?
Phiên xử lưu động 9 bị cáo trong vụ nữ sinh giao gà bị sát hại sẽ diễn ra từ ngày 26 - 28/12 tại SVĐ Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên

Bạn tôi, cho tới giờ vẫn bị ám ảnh bởi những cái vỗ tay rầm rầm phát ra sau khi lời phán xử tử hình của Dương và Tiến được truyền hình trực tiếp trong vụ thảm sát ở Bình Phước. Một cảm trạng phức hợp đan xen ở chính nơi cái ác được trừng trị; tưởng chừng phải hả hê, đã đời vì có người gieo nhân nào đã phải gặt quả nấy; nhưng vẫn có một cái gì đó lạnh sống lưng, khó thốt nên lời.

Phiên xử lưu động vụ cô gái giao gà bị sát hại ở Điện Biên khiến tôi nhớ tới phiên xử đại án AVG mới diễn ra cách đây ít ngày. Một bên tội danh gồm giết người, hiếp dâm; bên còn lại là vi phạm quy định về quản lí và sử dụng vốn đầu tư công, gây hậu quả nghiêm trọng cho đất nước, nhận hối lộ… Cáo trạng nào nặng hơn cáo trạng nào, hành vi nào ảnh hưởng xã hội hơn hành vi nào, rất khó để nói một cách sòng phẳng.

Thế nhưng, ở phiên xử đại án AVG, rất đông phóng viên chỉ được tiếp cận thông tin tại phòng tác nghiệp, thông qua một màn hình ti vi phát trực tiếp từ phiên tòa.

Ai sai thì có pháp luật trừng trị. Nhưng vẫn muốn nói một điều, đừng quên, ngay cả tử tù, họ cũng có quyền của mình.

Đậu Dung

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI