Lo chén cơm, nắm thuốc cho… người dưng

04/01/2021 - 07:56

PNO - Quầy quả sớm hôm, chăm sóc cả người thân lẫn người dưng, dì hay nói dâu bể đời người không biết đâu mà lần, mình còn sống thì cứ thương nhau.

Dì là Mai Ngọc Phượng, 54 tuổi, Chi hội phó Chi hội Phụ nữ khu phố 1, P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức.

Chỗ dựa của những mảnh đời không may

Nghe có tiếng động mạnh kèm theo âm thanh ú ớ, đứt quãng từ căn phòng cuối khu trọ, dì Phượng thả rổ hoa đậu biếc, vội chạy xuống. Ở đó, bà Từ Muối, 68 tuổi, đang vỗ về chồng bà là ông Lưu Thiên Dưỡng, 69 tuổi, đang trong cơn bực tức, trong khi cô cháu nội Bích Duy ngồi co ro ở một góc. Thấy thế, dì Phượng phụ dỗ dành, động viên ông Dưỡng. Rồi dì khoe vừa hái mớ hoa đậu biếc, để phơi khô nấu nước cho ông uống mau khỏe. Một lúc sau, ông Dưỡng bình tĩnh trở lại, không gian trong phòng trọ trở về trạng thái im lìm. Cách nay mười năm, bà Muối bị đột quỵ, đi lại khó khăn nên bà chỉ ở nhà trông nom cháu. Bích Duy đã được ông bà nuôi nấng từ hồi còn đỏ hỏn. 

Rồi hai năm trước, ông Dưỡng cũng bị đột quỵ không đi lại, không tự vệ sinh cá nhân và không nói được. “Chồng tôi dễ quạu lắm, chắc vì bức bối quá. Trước đây ổng hiền khô, mỗi ngày bán được 150 tờ vé số cũng đủ sống cho cả nhà. Còn bây giờ, mọi thứ đều trông mong ở cô Phượng, từ bữa cơm tới tiền trọ. Đã 11 tuổi mà Bích Duy chưa biết chữ. Vợ chồng tôi cũng vậy. Xót cháu lắm mà đâu thể làm gì. Cô Phượng mới xin phường tặng tôi cái xe lắc đặng ngồi bán vé số. Nếu không có cô Phượng, chỉ tưởng tượng thôi tôi đã rùng mình”, bà Từ Muối bộc bạch. 

Nhờ dì Phượng nên Bích Duy bắt đầu được học chữ
Nhờ dì Phượng nên Bích Duy bắt đầu được học chữ

Không riêng gia đình bà Từ Muối, mười mấy năm qua, dì Phượng đã trở thành chỗ dựa của những mảnh đời không may. Dì vận động các nhà hảo tâm giúp gạo, mắm, lo từng bữa cơm, nắm thuốc cho các cụ già neo đơn. Như trường hợp cụ Bùi Thị Liên, 90 tuổi. Cụ Liên kể: “Tôi mới bị té xong. May có Phượng lại với mình kịp. Mỗi ngày Phượng đều giặt giũ, tắm rửa, chuẩn bị cơm nước cho tôi. Hai năm nay, tối nào bả cũng qua đây ngủ lại canh chừng vì sợ tôi gặp chuyện chẳng lành. Tôi nói người dưng nước lã sao tốt với tôi vậy, bả cười nói “giờ không lo nữa nghe”. Nhưng đâu có được, không có bả tôi biết sống sao đây”. 

Ngày còn trẻ, cụ Liên bán giày dép ngoài chợ Thủ Đức. Dì Phượng có xe bánh mì gần đó, thành ra quen biết. Cụ Liên không lập gia đình, trầy trật bán buôn tới năm 80 tuổi thì phải nghỉ vì khớp gối đau nhức. 5 năm trở lại đây, cụ mất khả năng tự chủ cá nhân. Khu trọ trên đường Hồ Văn Tư là của người cháu gọi cụ bằng dì. Vì ở xa, anh nhờ dì Phượng trông nom giúp, sẵn tiện đỡ đần cụ Liên. Dì Phượng đã tận dụng không gian khu trọ để trồng hoa, trồng rau, tạo mỹ quan, phục vụ bà con và cải thiện cuộc sống gia đình. 

Gian khó từ thuở còn thơ

Dì Phượng là chị lớn của năm người em, sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở H.Long Thành, tỉnh Đồng Nai. 12 tuổi, dì rời vòng tay cha mẹ lên Sài Gòn ở đợ. Lớn hơn, dì phụ buôn bán rồi làm nghề sơn mài hơn mười năm. Dì Phượng nhớ lại: “Ngày đó, tôi cũng như Bích Duy bây giờ, 12 tuổi mà không biết chữ. Đi Sài Gòn chỉ với một ý nghĩ duy nhất là kiếm được tiền phụ cha mẹ nuôi em. Hên lắm nghen, tôi lên đây được bà con thương, giúp đỡ nhiều dù đâu có ruột rà gì. Ban ngày tôi phụ bán gạo, tối được học lớp tình thương tới chừng rành chữ mới nghỉ”.

Dì Phượng được Hội LHPN Q.Thủ Đức  tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2019
Dì Phượng được Hội LHPN Q.Thủ Đức tuyên dương điển hình tiên tiến giai đoạn 2015-2019

Lập gia đình, vợ chồng dì Phượng đến khu phố 1, P.Trường Thọ thuê trọ 17 năm, sau đó mua nhà trả góp mười năm nữa. Chồng tất bật làm đủ nghề, từ bốc xếp, chạy xe ôm tới bảo vệ công ty, còn vợ bán bánh mì, sữa đậu nành. Dù đã có hai con trai và rất chật vật về tài chính, nhưng năm 2003, dì Phượng đã nhận nuôi em Nguyễn Thị Mai Thương, khi đó vừa tròn một tháng tuổi. “Nhà Mai Thương cùng quẫn hơn cả chúng tôi. Con là bé út, trên còn tới sáu anh chị. Ba Thương đi khiêng hòm, mẹ quẩy gánh bán cháo đậu đen. Người ta khổ quá không nuôi nổi bầy con nheo nhóc mới cậy tới mình, sao nỡ từ chối. Nay Thương đã 17 tuổi, tôi không giấu con gia cảnh cha mẹ ruột. Thỉnh thoảng, anh chị ấy bệnh thì tụi tôi cũng ghé thăm”, dì Phượng chia sẻ. 

Tham gia hoạt động Hội địa phương từ năm 2000, dì Phượng thấu hiểu từng hoàn cảnh của chị em. Ở đâu khó, ở đó có dì. Dì đã chăm sóc nhiều cụ già neo đơn, khuyết tật, mắc bệnh nan y. Trước đây có cụ Trần Thị Cháo đi lang thang, mắc bệnh tim, dì đưa cụ về nhà lo chu toàn thuốc men, áo cơm suốt 16 năm. Khi cụ mất, dì làm tang ma rồi thờ cúng luôn. 

 Chị Trần Hồ Thùy Trang - Chủ tịch Hội LHPN 
P.Trường Thọ, Q.Thủ Đức

Năm 2017, chồng dì Phượng qua đời sau thời gian dài chống chọi với bệnh tật. Quỹ thời gian kín mít bởi lo toan cơm áo, nhưng dì Phượng vẫn chạy đôn chạy đáo vận động Mạnh Thường Quân tiếp sức để chia khó với bà con, học trò nghèo lối xóm bằng những ổ bánh mì, bịch gạo, cân đường, học bổng. Đầu năm 2020, khi mang bánh mì tới cho vợ chồng ông Đỗ Văn Thọ, thấy căn nhà của họ ngói mục, tường nứt và nền nhà thì ngập nước, dì Phượng bèn kêu gọi các nhà hảo tâm ủng hộ được 20 triệu đồng sửa chữa lại nhà. Hễ nghe ai đó quở làm chi lắm chuyện cho cực vậy, dì Phượng lại cười: “Tôi suy nghĩ đơn giản lắm, còn sức giúp nhau được thì cứ tiến tới thôi. Với các cụ già neo đơn, mình biết mà làm lơ, lỡ các cụ chết cô độc thì day dứt suốt đời”.  

Thảo Nguyên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI