Liệu có một bố nuôi… trong sáng?

31/12/2020 - 05:49

PNO - Cháu rất quý tình cảm của chú giám đốc, nhưng nghe mấy cái chuyện con gái này nọ với bố nuôi đâm ra cháu rất ngại.

Chú Ti Vi ơi, 

Cháu ra trường, vừa đi làm được ba tháng sau hai năm tìm việc. Cháu làm kế toán cho một công ty kinh doanh xe máy. Công việc phù hợp với chuyên môn đào tạo của cháu. Mọi người trong công ty rất dễ thương, cháu cũng dễ hòa đồng. Nhưng có một việc làm cháu suy nghĩ. 

Ấy là chú giám đốc. Khi biết cháu mồ côi cha từ nhỏ, chú rất quan tâm đến cháu. Chú hay nói với mọi người rằng chú nhận cháu làm con nuôi, vì chú không có con gái, chỉ có ba đứa con trai. Vợ chồng chú đã ly hôn, chỉ còn đứa lớn ở với chú, hai đứa nhỏ ở với mẹ. 

Chú giám đốc hay mua quà tặng cháu, đi ăn uống với bạn bè cũng hay gọi cháu cùng đi. Cháu rất quý tình cảm của chú, nhưng nghe mấy cái chuyện con gái này nọ với bố nuôi đâm ra cháu rất ngại. Nhưng cháu cũng không thể từ chối, chẳng lẽ lại nói với chú rằng cháu không muốn làm con nuôi của chú đâu. 

Mẹ cháu là công nhân may, dạo này ít hàng nên thu nhập thấp. Cháu rất muốn làm việc kiếm tiền giúp mẹ. Cháu cũng không nói gì với mẹ, sợ mẹ lo. 

Chú Ti Vi ơi, có phải cháu tưởng tượng quá không? Có khi nào cháu nghĩ tào lao mà phụ lòng tốt của chú giám đốc không? Giờ cháu cũng không biết tính sao, mà công việc thì đâu có dễ kiếm vào lúc này…

Cháu Lo Xa 

 Cháu có lo xa quá không, xin chú Ti Vi lời khuyên - Ảnh minh họa
Cháu có lo xa quá không, xin chú Ti Vi lời khuyên - Ảnh minh họa

Cháu gái Lo Xa thân mến,

Thư của cháu không nói rõ cháu bao nhiêu tuổi, chú giám đốc bao nhiêu tuổi, quà chú ấy tặng cháu là gì, vợ chồng chú ấy vì sao bỏ nhau, những lúc đi ăn uống có cháu cùng mọi người hoặc có riêng cháu thôi thì thái độ chú ấy như thế nào… 

Chú đang nghĩ như sau, nếu chú giám đốc ấy có thái độ gì quá đà khiến cháu sượng sùng hoặc sợ hãi, thì ắt hẳn cháu đã kể trong thư. Đằng này chú chỉ đọc thấy sự tưởng tượng của cháu, mà như thiên tài Albert Einstein đã nói: “Logic sẽ đưa ta đi từ A tới B, trong khi trí tưởng tượng đưa ta đi muôn nơi”.

Dĩ nhiên trong câu nói này, Einstein ca ngợi sức mạnh tích cực của trí tưởng tượng, còn trong trường hợp của cháu, trí tưởng tượng “đi muôn nơi” mà thiếu dữ kiện kiểm chứng, lại có thể làm hỏng một mối quan hệ tốt hiếm có trong đời, làm mất một cơ hội việc làm trong lúc khó khăn. 

Biết đâu câu chuyện này chỉ đơn thuần là một chú giám đốc có toàn con trai, ngày kia thấy quý một cô bé đáng tuổi con mình vì thấy nó ngoan, nó giỏi. Thế rồi trong lòng chú ấy ngấm ngầm muốn có ngày cô bé ấy là… con dâu nhà mình?

(Nếu cháu có thể tưởng tượng ra chuyện bố nuôi “lẹo tẹo” con nuôi thì sao không tưởng tượng ra luôn trường hợp này nhỉ?).

***
Tóm lại, cả hai chú cháu mình đều thiếu dữ kiện để kết luận về một hoàn cảnh, một con người. Thái độ chừng mực nhất lúc này, theo chú, là chúng ta sống và làm việc… như bình thường, và suy nghĩ theo hướng trong sáng nhất, cho đến khi có bằng chứng chống lại việc đó.

Dĩ nhiên, đã nói đến chữ “trong sáng”, thì ngay cả con gái lớn và bố ruột trong nhà cũng phải có ranh giới “con ra con, cha ra cha” trong tiếp xúc, nữa là con nuôi và bố nuôi. Cháu không cần phải quá phòng ngự, phòng thủ, bởi làm thế có khi là xúc phạm người ta. Nhưng cháu cần lễ phép - càng lễ phép càng giữ được mối quan hệ bền vững; và điều này đúng cho mọi mối quan hệ.

Còn nếu một ngày kia xuất hiện “bằng chứng xấu” thì sao? Câu trả lời thế nào thì tự cháu phải biết, bởi vì cháu đã lớn, đã ra trường được hai năm rồi.

Cuối cùng, chú mong cháu hãy tìm hiểu thêm vì sao cháu được chú giám đốc ấy quý. Nếu người ta quý vì cháu chăm chỉ và giỏi giang, vậy thì hãy phát huy điều đó. Lòng yêu mến của người khác là một bệ phóng, từ đó ta có thể bay vút lên nhanh hơn và xa hơn. Việc đầu tiên cần làm là biết ơn cái bệ phóng đó, thay vì nghi ngờ và tưởng tượng nó sẽ phóng ta vào hoang mạc hay xuống hang sâu! 

Chú Ti Vi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI