Lão gàn nói chuyện nứa tre

03/07/2020 - 22:19

PNO - Hỏi nghệ sĩ Bá Phổ thấy nhạc cụ dân tộc hay ở điểm nào, mắt ông sáng lên, những câu chuyện văn hóa đẫm đầy trong giọng nói.

Trong dân gian luôn lẩn khuất đâu đó những kỳ nhân, dị tính với khát khao lạ kỳ. Cả cuộc đời đổ tuổi trẻ lẫn gia sản để băng rừng, vượt suối đi hỏi chuyện nứa tre, thì có lẽ chỉ riêng lão gàn Bá Phổ. Người Việt tôn là “vua đàn nguyệt”, lão vẫn tửng tưng. Người Hoa kéo bầu đoàn thê tử đến tận cửa khẩu biên giới Việt - Trung đón giáo sư danh dự của Đại học Quảng Tây về trường nói chuyện nhạc cụ dân gian; lão cũng chẳng lấy làm quan trọng. Nhưng hễ nhắc đến gáo dừa, máng nước… là mắt lão sáng lên, giọng đầy tha thiết.

“Vua đàn nguyệt”

Chuyện bắt đầu từ những năm 60 của thế kỷ trước, khi ông là thành viên của Dàn nhạc giao hưởng thể nghiệm (thuộc Nhà hát ca múa nhạc nhẹ Trung ương). Dàn nhạc có một nhân vật chuyên đóng vai phụ: đàn nguyệt. Thế nhưng nghệ sĩ Bá Phổ lại thấy cây đàn này có những thanh âm trữ tình, sâu lắng vào bậc nhất. Thế là ông ngày đêm gắn bó với “nhân vật phụ”. Không chỉ luyện tập, nghệ sĩ Bá Phổ còn mày mò nghiên cứu tính chất vật lý của từng bộ phận đàn và khi làm thì chọn vật liệu ra sao để có được âm thanh chuẩn nhất.

Nghệ sĩ ưu tú Bá Phổ - lão gàn mê nứa mê tre
Nghệ sĩ ưu tú Bá Phổ - lão gàn mê nứa mê tre

Rất nhanh sau đó, ông đã đưa đàn nguyệt thành “nhân vật chính”. Song, do thói quen và quan niệm bao đời, nên đàn nguyệt chỉ xuất hiện ở những sân khấu nhỏ. Sau đó mấy năm, nhà nước ta đón một đoàn quan khách nước ngoài. Theo thông lệ sẽ mời khách thưởng thức một đêm nhạc dân tộc với sáo, nhị, đàn bầu…

Bấy giờ, vị trưởng ban Văn hóa văn nghệ Trung ương e quan khách nhàm chán nên hỏi nghệ sĩ Bá Phổ có “món” nào lạ, mà vẫn đặc sệt dân tộc không. Nghĩ đây là cơ hội vàng cho “nhân vật” mà mình dày công đeo đuổi, nghệ sĩ Bá Phổ giới thiệu ngay cây đàn nguyệt. Thế là lần đầu tiên, đàn nguyệt được độc tấu trước bá quan văn võ cả trong và ngoài nước.

Bắt đầu từ đây, nghệ sĩ Bá Phổ và cây đàn nguyệt đã có những bước vươn mình đáng ngưỡng mộ. Đầu tiên là hãng Tiếng hát thế giới của Pháp thu âm, ghi đĩa nghệ sĩ Bá Phổ độc tấu đàn nguyệt. Sau đó, ông và cây đàn nguyệt cùng đoàn Việt Nam sang Pháp biểu diễn theo lời mời (năm 1968). 

Tuổi tròn bát thập, mắt ông đã không còn trong, song vẫn ánh lên những niềm vui, háo hức khi nhớ lại những ngày tháng ấy: “Độc tấu đàn nguyệt trên sân khấu xong, khán giả Pháp kéo tôi xuống, tung lên reo hò. Mình thanh niên nhưng vóc dáng bé nhỏ, khán giả tung hô hầu hết là những cô gái Pháp cao lớn, nên vừa ngại vừa vui sướng”. Cả đoàn Việt Nam đi từ bất ngờ đến tự hào khi thấy Bá Phổ và cây đàn nguyệt được người Pháp tung hô và họ gọi ông là “vua đàn nguyệt” từ ngày ấy. 

Cha con nghệ sĩ Bá Phổ, Bá Nha biểu diễn trên sân khấu
Cha con nghệ sĩ Bá Phổ, Bá Nha biểu diễn trên sân khấu

Cải tiến đàn T’rưng

Năm 40 tuổi, nghệ sĩ Bá Phổ lại phải lòng một cây đàn độc đáo khác: T’rưng. Trước khi “gặp” ông, T’rưng là cây đàn có năm cung, xuất hiện bên những giai điệu đậm chất sử thi Tây Nguyên. Không gian của T’rưng cũng giới hạn ở đó. Ngay khi “gặp”, nghệ sĩ Bá Phổ đã bị âm thanh của đàn T’rưng lôi cuốn, song đàn không có giá đỡ; khi chơi, một đầu treo lên cây, một đầu xỏ vào chân.

Chính việc khó sử dụng của đàn T’rưng đã làm hạn chế sự phổ biến của nó, cũng như hạn chế việc theo học. Và nghệ sĩ Bá Phổ quyết tâm đưa T’rưng vào dàn nhạc. Không ảo tưởng, không cảm tính, ông bắt đầu cải tiến đàn T’rưng từ việc… nghiên cứu các loại nhạc cụ gõ trên thế giới; để làm sao vừa hiểu được cấu trúc, đặc điểm vật lý, nguyên lý hoạt động, vừa nắm rõ câu chuyện văn hóa gửi gắm phía sau từng nhạc cụ. Bởi chỉ khi hiểu được những yếu tố đó, việc cải tiến đàn T’rưng mới không bị trùng lặp với bất cứ cây đàn nào về hình dáng và cấu trúc.

Nói thì đơn giản nhưng nghệ sĩ Bá Phổ đã mất đến bảy năm cho hành trình cải tiến đàn T’rưng. Năm 1985, khi báo cáo công trình cải tiến đàn T’rưng, ông đã bị Hội đồng âm nhạc quốc gia xoay như chong chóng. Nhưng rồi chính cây đàn T’rưng cải tiến đã thuyết phục mọi người.

Từ năm cung, đàn T’rưng được cải tiến thành mười hai cung, có thể chơi được mọi bản nhạc đông tây kim cổ, thậm chí chơi được cả trong dàn nhạc giao hưởng. Hình thức mới của T’rưng cũng vô cùng đặc biệt: đàn được treo cả hai đầu trên giá. Từ mắt người chơi, T’rưng như mái chùa Một Cột, còn từ phía khán giả, T’rưng lại mang hình dáng của mái nhà rông - biểu tượng văn hóa của cộng đồng các dân tộc Tây Nguyên. Từ ngày ấy, đàn T’rưng cải tiến của nghệ sĩ Bá Phổ đã hoàn toàn thay thế đàn T’rưng xưa.

Say mê, thành công với nhạc cụ dân tộc nhưng khởi nguồn của nghệ sĩ Bá Phổ lại là tây nhạc. Khi còn là cậu bé chưa học vỡ lòng, theo cha mẹ tản cư lên chiến khu Việt Bắc, Bá Phổ được các chú thương binh dạy nhạc. Sau ba năm, cậu bé Bá Phổ đã chơi được cả mandolin, violin và accordeon. Lớn lên, cậu đi làm công nhân theo mong muốn của cha mẹ nhưng tình yêu âm nhạc quá lớn, cậu đã quyết tâm tự học để trở thành nhạc công chuyên nghiệp. Hai mươi tuổi, Bá Phổ là thành viên của đoàn văn công.

Làm “hồ sơ” cho hàng trăm nhạc cụ, mở nhạc đường độc nhất

Từ tây nhạc, nghệ sĩ Bá Phổ đã rẽ sang âm nhạc dân tộc, kể từ những ngày đi biểu diễn phục vụ chiến sĩ, đồng bào. Ông nhớ rõ đến từng chi tiết, dù câu chuyện trôi qua đã sáu mươi năm: “Khi đường Trường Sơn mới mở, tôi là văn công biểu diễn phục vụ các đội dân công mở đường. Ở đó, tôi gặp cây đàn tàn mán và đàn cò trong nhà một già làng người Mường, đó là hai cây đàn mở đầu cho sự nghiệp âm nhạc dân tộc của tôi”. 

Hỏi nghệ sĩ Bá Phổ thấy nhạc cụ dân tộc hay ở điểm nào, mắt ông sáng lên, những câu chuyện văn hóa đẫm đầy trong giọng nói hào hứng: “Người Mường sống ở vùng bán sơn địa nên phải bắc máng dẫn nước từ suối về. Rồi người ta lấy một đoạn máng nước, lắp cần, lắp tay vặn vào và chơi, đàn đó gọi là đàn tàn mán. Cách chơi giống đàn bầu hiện nay, chỉ khác là đàn tàn mán úp thẳng phần máng nước xuống sàn, không cần mặt đáy, vì bản thân sàn nhà đã có sức cộng hưởng rất lớn.

Thế kỷ XI, người Kinh mô phỏng làm cây đàn một dây, vẫn máng tre nhưng lột mỏng đi để có mặt đàn. Đến thế kỷ XVII, người ta lắp thêm vỏ quả bầu và gọi là đàn bầu. Hầu hết vật liệu của nhạc cụ truyền thống của Việt Nam là những thứ gần gũi, có mặt trong đời sống; trong đó đa số là công cụ lao động được cải biên như đàn gáo từ gáo dừa múc nước của người Kinh, đàn cò từ gáo tre múc nước của người Mường…”.

Cứ một mình lùi lũi đi nghiên cứu, cải tiến rồi đưa vào ứng dụng, đến quá nửa đời người, “gia tài” của ông là hơn hai trăm nhạc cụ có “khai sinh” từ khắp các vùng miền trên cả nước. Tất cả tụ hội trong “Bá Phổ nhạc đường”, không gian độc nhất và là địa chỉ tham quan miễn phí, độc đáo đối với nhiều đoàn du khách nước ngoài.

Hỏi lý do chuyển nhạc đường từ Hà Nội về Phú Thọ, ông thở dài: “Dưới này, mỗi năm tiền thuê địa điểm mất gần tỷ bạc. Trên Phú Thọ, mỗi tháng tôi chỉ mất bảy triệu đồng”. Lại hỏi: “Vậy bao năm, ông lấy đâu ra tiền “nuôi” nhạc đường?”. Nghệ sĩ Bá Phổ chỉ lên tấm giấy được lồng cẩn thận trong khung kính: “Bao năm nay, tôi là giáo sư danh dự của Học viện Nghệ thuật Quảng Tây đấy. Chúng tôi “nuôi” nhạc đường nhờ tiền công giảng dạy họ trả và tiền đi diễn của đoàn nghệ thuật gia đình (vợ ông là nghệ sĩ Mai Liên, con trai họ là “vua đàn nhị” Bá Nha)”.

Một góc Bá Phổ nhạc đường
Một góc Bá Phổ nhạc đường

Nghệ sĩ Bá Phổ không giấu được nỗi đau đáu cuối đời: do nhạc cụ làm từ tre nứa nên nhạc đường luôn đứng trước nguy cơ mối mọt, hỏa hoạn. Năm ngoái, có doanh nhân trân trọng âm nhạc dân tộc đã đưa nhạc đường của nghệ sĩ Bá Phổ về một không gian rộng trên phố Ngụy Như Kon Tum (Q.Thanh Xuân, TP.Hà Nội). Rồi để cân đối thu chi giữa thời buổi này, nhạc đường phải… bán thêm cả cà phê và thức ăn.

Sang năm nay, nhạc đường một lần nữa phải chuyển về khu phố cổ, vẫn là kết hợp với kinh doanh cà phê. Nhìn vài nhạc cụ lưa thưa trong “cà phê Bá Phổ”, tôi chợt nhớ đến câu nói ít nhiều chạnh lòng của nghệ sĩ già: “Khi nào mọi người còn nghĩ kho báu nhạc cụ đó là của riêng Bá Phổ, thì đó còn là điều thiệt cho văn hóa”.

Ngọc Minh Tâm

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI