Lãnh đạo cần "vi hành" để nắm rõ thực tế rõ hơn

05/08/2016 - 10:12

PNO - Ngay trong ngày 4/8, phóng viên báo Phụ Nữ TP. HCM đã phỏng vấn nhanh một số cử tri để nghe nhận xét của họ về phần chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 2 HĐND TP. HCM khóa IX.

Lanh dao can
Ảnh minh họa: Internet

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Tư vấn nông nghiệp nhiệt đới TP.HCM: Trả lời chất vấn như… báo cáo thành tích

Qua theo dõi thông tin đại chúng, tôi nhận thấy phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh và Phó Giám đốc Sở Công thương Nguyễn Ngọc Hòa tại kỳ họp này sáng 4/8, tôi có cảm giác như họ muốn thống kê thành tích về sự phối hợp kiểm tra, giám sát, còn hiệu quả và giải pháp ngăn chặn thì rất mờ mịt. Nghe thì vẫn là phối hợp tốt, tích cực và có vẻ rất có trách nhiệm, nhưng tình trạng ngộ độc thực phẩm thì vẫn xảy ra rất nghiêm trọng.

TP.HCM với mật độ dân số đông, thành phần dân số cũng phức tạp (dân số không chính thức và vãng lai chiếm tỷ lệ khá lớn) là một khó khăn cho công tác quản lý, tuyên truyền, phổ biến về VSATTP. Mặt khác, công tác giám sát, quản lý còn nhiều bất cập và chưa thực sự hiệu quả. Gần đây, lãnh đạo TP.HCM có đề xuất xin được thành lập một ban giám sát VSATTP trực thuộc UBND TP, theo tôi, đây là một giải pháp rất hữu ích. Tôi nghĩ rằng sẽ rất hiệu quả nếu TP.HCM tiên phong làm tốt mô hình quản lý này. Việc này sẽ tránh được tình trạng “cha chung không ai khóc”.

Cá nhân tôi rất mong muốn TP.HCM thành lập ban này. TP.HCM phải nhanh chóng quản lý, sắp xếp lại hàng hóa tại chợ Kim Biên; nhanh chóng quản lý các nguồn rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy hải sản theo “liên kết chuỗi” (liên kết tổ chức từ sản xuất, chế biến đến phân phối tiêu dùng), có truy xuất nguồn gốc và hàng hóa phải có mã vạch. Cũng nên có một chuyên mục trên truyền hình, báo chí tuyên truyền, nâng cao nhận thức, ý thức về VSATTP.

Một giáo viên dạy văn ở Q.Bình Thạnh đề nghị không nêu tên: Khó cấm DTHT khi còn nặng nề điểm số

Hiện nay, học sinh (HS) gần như học suốt ngày, cộng thêm lịch học thêm sẽ quá tải. Nhưng gần như là không thể không học thêm. Chỉ có một cách duy nhất đó là thay đổi cách đánh giá, xếp loại HS, thay đổi cách thi, khi đó khỏi cần học thêm làm gì nữa. Đề thi ngày càng khó, trong khi thời gian theo phân phối chương trình quá eo hẹp, giáo viên không dạy bài kịp, không có thời gian rèn luyện thêm kỹ năng cho HS… Hiện nay, việc thi cử gần như là cuộc đua giữa những ông thầy (ra đề và luyện thi), HS không học thêm khó lòng mà có được điểm tốt để vào trường như ý

Bác sĩ Trần Văn Ký (Hội Khoa học kỹ thuật ATTP Việt Nam): Chưa thấy “con đường sáng” về khắc phục tình trạng thực phẩm bẩn

Phần trả lời chất vấn của ông Nguyễn Tấn Bỉnh (Giám đốc Sở Y tế TP.HCM) và ông Nguyễn Ngọc Hòa (Phó giám đốc Sở Công thương) còn chung chung, theo đúng kiểu của tiếng nói từ người ngồi bàn giấy, chưa cho thấy sức nóng của vấn đề VSATTP đang diễn ra hàng ngày. Các vị lãnh đạo sở cũng chưa cho thấy hướng đi sáng sủa trong việc nhanh chóng giải quyết được vấn nạn thiếu VSATTP.

Tôi xin được nói điều này để chúng ta hình dung ra người nghèo đang phải ăn thực phẩm bẩn thế nào: Ở Đức, cuối ngày, mỗi chợ đầu mối thu gom và tiêu hủy hàng tấn thực phẩm bị hư hỏng; còn ở ta thì sao? Dù thực phẩm của ta không tươi ngon bằng thực phẩm của Đức, nhưng cuối ngày, các chợ đầu mối nông sản, thủy hải sản hầu như không có thực phẩm hư hại để tiêu hủy. Bởi dù thịt, cá, rau có ươn có héo đến mấy, vẫn bán được, vẫn có người mua. Nhiều quán ăn, bếp ăn tập thể chỉ thu gom thực phẩm ươn để mua cho rẻ.

Cũng ở Đức, tôi thấy một cán bộ phụ trách về ATTP quản lý khoảng 600 đơn vị sản xuất thực phẩm. Người đó phụ trách chung, mỗi ngày đều đi kiểm tra; cơ sở nào có vấn đề thì kiểm tra nhiều lần. Còn ở ta, thỉnh thoảng có một đoàn chừng chục người đi kiểm tra nhưng không được việc cho lắm, bởi ở thành phố 10 triệu dân này, một đoàn công tác mấy chục người thuộc Thanh tra Sở Y tế đi kiểm tra và xử phạt thì như “muối bỏ bể”.

Vấn đề cốt lõi nằm ở chỗ, việc quản lý của ta chưa hiệu quả. Ví dụ, khi suất ăn của sinh viên Trường ĐH Nông Lâm TP.HCM có giòi, sở nào chịu trách nhiệm? Ta có thể thấy, nhiều sở liên quan đến việc này nhưng không có sở nào chịu trách nhiệm chính. Sở Y tế có thể đẩy trách nhiệm qua Sở NN-PTNT, cho rằng nguyên liệu thực phẩm không đảm bảo chất lượng; Sở NN-PTNT lại có thể bảo rằng do Sở Công thương không quản lý hiệu quả khiến hàng hóa bảo quản, vận chuyển không tốt, làm hỏng sản phẩm; Sở Công thương lại có thể bảo do Sở Y tế không quản lý chặt về việc bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài ra, các nước đều có quy trình giải quyết đối với thực phẩm không đạt chuẩn an toàn, từ thẩm định đến tiêu hủy, xử phạt, còn ta thì chưa thực sự có, nên có phần lúng túng trong giải quyết.

Theo tôi, các nhà quản lý cần “vi hành” nhiều hơn nữa đến các chợ đầu mối, quán ăn vỉa hè, bếp ăn tập thể, để trực tiếp cảm nhận vấn đề, tránh việc chỉ đọc báo cáo những số liệu vô cảm từ cấp dưới, rồi khi trả lời HĐND, cũng trả lời bằng những số liệu và nội dung chung chung.

Trần Triều - Tiêu Hà (ghi)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI