Làm gì để lan tỏa văn chương khu vực Đông Nam Á?

02/08/2023 - 07:34

PNO - Hội nghị văn học trẻ Đông Nam Á vừa diễn ra tại Nam Ninh (Trung Quốc) với sự tham gia của đại diện các nhà văn, dịch giả các quốc gia trong khu vực. Giao lưu, hội nhập văn học ASEAN là một trong những vấn đề được bàn luận tại hội nghị.

Hội nhập là tất yếu 

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi - Giám đốc Chibooks, Ủy viên Hội đồng Văn học dịch, Hội Nhà văn TPHCM - nhận lời mời của Hội Nhà văn Trung Quốc, Hội Nhà văn tỉnh Quảng Tây, đã có mặt tại Nam Ninh, tham dự Hội nghị văn học trẻ Đông Nam Á (diễn ra từ ngày 26 - 31/7). Cùng với chị còn có anh Nguyễn Tuấn Quỳnh (tác giả sách, Giám đốc Saigon Books). Đại diện các nhà văn 11 quốc gia Đông Nam Á đã gặp gỡ, trao đổi các vấn đề về văn chương trẻ đương đại. 

Hội nghị văn học trẻ Đông Nam Á mở ra góc nhìn về giao lưu,  hội nhập văn chương trong khu vực - Ảnh do dịch giả Nguyễn Lệ Chi cung cấp
Hội nghị văn học trẻ Đông Nam Á mở ra góc nhìn về giao lưu, hội nhập văn chương trong khu vực - Ảnh do dịch giả Nguyễn Lệ Chi cung cấp

 

Bàn về vấn đề giao lưu, hội nhập văn chương Đông Nam Á hiện nay, dịch giả Nguyễn Lệ Chi nói: “Hội nhập văn chương khu vực là tất yếu. Điểm chung của văn chương Đông Nam Á là có nền văn học dân gian rất phong phú và đa dạng về thể loại. Nội dung các tác phẩm thường gắn liền với quá trình tạo dựng thế giới và vũ trụ, với quá trình hình thành các bản, làng và các vương quốc cổ. Thể loại đa dạng như thần thoại, truyền thuyết, cổ tích, truyện cười, ngụ ngôn, truyện trạng… Nhiều người cho rằng, nên dựa vào điểm chung này để phát triển văn học hội nhập khu vực, sẽ dễ tìm kiếm tiếng nói chung, sự đồng cảm và chia sẻ của độc giả trong khu vực”.

Lâu nay, văn học dịch (tác phẩm được chuyển ngữ và xuất bản tại Việt Nam) phần lớn là các tác phẩm tiếng Anh, Pháp hoặc ngôn ngữ các quốc gia Đông Bắc Á: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc… Rất hiếm có tác phẩm văn chương Đông Nam Á được giới thiệu tại Việt Nam. Ở chiều ngược lại cũng vậy, hầu hết tác phẩm Việt ra thế giới đều được chuyển sang ngôn ngữ phổ biến là tiếng Anh. Trên bình diện giao lưu hội nhập, các quốc gia Đông Nam Á chủ yếu có ảnh hưởng tích cực ở khía cạnh xuất bản (bài học về quảng bá, chiến lược xuất khẩu sách), hơn là lan tỏa giá trị văn chương từ các nước. 

Trong chuyến thăm Việt Nam vừa qua, Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim và phu nhân đã cùng thăm phố sách Hà Nội. Theo thông tin từ Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam, một số tựa sách về truyền thống văn hóa, lịch sử đã được giới thiệu và trao tặng Thủ tướng Malaysia và phu nhân: Phụ nữ Việt Nam những khoảnh khắc, Con gái bà Triệu thế kỷ 21: Chuyện về những người phụ nữ Việt Nam…

Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái (trái) và Nhật ký Đặng Thùy Trâm bản tiếng Lào
Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ bản tiếng Thái

“Tôi rất mong sau chuyến viếng thăm của Thủ tướng Malaysia, thị trường sách Việt Nam sau này sẽ có thêm sách dịch Malaysia cùng các hoạt động hợp tác xuất bản giữa 2 nước. Chibooks cũng từng mời ông Hasri Hasan - một đại diện của xuất bản Malaysia - đến TPHCM ký kết bản quyền, công bố các dự án hợp tác xuất bản giữa 2 bên” - dịch giả Nguyễn Lệ Chi nói thêm. Chị cũng cho biết, sách văn học Malaysia, Indonesia được dịch sang tiếng Việt hiện chỉ tìm thấy vài cuốn truyện tranh dân gian hoặc sách tô màu. Riêng văn học Thái Lan có các tác phẩm: Chai thời gian, Nghiệt duyên, Đằng sau bức tranh

Văn học Việt trong khu vực Asean 

Từ năm 1979, Giải thưởng Văn học ASEAN (hay còn gọi là Giải thưởng Nhà văn khu vực Đông Nam Á) được Hoàng gia Thái Lan và Hội Nhà văn Thái Lan tổ chức thường niên. Nhiều nhà văn Việt Nam được vinh danh ở giải thưởng này từ giữa thập niên 1990 đến nay: Tố Hữu, Ma Văn Kháng, Hữu Thỉnh, Nguyễn Khải, Nguyễn Đức Mậu, Lê Văn Thảo, Trần Văn Tuấn, Nguyễn Ngọc Tư, Nguyễn Nhật Ánh, Trung Trung Đỉnh… Ngoài ra, Giải thưởng Văn học sông Mê Kông (gồm 6 nước) cũng có điểm giao thoa giá trị giữa văn chương các quốc gia Campuchia, Lào, Thái Lan, Myanmar, Việt Nam và Trung Quốc.

Điều đáng tiếc là cho đến nay, hầu hết các tác phẩm được trao giải thưởng văn chương khu vực đều chưa được chuyển ngữ và phát hành tại Việt Nam. Số đầu sách Việt được giới thiệu trong khu vực ASEAN cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay với Truyện Kiều (Nguyễn Du), Cho tôi xin một vé đi tuổi thơ (Nguyễn Nhật Ánh), Nhật ký Đặng Thùy Trâm…, đã được chuyển ngữ và phát hành tại Lào, Thái Lan. “Chậm chạp, khan hiếm” là nhận định của dịch giả Nguyễn Lệ Chi về vấn đề giao lưu, hội nhập văn học Đông Nam Á.

Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bản tiếng Lào
Nhật ký Đặng Thuỳ Trâm bản tiếng Lào

Theo chị, văn học ASEAN có nhiều tên tuổi nổi bật, điển hình như nhà văn Eka Kurniawan (Indonesia) từng được đề cử giải thưởng Man Booker International Prize, nhà văn Tan Twan Eng (Malaysia) được trao giải Man ASIAN Literary Prize năm 2012, nhà văn Ming Cher (Singapore) với các tác phẩm được xem là văn học kinh điển của đảo quốc này…

“Cần thường xuyên tổ chức các hoạt động giao lưu văn học giữa các nước. Đồng thời triển khai mạnh mẽ các dự án dịch thuật, xuất bản văn chương đặc sắc của mỗi nước. Việc tổ chức các workshop văn chương/dịch thuật cũng là cách hữu ích, đặc biệt đối với các tác giả trẻ, dịch giả trẻ. Mở các trại sáng tác quốc tế, đưa nhà văn đi giao lưu với bạn đọc các nước trong khu vực… kết hợp tổ chức ra mắt các tác phẩm văn chương song song với các hoạt động giao lưu văn hóa - nghệ thuật, ẩm thực trong các dịp lễ hội ở các nước trong khu vực cũng là cách quảng bá hấp dẫn và hiệu quả” - từ Nam Ninh, dịch giả Nguyễn Lệ Chi đề xuất. 

Lục Diệp

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI