Kịch nói kết hợp nhạc bolero: Thăng hoa và… gượng gạo!

16/08/2017 - 07:58

PNO - Những ca từ, giai điệu vốn da diết trong một ca khúc độc lập, mang hẳn một 'đời sống' của chính nó, nay buộc phải máng vào một tình huống khác, 'trả bài' cho một cảm xúc vay mượn, chả biết cái nào tội tình hơn cái nào.

Dựng và diễn kịch trong một nhịp thưởng thức đô thị, lại là phục vụ cho một trò chơi truyền hình, quả là phải nhanh nhưng không thể thiếu nhạy - sự nhạy bén đến từ một nền tảng hiểu biết, hợp lý để xử lý rốt ráo từ kịch bản đến dàn dựng lẫn diễn xuất một cách chuyên nghiệp.

Kich noi ket hop nhac bolero: Thang hoa va… guong gao!

Trong sự “lạc quẻ” giữa nhạc và kịch ở Kịch cùng bolero; lỗi không thuộc về kịch, cũng không phải do boléro - Ảnh: BTC

1. Với thời lượng 50 phút, kịch tính dồn nén, Một kiếp nhân sinh có vẻ gần với một cuộc trình diễn mảng miếng sân khấu hơn là một chỉnh thể vở diễn. 

Bản thân sân khấu truyền thống vốn mang đặc thù mảng miếng. Do đó, từ ngôn ngữ đến tính cách nhân vật đều được tập trung, phát triển để đẩy tới đỉnh điểm của “tính cách điển hình trong hoàn cảnh điển hình”. Mảng miếng của Một kiếp nhân sinh, trong trường hợp này, lại không có gì xa lạ - là điển tích Hồ Nguyệt Cô hóa cáo, vốn quá quen thuộc trong sân khấu kịch hát truyền thống. Dễ hiểu vì sao NSƯT Tuyết Thu - từng là sinh viên khoa Cải lương, “vào đời” bằng nghề múa, diễn viên kịch - đã bộc lộ sở trường lẫn sức diễn nội tâm khá dày dạn.

Chuyển biến tâm trạng cùng động tác hình thể từ người sang thú (yêu tinh), từ thú khao khát làm người, để cuối cùng ngã gục trong những toan tính xấu xí lẫn sự sám hối muộn màng của con người, là một trường đoạn đầy xúc cảm mãnh liệt của Tuyết Thu. Nhìn Thu diễn, nhớ về thời Hồn thơ ngọc (tác giả Lê Duy Hạnh) - đẹp và lung linh, nhưng đậm và sâu hơn thuở ấy.

Có điều, kịch bản lẫn xử lý của đạo diễn đã không khai thác tiếp ngôn ngữ hình thể, ở đoạn Tố Nương bất ngờ được ôm lấy con, dỗ dành con, cho con bú - một tình tiết rất con người - lại không được ý nhị cho lắm. Giá như, trong tiếng khóc xé lòng của con trẻ (cũng là chuẩn bị cho một cuộc chia lìa chồng vợ, mẹ con như đường dây kịch), người mẹ ấp con vào lồng ngực; bằng động tác hình thể, xử lý âm thanh, tiếng khóc vắng bặt; người mẹ trong tư thế cho con bầu sữa, cũng là sự sống, là chỉ dấu của tính Người. Hình ảnh đẹp và thiêng liêng đến mức cảm hóa tay pháp sư cũng như người dân làng Hạ, buộc họ phải sám hối trước một oan tình. 

Kich noi ket hop nhac bolero: Thang hoa va… guong gao!
Quang Thảo và Tuyết Thu trong Một kiếp nhân sinh

Đằng này, cả tác giả lẫn đạo diễn đã vô tư để cho diễn viên phải “hồn nhiên” thoại - diễn: “Bú đi con”, “Bú bên này nhe con”… Gãy cả cảm xúc, vô duyên một tình tiết đẹp trên sân khấu. Đây là lỗi thô sơ của dàn dựng.

Cũng là độ chín của nghề, thậm chí đã kinh qua bao khóc cười vinh nhục, diễn viên - NSƯT Hữu Quốc là bệ đỡ vững chãi cho Nam Thư - một khuôn mặt lẫn đài từ khá hoàn hảo cho sân khấu kịch. Quốc diễn tỉnh táo - như một đạo diễn diễn kịch hơn là một diễn viên. Nhưng Hữu Quốc không “cứu” nổi Vũ Trần cái tình tiết cuối - khi người mẹ trở về hối lỗi cùng con gái.

Từ hàng ghế giám khảo, đạo diễn Đỗ Đức Thịnh góp ý về việc không cần thiết cho cô con gái hiện diện. Rất chính xác! Và giá như, người mẹ cũng không cần độc thoại một cách… ngây thơ và thô thiển: “Mày sai lắm rồi Thắm ơi…”; mà có thể tiếp theo câu thoại của con gái “Má tôi đã chết - chết từ 20 năm trước, ngay trên dòng sông này”, người mẹ độc diễn với dòng sông, bến nước; bằng sự hối lỗi muộn màng, đau xót, để rồi trầm mình mà cầu xin một sự thứ tha, gột rửa.

Hay cả tình tiết cha con bất ngờ đối mặt ở vũ trường, ngay tại căn phòng truy hoan, không phải là cái ôm của cha và con gái mà là động tác đứa con gái quê mùa quỳ lạy dưới chân người cha già, vì đã lỡ hoen ố một nền gia phong đạo đức.

Kich noi ket hop nhac bolero: Thang hoa va… guong gao!
Nam Thư trong tiểu phẩm của đạo diễn Vũ Trần

Dựng và diễn kịch trong một nhịp thưởng thức đô thị, lại là phục vụ cho một trò chơi truyền hình, quả là phải nhanh nhưng không thể thiếu nhạy - sự nhạy bén đến từ một nền tảng hiểu biết, hợp lý để xử lý rốt ráo từ kịch bản đến dàn dựng lẫn diễn xuất một cách chuyên nghiệp.

2. Không nên và cũng không cần phải tìm cách phủ nhận dòng nhạc boléro trong đời sống tinh thần, thị hiếu nghe nhạc của người dân hiện nay. Tôi đồ rằng, với một hệ ngữ tiếng Việt bằng - trắc, sáu dấu phong phú thì cái nhạc cảm ngũ cung như là hơi thở, là tiếng lòng của người dân xứ mình, cũng là có thể hiểu. Thế nhưng tràn ngập trên sóng truyền hình, truyền thanh, sân khấu là boléro; từ đó, “biến tấu” cho mọi hình thức chương trình - từ gameshow, truyền hình thực tế, dĩ nhiên là đủ kiểu trình diễn, thi thố và… ăn theo. Quả là một dấu hiệu không mấy bình thường.

Rõ ràng, Kịch cùng bolero là một cuộc ăn theo dòng nhạc này. Vì là ăn theo nên mọi lý lẽ đưa ra, sắp xếp, cài đặt giữa loại hình kịch nói - vốn là một chỉnh thể nghệ thuật mang tính tổng hợp - với duy nhất một dòng âm nhạc đều khó thuyết phục nếu không muốn nói là nó phô bày sự hạn hẹp của nhạc boléro so với sự biểu đạt những cung bậc tâm trạng, tính cách, hoàn cảnh của một vở kịch. Kết cuộc, tội nghiệp cho kịch phẩm, buồn cười cho một số cảnh huống của diễn viên, vỡ vụn cảm xúc của khán giả.

Kich noi ket hop nhac bolero: Thang hoa va… guong gao!
Tuyết Thu bộc lộ sở trường lẫn sức diễn nội tâm khá dày dạn trong Một kiếp nhân sinh

Một kiếp nhân sinh, trong tình cảnh bi thiết, không chỉ là cuộc chia lìa mang sắc màu tình ái mà là đoạn lìa nghĩa vợ chồng, tình mẫu tử; hơn thế là bi kịch của niềm tin vào con người, khát vọng được làm người, được yêu thương và thấu hiểu, bỗng dưng… cất lên một thứ thanh âm, lạc và lơ láo, chả ăn nhập vào đâu: Kiếp nào có yêu nhau, thì xin hẹn đến mai sau (Quang Thảo hát sai lời. Lời đúng là “tìm đến mai sau”). Hoa xanh khi chưa nở, tình xanh khi chưa lo sợ. Bao giờ có yêu nhau, thì xin gạt hết thương đau. Em ơi em đâu rồi? Em ơi em đâu rồi? (Kiếp nào có yêu nhau).

Những ca từ và giai điệu vốn da diết trong một ca khúc độc lập, mang hẳn một “đời sống” của chính nó, nay buộc phải máng vào một tình huống khác, phải “trả bài” cho một cảm xúc vay mượn, chả biết cái nào tội tình hơn cái nào. Bất giác, thấy buồn cười!

Danh ca Phương Dung, người đại diện cho “phe” nhạc, bảo rằng đây là một “Broadway Việt Nam”, hẳn bà khá bao dung. Bởi, nếu nhạc kịch Việt Nam chỉ đơn giản là phép cộng kịch + nhạc boléro, hay thậm chí cộng cả chachacha (trong Duyên tình - Y Vân), slow rock (trong Duyên kiếp - Lam Phương), Đoạn cuối tình yêu (Vinh Sử - Tú Nhi) hay boston trong Kiếp nào có yêu nhau ( Phạm Duy - Hoài Trinh)… thì lại quá là đơn điệu, nghèo nàn.

Boléro là một phần nhạc cảm của người Việt. Nhưng không thể vì nó mà buộc lấy những loại hình nghệ thuật vốn không có biên độ trong cảm xúc, giới hạn trong ca từ vào với boléro; như thể là một cuộc hôn nhân cưỡng ép. Sẽ chỉ gượng gạo và tội nghiệp nhau thôi.

Kich noi ket hop nhac bolero: Thang hoa va… guong gao!
Các giám khảo đêm chung kết Kịch cùng bolero (từ trái qua): đạo diễn Đức Thịnh, ca sĩ Phương Dung, NSƯT Kim Xuân và đạo diễn Công Ninh

Đêm 14/8, qua truyền hình, tôi nhìn thấy những-người-con-của-kịch: Thành Hội, Ái Như, Minh Phượng, Kim Xuân, Đỗ Đức Thịnh, Công Ninh… dù ở vị trí nào thì họ, là một phần của thế giới kịch nói Sài Gòn - TP.HCM. Ống kính truyền hình không bắt kịp những nét cảm xúc trên gương mặt họ nhưng tôi cảm thấy… ái ngại, xen chút xót xa vì họ, với tài năng, tâm huyết xứng đáng được tôn vinh - như chính loại hình nghệ thuật mà họ theo đuổi, dưỡng nuôi hơn là bị kéo theo - đối xử trong tư thế bị buộc - như đang hiện diện.

May thay, trong cuộc “hôn phối” kỳ dị ấy, kịch nói đã thăng hoa; phần sống sượng lại thuộc về nhạc. Lỗi không thuộc về boléro. 

Đạo diễn Vũ Thành Vinh - :

“ là một thử nghiệm kết hợp giữa kịch nói và dòng nhạc boléro. Trong mùa thi đầu tiên, nhiều thứ chưa được như chúng tôi mong muốn; bởi để đưa được nhạc boléro phù hợp trong từng tình huống kịch, tâm lý nhân vật… vẫn là thách thức lớn với các đạo diễn. Hơn nữa, kịch boléro còn khá mới. Còn nhiều tiết mục, sự phối hợp giữa kịch và boléro chưa mượt mà; thậm chí đôi chỗ mới chỉ dừng ở mức minh họa.

Chúng tôi đã nghĩ đến việc sáng tác nhạc boléro cho từng tiết mục dự thi và đã thử ở tiết mục Nhạn sầu. Tất nhiên, việc này đòi hỏi phải có nhiều thời gian hơn, các đạo diễn cũng sẽ phải làm việc vất vả hơn; nhưng đó là sự đổi mới cần thiết để chương trình hấp dẫn và thuyết phục hơn”.

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI