Khu phố nhỏ lan tỏa lối sống xanh

20/09/2023 - 06:17

PNO - Suốt 5 năm miệt mài gầy dựng phong trào, giờ khu phố của bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm mảng xanh đã tràn ngập khắp mọi ngõ, mọi nhà; ai nấy đều hăng hái thu gom rác thải nhựa để tái chế thành chậu trồng cây.

"Khu phố tái chế - khu phố xanh"

Buổi sáng thứ Bảy, vào hẻm 153 Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão (quận 1, TPHCM), chúng tôi ngỡ ngàng với những nét đẹp lao động của bà con nơi đây. Người tưới cây. Người phân loại rác. Tiếng quét lá xào xạc.

Trong căn nhà nhỏ, khoảng 30m2 - nơi tiếp nhận rác thải nhựa của khu phố, tiếng cười nói xôn xao. Bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm - Trưởng khu phố 6 - đang cùng với các chị em phụ nữ phân loại rác thải nhựa. “Đợt này, thu được khá nhiều chai, bình nhựa nên sắp tới sẽ có nhiều sản phẩm mới lắm đấy, tha hồ tạo mảng xanh” - ai đó phấn khích. 

Suốt 5 năm nay, hẻm 153 được mọi người ví là “con hẻm tái chế”, vì đi đến đâu cũng thấy người dân trong hẻm biến tấu những chai nhựa, thùng nhựa… thành chậu trồng hoa, trồng rau, thuốc nam, cây cảnh. Bà Ngọc Cẩm cho biết, bà con khu phố 6 đã dần quen với việc bà và các chị em kéo xe, xách bịch đi thu gom rác thải nhựa, nên cứ thấy là gọi vào nhà lấy phế liệu.

Những hành động “xanh” tạo nên “mảng tường xanh”, những “mảng tường xanh” tạo nên “khu phố xanh”
Những hành động “xanh” tạo nên “mảng tường xanh”, những “mảng tường xanh” tạo nên “khu phố xanh”

“Là người tiên phong trong phong trào chống rác thải nhựa, phân loại rác tại nguồn, tôi nhận không ít sự phản đối của người dân trong khu phố. Họ nói tôi là người “ăn cơm nhà thổi tù và hàng tổng” gây phiền phức cho họ. Nhưng tôi và ban điều hành khu phố kiên trì thực hiện phong trào bằng cách đến gõ cửa từng nhà xin rác thải nhựa, ghé từng quán cà phê xin thu gom ly nhựa về tái chế ra nhiều sản phẩm độc đáo, đẹp mắt để sử dụng nhằm hạn chế lượng lớn rác thải nhựa ra môi trường. Khi bà con cảm nhận được môi trường của khu phố ngày càng sạch sẽ hơn thì họ mới chịu chung tay” - bà Ngọc Cẩm tâm sự.

Mỗi tuần 2 lần, theo sự phân công của bà Ngọc Cẩm, các hội viên phụ nữ và đoàn viên thanh niên sẽ đến từng hộ để thu gom chất thải rắn về điểm tập kết để tái chế. Bóng đèn, pin cũ sẽ được gửi về phòng tài nguyên và môi trường để cuối năm được nhận một khoản tiền thu gom rác thải cho khu phố, số còn lại bà Ngọc Cẩm đại diện đứng ra bán để gây quỹ học bổng hỗ trợ trẻ em nghèo, hiếu học ngay tại khu phố.

Cộng với số tiền vận động thêm, mỗi năm khu phố trao 23 suất học bổng với tổng kinh phí gần 45 triệu đồng. “Việc nhỏ - ý nghĩa lớn” này đã được duy trì trong nhiều năm.

Từ việc phân loại rác tại nguồn và tái chế thành các sản phẩm có ích, dùng để trồng cây, cắm hoa, nuôi cá… bà Ngọc Cẩm đã lên kế hoạch thực hiện “Bức tường xanh” với sự hỗ trợ của Hội Môi trường xây dựng Việt Nam, Ủy ban MTTQ Việt Nam và Hội LHPN phường.

Thế là những chậu cây, chậu hoa tái chế từ bình nhựa, can nhựa, chai nước suối được đưa lên tường. Về kế hoạch này, bà Ngọc Cẩm cho biết, ban đầu khu phố cũng gặp phải phản ứng của dân. Thấy mang phân, mang đất, mang cây về là họ phàn nàn. Tuy nhiên, bà cùng với các hội viên và ban điều hành khu phố vẫn vui vẻ làm, vừa trồng cây cảnh, vừa trồng rau xen các loại cây thuốc nam như tần dày lá, gừng, sả, nghệ…

Chẳng lâu sau, khi thấy cây lá xum xuê, góp phần làm cho không gian sống trở nên dễ chịu, ai đi qua cũng tấm tắc ngợi khen, thì bà con trong khu phố mới thay đổi cách nhìn và dành cho bà Ngọc Cẩm những lời cảm mến. 

Bà Nguyễn Thị Điệp (73 tuổi) - người dân khu phố 6 - hài lòng: “Hay lắm! Màu xanh giúp đem lại sự thoáng mát, trong lành. Ai cần nắm lá thuốc để sử dụng cũng có ngay, vô cùng tiện lợi. Chúng tôi thay phiên nhau chăm sóc cây cũng thấy mình được thư giãn”.

Cho đến nay, khu phố 6 của bà Ngọc Cẩm đã thực hiện và duy trì được 2 bức tường xanh dài gần 30m ở hẻm 153 và hẻm 25 Tôn Thất Tùng. Sắp tới, khu phố sẽ triển khai bức tường cuối cùng ở hẻm 138 Bùi Thị Xuân để chung tay với thành phố tạo mảng xanh, chống nạn sơn, dán, vẽ bậy. “Khi nói đến khu phố 6 người ta nhớ ngay đến “khu phố xanh”, “khu phố tái chế” với mọi ngóc ngách đều có mảng xanh, nhà nhà đều có mảng xanh trên lan can, cửa sổ, sân thượng.

Thấy bà con trong khu phố chung tay vì cuộc sống xanh - sạch - đẹp tôi mừng lắm, bao nhiêu cố gắng giờ đã có kết quả tốt” - bà Ngọc Cẩm xúc động. 

Những "hành động xanh" tạo nên "lối sống xanh"

Năm 2005, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm được tín nhiệm giữ vai trò Trưởng khu phố 6 đồng thời là Tổ trưởng Tổ hội Phụ nữ 95. Trong mọi hoạt động, bà Ngọc Cẩm luôn đặt lợi ích của người dân lên hàng đầu. Riêng để có được khu phố xanh - sạch - đẹp như hôm nay bà và nhiều cán bộ, hội viên nòng cốt đã phải miệt mài trong suốt 5 năm liền.

Nói về cơ duyên tạo mảng xanh, phân loại rác tại nguồn, bà trưởng khu phố cho biết, vào năm 2018, Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM ra Chỉ thị 19 về cuộc vận động “Người dân TPHCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và giảm ngập nước” và phong trào xây dựng mảng xanh, bà đã cùng các chị em hội viên phụ nữ tiên phong tại khu phố.

Trong suốt 5 năm qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (bìa phải)  cùng chị em khu phố góp sức làm sạch đẹp môi trường sống
Trong suốt 5 năm qua, bà Nguyễn Thị Ngọc Cẩm (bìa phải) cùng chị em khu phố góp sức làm sạch đẹp môi trường sống

Với vai trò là người đứng đầu, bà luôn trăn trở làm cách nào để bà con cùng hành động, thay đổi vì một lối sống xanh, lành mạnh. Trăn trở ấy là động lực để bà luôn là những người dẫn đầu, làm gương và sáng tạo. “Để người dân tin tưởng, trước tiên mình phải triển khai, hướng dẫn và thực hiện nghiêm túc. Nói phải đi đôi với làm, mình làm tốt, mang lại nhiều lợi ích cho bà con, thì tự khắc họ thấy và cùng chung tay với mình. Những hành động nhỏ của mọi người sẽ cùng nhau tạo nên lối sống xanh rộng lớn” - bà Ngọc Cẩm chia sẻ. 

Đồng hành cùng bà Ngọc Cẩm từ những ngày đầu thực hiện các phong trào và cũng là một trong những người có tay nghề “tái chế” ra những sản phẩm đẹp của khu phố, ông Lê Phước Minh B bày tỏ: “Hiện nay ý thức của người dân trong khu phố đã thay đổi rất nhiều. Chăm cây, phân loại và tái chế rác thành đồ dùng, giữ gìn vệ sinh môi trường đã trở thành nếp sống tự nhiên của các hộ dân mà không cần ai nhắc nhở. Chúng tôi sẽ cố gắng duy trì và lan tỏa lối sống xanh này nhiều hơn nữa”. 

Bà Nguyễn Thị Thanh Nga - Chủ tịch Hội LHPN phường Phạm Ngũ Lão - nhìn nhận, khu phố 6 là một trong những khu phố có tinh thần đoàn kết rất cao, các dì, các chị nhiệt tình tham gia các phong trào của khu phố, của hội phụ nữ, đặc biệt cần lắm những người đi đầu, khởi xướng và quyết liệt như cô Ngọc Cẩm.

“Các phong trào tạo mảng xanh, tái chế rác thải của Chi hội Phụ nữ khu phố 6 là tấm gương giúp lan tỏa lối sống xanh đến mọi người dân trên địa bàn phường nói riêng và cả thành phố nói chung” - bà Nguyễn Thị Thanh Nga khẳng định. 

“Thực hiện Chỉ thị 19 của Ban Thường vụ Thành ủy TPHCM, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam đã phát động mô hình “Không gian xanh” - tạo mảng xanh trên những bức tường bị dán bậy, vẽ bẩn tại khu phố. Và khu phố 6, phường Phạm Ngũ Lão là một trong những khu phố tiên phong thực hiện phong trào.

Đến nay, các phong trào tái chế, trồng cây tạo mảng xanh tại đây đã mang lại kết quả vô cùng tốt, có nhiều người tham gia và góp phần rất lớn thay đổi lối sống, nhận thức trong việc bảo vệ môi trường”. 

Ông Đặng Bảo Quốc
Trưởng đại diện phía Nam, Hội Môi trường xây dựng Việt Nam

Ngoài mô hình “Tái chế rác thải nhựa”, Hội LHPN quận 1 còn triển khai mạnh mẽ các mô hình “Hạn chế sử dụng túi ni lông”, “Mỗi gia đình hội viên phụ nữ một cây xanh - Mỗi cơ sở hội một công trình cây xanh”, “Tặng chậu cây xanh”… nhằm góp phần làm cho mảng xanh trong các tuyến hẻm, khu dân cư ngày càng lan rộng.

Đến nay, trên địa bàn quận đã xây dựng được 10 tuyến đường, hẻm “Xanh - sạch - đẹp - an toàn”. Riêng mô hình “Tiết kiệm xanh, trao nghĩa tình” (thu gom rác thải nhựa gây quỹ chăm lo cho phụ nữ yếu thế, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn) đã trao 125 thẻ bảo hiểm y tế trị giá 40.894.000 đồng cho 125 hộ cận nghèo.

Ngọc Trăm

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI