Không quy định “cứng” thời gian kết thúc thí điểm cơ chế chính sách đặc thù cho TPHCM

15/11/2022 - 16:26

PNO - Đây là một trong những nội dung tại Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV vừa được thông qua.

 

Nghị quyết Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV quy định

Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV nêu rõ, không quy định thời gian kết thúc thí điểm thực hiện Nghị quyết 54 


Chiều 15/11, Quốc hội đã biểu quyết và thông qua Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV. Một trong những điểm đáng chú ý, Nghị quyết nêu rõ: “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết số 54/2017/QH14 (Nghị quyết 54) về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM”.

Theo đó, Chính phủ nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, trình Quốc hội xem xét, thông qua Nghị quyết thay thế Nghị quyết số 54/2017/QH14 trong thời gian sớm nhất. Riêng về chính sách thu nhập tăng thêm, TPHCM được tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết 54 nhưng cần tính toán, cân đối để không vượt mức tối đa theo quy định của Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp.

Trước đó, báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết không quy định “cứng” về thời gian kết thúc thực hiện Nghị quyết 54 vào ngày 31/12/2023 để bảo đảm linh hoạt, thống nhất với nội dung trong Nghị quyết và phù hợp thực tiễn.

Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định “việc thực hiện chính sách về thu nhập của cán bộ, công chức, viên chức thuộc Thành phố quản lý” vào dự thảo Nghị quyết, vì tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết về dự toán ngân sách nhà nước năm 2023 chỉ quy định về chính sách tiền lương thu nhập đối với các cơ quan, đơn vị ở Trung ương đang áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù, không bao gồm các địa phương đang áp dụng cơ chế, chính sách đặc thù. Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu và đã thể hiện cụ thể tại dự thảo Nghị quyết.

Nội dung Nghị quyết của kỳ họp cũng nêu, áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật 5 năm đối với hành vi vi phạm của cán bộ, công chức, viên chức đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức khiển trách; 10 năm đối với hành vi vi phạm đến mức phải xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo trở lên.

Các trường hợp không áp dụng thời hiệu xử lý kỷ luật được thực hiện theo quy định của Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức. Chính phủ khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức, bảo đảm đồng bộ với quy định của Đảng.

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội cũng đồng ý bổ sung thông tin “nơi sinh” vào hộ chiếu cấp cho công dân Việt Nam. Giao Chính phủ chỉ đạo các Bộ, ngành có liên quan sửa đổi, bổ sung văn bản quy phạm pháp luật theo thẩm quyền để triển khai thực hiện. Ngoài ra, cần khẩn trương nghiên cứu, trình Quốc hội xem xét, quyết định việc sửa đổi khoản 3, Điều 6 Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Minh Quang

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI