“Không “nhiều chuyện” thì làm sao nắm bắt vấn đề mà tư vấn!”

10/05/2023 - 10:00

PNO - “Công việc của tôi lúc nào cũng phải nghe ngóng. Đi chợ mà nghe người ta kể chị Tư hôm qua bị chồng chửi hay anh Bảy đánh chị Sáu là tôi hỏi tới luôn. Không chờ người ta tìm tới mình mà tôi tìm tới người ta liền, khơi chuyện để họ bộc bạch tâm sự rồi mình tìm cách giúp” - bà Trần Thị Thanh Hương - Tổ trưởng tổ tư vấn cộng đồng (TVCĐ) khu phố 1, phường 8, quận 11 - nói về công việc TVCĐ của mình.

Bà vui vẻ: “Không “nhiều chuyện” thì làm sao nắm bắt vấn đề mà tư vấn! Khó làm tốt công tác này lắm”.

Từng là phó chủ tịch UBND phường, phó chủ tịch HĐND phường và có kinh nghiệm 15 năm tham gia hội thẩm nhân dân ở tòa án, nắm vững một số kiến thức pháp luật, sau khi nghỉ hưu (năm 2010), bà Hương tham gia tổ TVCĐ ở địa phương. Đến nay, bà đã giúp hòa giải gần 100 trường hợp mâu thuẫn liên quan đến hôn nhân - gia đình và nhiều vấn đề khác. Do công việc đã kinh qua trước đó nên bà tiếp cận được với đủ mọi thành phần xã hội. Đó cũng là thuận lợi để bà giúp đỡ mọi người trước những vấn đề về đời sống, pháp lý, giúp họ cởi bỏ những gánh nặng tâm tư.

Bà Trần Thị Thanh Hương (bìa trái) cho biết, để làm tốt tư vấn cộng đồng, bà phải chịu khó “nhiều chuyện”, nghe ngóng khắp nơi, ai có việc gì là hỏi tới
Bà Trần Thị Thanh Hương (bìa trái) cho biết, để làm tốt tư vấn cộng đồng, bà phải chịu khó “nhiều chuyện”, nghe ngóng khắp nơi, ai có việc gì là hỏi tới

Đáng nhớ là gần đây bà hòa giải cho cặp vợ chồng công nhân với những mâu thuẫn khó hàn gắn. Chuyện là, sau khi bị mất việc vì công ty cắt giảm lao động, người chồng sinh ra buồn chán, nhậu nhẹt bê tha. Không chỉ tới lui an ủi người vợ, bà Hương còn “nhập vai” vào bàn nhậu với người chồng. Nghe chuyện từ 2 phía, bà hiểu mấu chốt câu chuyện là ở công ăn việc làm nên đã nhờ Đoàn Thanh niên phường tìm việc cho người chồng với mức lương 300.000 đồng/ngày. Có thu nhập, anh chồng phấn chấn hẳn lên, chăm chỉ làm việc khiến vợ cũng bớt buồn bực. 

Để làm tốt công tác TVCĐ, bà Hương cho rằng, cốt lõi là phải có cái tâm, phải xem người cần được giúp đỡ như người nhà, người em, người con, người cháu trong gia đình mình thì mới “đi đến tận cùng” và tìm cách giải quyết sao cho tốt nhất. Thứ hai là phải hiểu được tâm lý đối tượng thì mới vạch ra kế hoạch giúp họ giải quyết vấn đề một cách gốc rễ.

Chẳng hạn, khi hòa giải mâu thuẫn những vụ ngoại tình thì không chỉ giải quyết từ phía người chồng mà cái chính là phải giúp cho người vợ, người phụ nữ vững về kinh tế. Bên cạnh những chị bị chồng say xỉn đánh đập còn có những chị bị chồng bạo hành về tinh thần. Trường hợp nào bà Hương cũng đều gặp gỡ đôi bên để lắng nghe, thấy được góc nhìn của họ để hiểu hơn về đối tượng và có hướng tiếp cận, giải quyết hợp tình hợp lý. Trường hợp nào khó quá thì bà xin ý kiến Hội Phụ nữ phường hoặc tìm gặp những chuyên gia làm việc trong lĩnh vực tâm lý, pháp luật để hỏi thêm cách tháo gỡ. 

Cũng theo bà Hương, vì cuộc sống luôn vận động không ngừng và những cái mới luôn phát sinh, nên người làm TVCĐ cũng phải không ngừng học hỏi, trang bị kiến thức của nhiều lĩnh vực như pháp luật, tâm lý, kỹ năng, nghệ thuật giải quyết vấn đề. 

Hiện, bà Hương được địa phương tin tưởng, giao quản lý 4 tổ TVCĐ tại phường 8. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI