Khoác “chiếc áo” phù hợp cho TP.HCM, chứ không phải đặc thù

22/02/2017 - 15:50

PNO - Một lần nữa, câu chuyện “đặc thù” cho TP.HCM được đưa ra bàn với con số TP được hưởng 30% số tăng thu từ các khoản thu ngân sách trung ương được phân chia trên địa bàn,

Mức 30% đó, cùng dư nợ vay không vượt quá 70%, đi kèm những đề xuất được phân cấp mạnh hơn về thẩm quyền tổ chức bộ máy nhà nước… được UBTV Quốc hội bước đầu thống nhất. Nhưng chừng đó chưa phải là tất cả cần phải có cho một thành phố năng động bậc nhất cả nước; càng có lẽ như không hợp với… tính cách Sài Gòn - TP.HCM.

Ðặc thù trong “ruột”, nhưng ngoài “da” vẫn nguyên xi, thì sẽ đến lúc khó tránh khỏi... lùng bùng. Quản lý chính quyền bằng tư duy hiện đại, phương pháp hiện đại, đó mới là nắm đấm chiến lược để câu chuyện đặc thù của TP.HCM trở thành riêng biệt mà không xa lạ, độc đáo mà không khó hiểu, khi tự thân đời sống ở thành phố này đã nói lên tất cả, chỉ còn chờ mở cánh cửa để gió khao khát tràn vào.

Khoac “chiec  ao” phu hop cho TP.HCM, chu khong phai dac thu
 

Xung quanh cuộc làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội với lãnh đạo TP.HCM, vào ngày 20/2, nhằm lấy ý kiến cho dự thảo Nghị định mới quy định cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, TS Trần Du Lịch - nguyên Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM - cho rằng, việc phân cấp, phân quyền công vụ còn quan trọng hơn cả chuyện tự chủ ngân sách. Và theo ông, mô hình chính quyền đô thị mà TP đã xây dựng từ hơn 10 năm nay, mới giải quyết tận gốc rễ vấn đề.

Khoac “chiec  ao” phu hop cho TP.HCM, chu khong phai dac thu
TS Trần Du Lịch - Nguyên phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội TP.HCM - một trong những người biên tập, chấp bút cho đề án Chính quyền đô thị của TP.HCM

Luật “đóng” thì nghị định cũng “đóng” theo

Là một trong những “chuyên gia về TP.HCM”, ông hy vọng gì vào nghị định mới cho TP?

TS Trần Du Lịch: Trước hết, tôi thấy ý tưởng mà lãnh đạo thành phố trình ra để góp ý cho nghị định thay thế Nghị định 61/2014/NĐ-CP và 124/2004/NĐ-CP về cơ chế tài chính ngân sách đặc thù đối với TP.HCM liên quan nhiều đến việc triển khai Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, có hiệu lực trong năm nay. Ở khoản 1, điều 74 hướng dẫn thi hành đối với một số nội dung đặc thù, nói rằng:

“Căn cứ vào quy định của Luật này, Chính phủ quy định về quản lý, sử dụng ngân sách đối với một số hoạt động thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh, đối ngoại và một số cơ chế, chính sách tài chính - ngân sách đặc thù đối với TP.HCM, một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, báo cáo UBTV Quốc hội cho ý kiến trước khi thực hiện, báo cáo Quốc hội tại kỳ họp gần nhất”.

Lãnh đạo TP nêu bật việc làm sao phải tăng được tự chủ cho TP về ngân sách. Tự chủ ở đây gồm hai phần. Thứ nhất, tự chủ trong huy động nguồn lực cho ngân sách, tức là TP có tự tạo ra nguồn thu. Thứ hai, TP tự chủ trong vấn đề chi. Khoản nào thuộc thẩm quyền của địa phương thì để HĐND quyết định, chứ không phải cứ chi theo cái mà ở trên đã quyết.

Điều mà TP muốn nhấn mạnh là tự chủ trong huy động nguồn lực. Khi chiếc bánh nguồn lực huy động lớn dần và có chất lượng, TP có nhiều điều kiện tăng trưởng, phát triển hơn thì Trung ương cũng được lợi nhiều hơn. Nếu cứ trói lại thì cả hai cùng chịu thiệt.

Chỉ có điều, việc tự chủ lại đang gặp phải những hạn chế. Trớ trêu là các hạn chế này là do luật pháp quy định.

- Xin ông cho ví dụ cụ thể những hạn chế do… luật đó, thưa ông?

TS Trần Du Lịch: Về chủ động tạo các nguồn thu, tôi ví dụ như các loại phí hiện phải theo danh mục của Quốc hội quy định 11 loại phí, TP không được đặt ra. Chỉ một vài khoản có thể quyết định về mức thu thôi chứ không được đặt ra cái mới. Nhưng để phục vụ cho nhu cầu phát triển, cho dù TP muốn tự chủ trong điều chỉnh dân cư, điều chỉnh xây dựng và cần đặt ra một loại phí nào đó thì không được.

Hoặc theo Luật Ngân sách hiện hành, TP bị khống chế vay nợ. Cụ thể, TP chỉ được vay tối đa tổng vay nợ các loại bằng 60% ngân sách địa phương. Bây giờ đang nợ thì coi như tới đó là hết vay được rồi. Đáng lý ra nếu được thật sự tự chủ ngân sách, thì cứ theo cơ chế tự vay tự trả. Thậm chí, TP có thể tự phát hành trái phiếu mà không cần Chính phủ, Nhà nước bảo lãnh
gì cả.

Tương tự, Luật Thuế cũng vậy, không có chỗ cho địa phương đặt ra các khoản phù hợp. Cái tự chủ này bị trói tay bởi luật. Đó là chưa kể tình trạng chung hiện nay khi Luật Ngân sách quy định ngân sách lồng ghép trung ương và địa phương. Những hạn chế này đã đặt ra nhiều lần rồi, nhưng rất khó khăn.

Phân cấp, phân quyền công vụ quan trọng hơn cả tự chủ ngân sách

- Vậy theo ông, đâu là vấn đề cơ bản để TP tự chủ?

TS Trần Du Lịch: Cái cơ bản muốn TP tự chủ được là phải thực hiện theo nguyên tắc đã được ghi trong Nghị quyết 16 của Bộ Chính trị về TP như thế này, vấn đề gì mà luật pháp chưa quy định hoặc quy định không phù hợp với thực tiễn của TP thì Chính phủ cho làm thí điểm.

(Nguyên văn Nghị quyết 16-NQ/TW của Bộ Chính trị ký ngày 10/8/2012 về phương hướng, nhiệm vụ phát triển thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020: “Tiếp tục cho phép TP được thực hiện thí điểm đối với những vấn đề mới phát sinh mà thực tiễn TP đặt ra trong quá trình phát triển, nhưng chưa có quy định hay những quy định hiện hành của Nhà nước không còn phù hợp. Khi thực hiện thí điểm, TP phải có đề án xin Chính phủ cho thí điểm về từng vấn đề cụ thể và chịu sự theo dõi, giám sát của Chính phủ, đặc biệt với những vấn đề lớn, nhạy cảm).

Vậy theo tinh thần Nghị quyết 16, các vấn đề thực tế của TP mà Luật Ngân sách và các luật khác đang hạn chế, thì cho làm thí điểm. Chứ còn cứ căn cứ vào các quy định thì TP hầu như không có cái gì gọi là đặc thù.

Tuy nhiên, tôi vẫn cho rằng giải quyết vấn đề ngân sách chỉ là một phần thôi. Tôi muốn trở lại câu chuyện năm 2007 khi TP xây dựng đề án Chính quyền đô thị (CQĐT). Trước tiên phải nói rõ, tinh thần của đề án là để triển khai Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X. Thành phố không tự ý
xây dựng.

Nội dung cơ bản nhất của CQĐT chính là vấn đề phân cấp, phân quyền về hành chính giữa trung ương và địa phương. Lĩnh vực nào thuộc quyền và trách nhiệm của trung ương, lĩnh vực nào thuộc quyền và trách nhiệm của chính quyền địa phương. Cái gì TP làm tốt thì để TP làm, trung ương không cần làm nữa, trung ương chỉ kiểm tra thôi. Không chồng chéo công vụ. Chồng chéo công vụ thì chỉ tăng kinh phí và rất dễ đổ trách nhiệm về mặt cơ chế.

Mô hình CQĐT mới giải quyết tận gốc rễ

- Ông có thể phân tích thêm vì sao mô hình này lại giải quyết tận gốc các vấn đề cơ bản của một TP đặc thù như TP.HCM?

TS Trần Du Lịch: Tự chủ ngân sách chỉ là một phần của CQĐT. Mô hình này còn giúp giải quyết tận gốc rễ mọi lĩnh vực của một đô thị đặc biệt như TP.HCM. Từ quản lý đô thị (giao thông, kẹt xe, ngập nước…), lĩnh vực đầu tư, bộ máy công chức địa phương, thẩm quyền tuyển dụng, chế độ tiền lương…

Và như đã nói, ngoài tổ chức bộ máy ra nó còn đưa ra giải pháp cho vấn đề cơ bản, đó là phân cấp trung ương và địa phương. Khi chấp bút cho đề án, tôi đã đưa ra ba cơ chế gồm phân cấp, phân quyền và ủy quyền. Ba cơ chế này bây giờ Luật Tổ chức chính quyền địa phương mới có quy định nhưng vẫn khó khăn cho TP.

Trên cơ sở đó, khi nghiên cứu phát triển những cơ chế riêng cho TP, tôi không gọi là “đặc thù” mà dùng từ phù hợp, phù hợp về vị trí, vai trò và quy mô của một TP đóng góp hơn 1/3 ngân sách cả nước, một đầu tàu kinh tế, một động lực để phát triển… Ấy vậy mà, một thực tế như bạn biết, thoạt tiên là 33%, xuống 26%, rồi xuống 23% và hiện giờ TP chỉ còn được giữ lại 18% trong tổng thu trên địa bàn.

Vì vậy, nếu lần này TVQH thông qua ban hành nghị định mới thay thế các nghị định cũ về cơ chế cho TP, là tín hiệu đáng mừng.

Nhưng tôi vẫn nhắc lại, hiện nay từ Hiến pháp cho đến Luật Tổ chức chính quyền địa phương đều mở ra (cho mô hình CQĐT); và chỉ có CQĐT mới giải quyết được đồng bộ tất cả vấn đề của TP chứ không phải chỉ có câu chuyện ngân sách.

Quốc Ngọc (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI