Khi "ông lớn" nhảy vào cuộc chơi nguyên liệu thừa

29/05/2021 - 08:36

PNO - Rác thải đã và đang trở thành vấn đề cấp bách của ngành thời trang trong suốt nhiều năm qua. Nhiều thương hiệu đã bắt tay vào hành động, từ tái chế nguyên vật liệu, cấm tiêu hủy sản phẩm thừa cho đến sử dụng vải thừa để tạo ra sản phẩm mới.

 

Nền tảng mới

Nếu như trước đây, việc tận dụng vải hay nguyên liệu thừa chỉ được một số thương hiệu nhỏ lẻ sử dụng để tạo ra các thiết kế mới thì tháng 5/2021 có thể là một dấu mốc của ngành thời trang khi ông lớn ngành thời trang xa xỉ, tập đoàn LVMH - chủ sở hữu các thương hiệu đình đám như Louis Vuitton, Dior, Givenchy, Fendi… - đã quyết định nhảy vào “cuộc chơi” này: giới thiệu mô hình kinh doanh Nona Source. Trong bối cảnh Covid-19, thay vì mở cửa hàng trực tiếp, LVMH đầu tư một studio có thể chứa hàng chục ngàn mẫu vải thừa với độ nét cao nhất.

Tháng 5/2021 có thể là một dấu mốc của ngành thời trang khi ông lớn ngành thời trang xa xỉ, tập đoàn LVMH, quyết định nhảy vào cuộc chơi nguyên liệu thừa
Tháng 5/2021 có thể là một dấu mốc của ngành thời trang khi ông lớn ngành thời trang xa xỉ, tập đoàn LVMH, quyết định nhảy vào cuộc chơi nguyên liệu thừa

Theo chia sẻ của LVMH với Vogue Bussiness, Nona Source là nền tảng B2B (giao dịch trực tiếp giữa doanh nghiệp và doanh nghiệp). Nền tảng này dành cho tất cả các thương hiệu, bao gồm các thương hiệu thuộc sở hữu của tập đoàn LVMH, các đối thủ cạnh tranh và cả những nhà thiết kế độc lập. Nona Source trình làng 500 loại vải khác nhau, 100.000 mét vải và 1.000 mét da trong tuần đầu tiên. Nona không mua hoặc lưu trữ những cuộn vải có đính logo vì liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ và quy định trong khuôn khổ hợp tác quản lý chất thải.

Nona Source là sáng tạo của Romain Brabo, nhà thu mua vật liệu tại Givenchy. “Công việc của tôi xoay quanh việc đến các nhà kho vải và tôi đã chứng kiến sự chồng chất của lượng vải thừa gia tăng theo cấp số nhân. Trong khi những nhà thiết kế trẻ đang tìm kiếm các loại vải đẹp để thực hiện bộ sưu tập của họ thì những ngôi nhà thời trang cao cấp lại đang chất đống vật liệu mà họ không dùng đến. Làm thế nào để tạo ra sợi dây kết nối giữa hai bên?” - Brabo chia sẻ ý tưởng hình thành nên Nona Source. Theo Brabo, cái tên Nona Source bắt nguồn từ chữ “Nano” - một trong những vị nữ thần của thần thoại La Mã, “Source” nghĩa là “nguồn cung ứng”.

Romain Brabo (phải) và Marie Falguera (trái)  - hai nhà sáng lập Nona Source
Romain Brabo (phải) và Marie Falguera (trái) - hai nhà sáng lập Nona Source

Thông thường, các nhà thiết kế trẻ phải trả nhiều tiền hơn khi đặt hàng mua nguyên vật liệu với số lượng nhỏ. Bởi lẽ sản phẩm họ tạo ra khá ít để chào bán tại các tuần lễ thời trang. Nona Source là giải pháp hiệu quả cho phép họ tiếp cận các loại vải chất lượng cao với giá cả phải chăng. Kỹ sư của Nona Source - Marie Falguera - cho biết: “Chúng tôi muốn bắt đầu từ quy mô nhỏ. Các trang sản phẩm trên nền tảng Nona Source cung cấp tất cả các loại thông tin: xuất xứ (không phải tên của nhà cung cấp), chiều rộng, trọng lượng và thành phần của vải. Khách hàng có thể tìm kiếm theo giá cả hoặc số lượng với giá thấp hơn 60-70% so với giá trị ban đầu.

Thay đổi bộ mặt thời trang

Được xem như sự cải tiến quan trọng đến từ doanh nghiệp lớn nhất của ngành công nghiệp xa xỉ nhưng Nona Source không phải là cái tên mới trong lĩnh vực này. Queen of Raw từ lâu đã trở thành thị trường quen thuộc cho phép người dùng liệt kê, mua bán các nguyên liệu tồn kho dù nó không sở hữu riêng vật liệu tồn như Nona Source. Thế nhưng, Stephanie Benedetto, đồng sáng lập và CEO của Queen of Raw, người từng lọt vào vòng chung kết cho giải thưởng sáng tạo LVMH năm 2020, không coi Nona Source là đối thủ cạnh tranh bởi lượng nguyên liệu tồn chiếm 15% sản lượng dệt may của các thương hiệu, nhà bán lẻ và nhà máy dẫn đến khoản lỗ hằng năm lên đến con số đáng lo ngại: 152 tỷ USD.

Nona Source đóng vai trò cầu nối  giữa các nhà thiết kế trẻ với  nguồn nguyên liệu thừa chất lượng cao
Nona Source đóng vai trò cầu nối giữa các nhà thiết kế trẻ với nguồn nguyên liệu thừa chất lượng cao

Thông thường, các thương hiệu lo ngại sự tồn tại của lượng vải tồn sẽ phản ánh sự quản lý yếu kém hoặc là một chiến lược kinh doanh của thương hiệu. Tuy nhiên, Benedetto cho rằng tư duy này đã cản trở sự tiến bộ và thay đổi của vấn đề. Cô chia sẻ: “Việc LVMH đứng ra công khai những gì họ đang làm và những việc phía sau là điều vô cùng quý giá. Thương hiệu nào cũng có rác thải. Nó vốn nằm trong hệ thống sản xuất thời trang, ít nhất là trong quá khứ. Thế nhưng bây giờ chúng ta đang ở một thời điểm có thể cải thiện vấn đề lãng phí, tiết kiệm tiền và có một câu chuyện bền vững để kể: Cũ người mới ta”.

Điều này đồng nghĩa nguyên vật liệu, cụ thể là vải vóc sẽ được sử dụng hiệu quả hơn; các thương hiệu nhỏ, các nhà thiết kế trẻ sẽ tiết kiệm được chi phí mà vẫn có những thành phẩm đẹp tung ra thị trường. Tính bền vững của sản phẩm cũng được đảm bảo hơn.

Trong tương lai, Nona Source không chỉ cung cấp các loại vải hay da thừa mà còn hướng đến các loại phụ liệu may mặc như khóa kéo, nút, chỉ…
Trong tương lai, Nona Source không chỉ cung cấp các loại vải hay da thừa mà còn hướng đến các loại phụ liệu may mặc như khóa kéo, nút, chỉ…

Trong tương lai, Nona Source không chỉ cung cấp các loại vải hay da thừa mà còn hướng đến các loại phụ liệu may mặc như khóa kéo, nút, chỉ… Trang web với những bức ảnh chụp cận cảnh các loại vải có độ phân giải cao được thiết kế để khuyến khích mọi người mua trực tuyến, không chỉ vì đại dịch Covid-19 mà còn vì vải mẫu không có sẵn. Tuy nhiên, một showroom tại La Caserne ở Paris dự kiến sẽ được ra mắt một ngày không xa. 

Ngay cả các stylist cá nhân cũng hoạt động theo xu hướng bền vững
Ngay cả các stylist cá nhân cũng hoạt động theo xu hướng bền vững

 

Nhã Ca

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI