Khi con bỗng dưng đòi nghỉ học

29/03/2024 - 06:49

PNO - Việc học sinh quyết tâm nghỉ học là dấu hiệu cảnh báo đối với người lớn. Gia đình phải cho học sinh thời gian để ổn định, đưa đi khám tâm lý để xem các em gặp vấn đề gì. Nếu phối hợp và can thiệp sớm, cơ hội quay trở lại trường của con rất cao.

Đã gần nửa tháng nay, Gia Long - học sinh lớp Bảy của một trường THCS tại quận Phú Nhuận, TPHCM - đã không còn đến lớp. Mỗi ngày, em cứ thong thả đi chơi, khi về nhà thì chơi điện thoại.

Gia Long vốn là học sinh giỏi và được nhận học bổng của trường từ nhiều năm nay. Chừng 3 tháng trở lại đây, em dần chán ngán việc đến trường. Gia Long bắt đầu nghỉ học rải rác, xen kẽ những ngày đi học, rồi cũng bỏ những lớp học thêm. Sau đó, em nói thẳng với gia đình rằng không muốn đi học nữa. Dù gia đình và thầy cô hết mực khuyên nhủ nhưng em không còn động lực đến trường.

Không thiết tha đến trường

Bà Thanh Hà - bà ngoại Gia Long - không kìm được nước mắt kể: “Cha mẹ nó đi làm xa, tui nuôi nó từ nhỏ. Lúc trước nó ngoan, học giỏi, làm bài được điểm cao là về khoe bà ngoại. Còn giờ ai mà nhắc tới chuyện đi học, chuyện điểm số là nó cáu gắt, nạt nộ rồi bỏ đi”.

Nhưng rồi bà nhớ lại, những năm qua, bà luôn nói em phải học theo 2 chị của mình, ngoài giỏi kiến thức phải tham gia hoạt động thể thao, văn nghệ ở trường. Đi học phải về đúng giờ và hạn chế đi chơi với bạn bè. Cả nhà thì không ai có thời gian dắt em đi chơi hay chuyện trò với em, buộc em phải làm bạn với ti vi và điện thoại. Những điều này dường như đã dẫn đến cuộc “nổi loạn” kiên quyết bỏ học đi chơi của em. Chính Long cũng bày tỏ với chuyên gia khi được gia đình đưa đến phòng tham vấn trị liệu tâm lý rằng: “Con bị áp lực khi bà so sánh con với 2 chị. Con muốn được ra ngoài chơi chứ không phải đi học cả ngày, tối về nhà lại học bài. Con thấy mệt mỏi lắm…”.

Tương tự, con gái chị Phương Mai (ngụ quận 3, TPHCM) cũng bất chợt nhất định nghỉ học giữa năm lớp Mười. Từ khi nghỉ học, con nhốt mình trong phòng từ ngày sang đêm, không thích gặp gỡ ai. Gặng hỏi lý do, chị Mai mới biết được ở trường, con bị bạn bè tẩy chay, bạo lực tinh thần. Chị đến gặp giáo viên để tìm hiểu tình hình, mong có thể giải quyết nhưng nhận thấy không ổn nên đành chuyển con sang trường tư thục. Mặc dù vậy, con vẫn không muốn đi học, luôn mang tâm lý lo sợ tiếp tục bị bạn bè tẩy chay hoặc đe dọa, đánh đập. Hiện tại, dù được gia đình động viên hết mức, em vẫn chểnh mảng việc học, khiến gia đình thực sự lo lắng.

Dù con trai đã vào đại học nhưng chị Thu Trúc (ngụ quận 4, TPHCM) vẫn còn lo sợ mỗi khi nhớ đến chuyện con đòi nghỉ học vào giữa học kỳ I lớp Mười hai. Thời điểm ấy, em nhốt mình trong phòng, làm mọi thứ trong bóng tối. Em giận dữ, quát tháo mỗi khi có người khuyên răn mình. Thậm chí, nếu ai đó nặng lời, em dọa sẽ tự vẫn vào ngày mai. Gia đình tìm đủ mọi cách, từ bác sĩ tâm lý cho đến “chuyên gia tâm linh” để động viên, hỗ trợ em. Gần 1 tháng sau đó, em mới mở lòng hơn, bắt đầu chịu đi học lại dù không đều đặn.

Tiến sĩ Ngô Xuân Điệp - Phó chủ tịch Hội Khoa học tâm lý - Giáo dục TPHCM - cho biết: việc học sinh quyết tâm nghỉ học là dấu hiệu cảnh báo đối với người lớn. Trong suy nghĩ của những học sinh này có nhiều thứ quan trọng, trăn trở và khủng hoảng hơn so với việc đến trường. Để biết rõ lý do cần phải kiểm tra tâm lý lâm sàng. Nhưng ngay thời điểm đó, đừng cố trầm trọng hóa việc học sinh cố tình nghỉ học. Gia đình phải cho học sinh thời gian để ổn định, đưa đi khám tâm lý để xem các em gặp vấn đề gì. Nếu phối hợp và can thiệp sớm, cơ hội quay trở lại trường của con rất cao.

Cần tìm gốc rễ vấn đề

Tiến sĩ tâm lý học Giang Thiên Vũ - giảng viên Trường đại học Sư phạm TPHCM - nhận định: có rất nhiều lý do khiến học sinh quyết tâm nghỉ học như: nỗi sợ đến trường và những mối quan hệ ở trường, áp lực đồng trang lứa, áp lực thành tích từ cha mẹ hoặc dấu hiệu của hội chứng tự cô lập bản thân. Ngoài việc không thể hoàn thành chương trình học, tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến sự suy giảm chức năng xã hội cũng như tâm lý. Nguy hiểm hơn, nếu rơi vào tình trạng tự cô lập xã hội, hệ miễn dịch của học sinh có thể suy giảm, dẫn đến các vấn đề bệnh lý hoặc rối loạn sức khỏe tâm thần như trầm cảm, rối loạn lo âu, tổn thương tâm lý, tự sát…

Ở góc độ nhà trường, bà Đinh Thị Thiên Ân - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Văn Bé (quận Bình Thạnh) - cho rằng: nhà trường và phụ huynh cần phối hợp chặt chẽ để tìm ra nguồn gốc của vấn đề. Giáo viên sẽ nhìn nhận xem học sinh có đang gặp áp lực học tập, bị cô lập bởi bạn bè hay tổn thương bởi thầy cô hay không. Cha mẹ thì cần xem xét tình hình gia đình và cuộc sống của con em. Từ cơ sở này cộng với những chẩn đoán từ chuyên gia tâm lý mới đưa ra phương hướng giải quyết. “Tuy nhiên, khó khăn lớn nhất khi đối mặt với tình trạng này là việc nhiều phụ huynh không chịu hợp tác với trường, không đưa con đi kiểm tra sức khỏe đúng nơi, đúng chỗ vì ngại người khác nói con mình “có vấn đề” - bà nói.

Với các trường hợp học sinh dao động về vấn đề tâm lý, Trường THCS Nguyễn Văn Bé sẽ đặt quyền lợi và mong muốn của học sinh lên trên hết. Học sinh được phép học tại nhà, toàn bộ nội dung buổi học sẽ được giáo viên chuyển về qua các phương tiện học tập. Mỗi ngày, giáo viên đều sẽ gọi thăm hỏi tình hình học tập của các em, kể những câu chuyện vui trên lớp để động viên các em. Vị hiệu trưởng nhấn mạnh: “Trường tuyệt đối không đối đầu với học sinh, vì nhu cầu của các em không ảnh hưởng đến các bạn khác. Việc học là lâu dài, tâm lý học sinh nếu không ổn có thể để lại sang chấn cả đời”.

Ông Mạch Văn Công - Phó hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Tất Thành (quận 6, TPHCM) - cũng thông tin rằng có tình trạng học sinh nghỉ học do các vấn đề tâm lý. Tùy theo hoàn cảnh, bộ phận tâm lý của nhà trường sẽ làm việc với học sinh và gia đình, tạo điều kiện để học sinh có thời gian kiểm tra sức khỏe và nghỉ ngơi. “Trường luôn cố gắng làm hết cách để học sinh không nghỉ học giữa chừng. Nhưng cách giải quyết tốt nhất là phụ huynh phải biết thông cảm, chia sẻ với những khó khăn của học sinh. Cả hai nên thống nhất kế hoạch học tập hợp lý, cân bằng giữa thời gian rèn luyện kiến thức và thời gian vui chơi. Chỉ khi giải tỏa được áp lực thì học sinh mới thoải mái học tập” - ông nhắn nhủ.

Cha mẹ hãy đặt mình vào tâm thế của trẻ

Tiến sĩ Giang Thiên Vũ cho rằng, điều đầu tiên mà gia đình cần phải làm khi học sinh rơi vào trầm cảm khi đến trường là duy trì kết nối xã hội với học sinh. Nghĩa là phải quan tâm, động viên để con không thấy mình cô độc, không có ai thấu hiểu. Đồng thời, cha mẹ cũng phải xem sự kỳ vọng của mình dành cho con có phù hợp với năng lực, nhu cầu của con chưa.

Hãy đặt mình vào tâm thế của trẻ để cảm nhận và nói với con rằng nếu không ổn, hãy cho cha mẹ tín hiệu. Việc các em trở lại trường hay không dựa vào sự lựa chọn và động viên của cha mẹ.

Về phía nhà trường, điều quan trọng không phải là cách xử lý ở góc độ quản trị, mà là từ các giải pháp tư vấn tâm lý và chăm sóc sức khỏe tinh thần cho học sinh. Nếu nhà trường chưa khẩn trương và ý thức về tầm quan trọng của công tác tư vấn tâm lý, học sinh sẽ mất đi một nơi an toàn để được lắng nghe, hỗ trợ và nâng đỡ tinh thần. Nếu không thực hiện được những việc này, tình trạng sợ hãi khi đến trường sẽ vẫn còn tiếp diễn.

Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI