Khắp nơi treo bảng cho thuê, sang nhượng mặt bằng

22/10/2021 - 07:06

PNO - Dù từ ngày 1/10, các hoạt động lưu thông, sản xuất, kinh doanh đã được nối lại nhưng nhiều chủ kinh doanh dịch vụ ở TP.HCM vẫn tiếp tục trả mặt bằng, thanh lý tài sản. Trên nhiều con đường ở khu vực trung tâm trước đây sầm uất, buôn bán tấp nập, dày đặc các mặt bằng đóng cửa, treo bảng tìm người thuê.

Bảng “cho thuê mặt bằng” treo khắp nơi

Trên các tuyến đường trung tâm TPHCM như Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi, Ngô Đức Kế, Hồ Tùng Mậu, Hai Bà Trưng, Lý Tự Trọng (Q.1), Trần Quốc Thảo, Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Cách Mạng Tháng Tám, Lý Chính Thắng (Q.3), bảng cho thuê mặt bằng mọc lên như nấm sau mưa, dù trước các đợt giãn cách xã hội, hoạt động kinh doanh trên các tuyến đường này vẫn còn khá nhộn nhịp.

Trên đoạn đường Ngô Đức Kế chưa quá 300m từ phố đi bộ Nguyễn Huệ vào tòa nhà Bitexco, có ít nhất sáu mặt bằng cho thuê. Gần đó, trên đoạn đường Hồ Tùng Mậu chưa đầy 1km, cũng có hàng chục mặt bằng treo biển cho thuê. Do nằm sát phố đi bộ, lại tập trung nhiều văn phòng làm việc nên khu vực này trước đây rất đông tiệm ăn uống. Khi chúng tôi gọi vào số điện thoại dán trước một mặt bằng cho thuê trên đường Hồ Tùng Mậu, người nghe máy xưng là chủ nhà cho biết, đã để mặt bằng trống tám tháng qua, dù giá cho thuê đã giảm 30 - 50% so với trước. 

Trên đường Lý Tự Trọng, nơi trước đây có nhiều cửa hàng bán đồ ăn và đồ lưu niệm cho du khách, hiện chỉ có các cửa hàng thời trang mở cửa lại. Hàng chục mặt bằng đang chờ người thuê hoặc sang nhượng, hầu hết là cửa hàng thời trang, tiệm spa, massage. Quanh chợ Bến Thành, hàng loạt cửa hàng kinh doanh vàng bạc, đá quý, hoa, trái cây vẫn đóng cửa hoặc treo biển sang nhượng mặt bằng. 

Nhiều mặt bằng đóng cửa chờ khách thuê trên đường Hồ Văn Huê - ẢNH: NGUYỄN CẨM
Nhiều mặt bằng đóng cửa chờ khách thuê trên đường Hồ Văn Huê - Ảnh: Nguyễn Cẩm

Ở các quận 3, 5, 10, Gò Vấp, bảng “cho thuê mặt bằng” cũng nhan nhản. Ở khu ngã tư Cách Mạng Tháng Tám - Bùi Thị Xuân (Q.1), hàng chục cửa hàng kinh doanh hoa ngoại, quần áo, thiết bị điện, cà phê văn phòng liền kề nhau đều treo bảng cho thuê mặt bằng. Các cửa hàng trên đường Cách Mạng Tháng Tám đoạn từ công viên Lê Thị Riêng (Q.3) đổ về Q.1 cũng đều đóng cửa và treo bảng cho thuê mặt bằng. 

Chị Thu - chủ một tiệm áo cưới trên đường Hồ Văn Huê, Q.Phú Nhuận -  cho biết do đóng cửa tiệm nhiều tháng, không đủ sức cầm cự tiếp nên chị vừa sang nhượng cửa hàng với giá 450 triệu đồng, bao gồm tiền cọc nhà và toàn bộ nội thất cùng gần 400 bộ vest, áo cưới, áo dài. Cả tuyến đường chuyên doanh dịch vụ cưới sôi động giờ đây dày đặc băng-rôn “trả mặt bằng, cần sang nhượng”.

Giảm giá, vẫn không có người thuê

Chị Trinh - chủ quán The Coffee Guy, Q.9 - đăng thông tin sang quán hơn mười ngày nay nhưng chưa sang được. Mức giá sang nhượng 650 triệu đồng bao gồm toàn bộ nội thất, máy lạnh, dàn đèn trang trí, quầy pha chế, tủ mát, dụng cụ pha chế và tiền thuê mặt bằng đã trả đến tháng 12/2022. Theo chị, do định kinh doanh lâu dài nên chị đã thanh toán tiền thuê mặt bằng trong ba năm để hưởng ưu đãi và đầu tư vào đây hơn một tỷ đồng, nhưng quán vừa đi vào hoạt động được mấy tháng thì phải đóng cửa để phòng, chống dịch COVID-19. 

Trên các trang Facebook, chợ online, thông tin sang nhượng shop thời trang, quán nhậu, quán cà phê... tràn ngập. Hầu hết chủ shop, quán để lại toàn bộ đồ dùng, hàng hóa và đồng ý thương lượng giá với khách có thiện chí nhưng đã rao nhiều tháng nay mà vẫn chưa sang được. 

Bà Thoa - chủ mặt bằng trên đường Quang Trung, Q.Gò Vấp - cho biết bà cho khách thuê mặt bằng bán quần áo, được hai tháng thì dịch COVID-19 bùng phát, phải đóng cửa. Bà đã giảm 50% tiền thuê mặt bằng nhưng bốn tháng nay, khách chưa trả tiền thuê, lại trả mặt bằng. Bà rao cho thuê mặt bằng với giá chỉ bằng 50% trước đây nhưng vẫn chưa có ai thuê.

Trên các đường Kinh Dương Vương (Q.Bình Tân), đại lộ Nguyễn Văn Linh (H.Bình Chánh) cũng dày đặc bảng cho thuê hoặc sang nhượng mặt bằng làm kho, xưởng. Anh Huỳnh Văn Tú - chủ một mặt bằng 430m2 trên đường Kinh Dương Vương - cho biết trước đây, kho này được các đơn vị vận tải thuê đậu xe, tập kết hàng cơ khí nhưng do doanh nghiệp phá sản nên họ trả mặt bằng. Giá cho thuê đã giảm 30%, chỉ còn 25 triệu đồng/tháng nhưng rao mãi mà vẫn chưa có khách thuê. 

Chủ dịch vụ khó gượng dậy 

Theo đại diện Công ty TNHH Chợ Tốt, trên trang chotot.com, từ tháng 10/2020 đến tháng 5/2021, giá mặt bằng tăng từ 20 - 25% nhưng từ tháng 5 - 10/2021, chủ các mặt bằng phải giảm tiền thuê để thu hút khách hàng. Cũng trên chotot.com, giao dịch thanh lý đồ đạc văn phòng tăng mạnh từ cuối tháng Chín đến nay.

Ông Nguyễn Hoài Phương - CEO Công ty TNHH Gong Cha Việt Nam - cho hay công ty vừa trả lại một mặt bằng trên đường Hồ Tùng Mậu (Q.1) với giá thuê 100 triệu đồng/tháng, do chủ nhà không chịu giảm tiền thuê khi các nơi khác đều giảm 30%. 

Trước đây, chuỗi The Coffee House có mặt ở các cung đường lớn, vị trí đẹp thì nay đã đóng bớt nhiều quán. Đại diện Seedcom - đơn vị đầu tư chuỗi The Coffee House - cho biết để tiết giảm chi phí, đơn vị này đóng 30 điểm kinh doanh không hiệu quả trên tổng số 180 điểm trên cả nước. “Việc đóng cửa bớt nhằm chuẩn bị cho chiến lược “sống chung với dịch” với mô hình cửa hàng nhỏ hơn, chi phí đầu tư thấp hơn và năng lực vận hành online tốt hơn” - đại diện Seedcom cho biết.

Ông Lý Nhất Hiếu - chủ hệ thống nhà hàng Hàng Dương Quán - cho biết ông có ba nhà hàng nằm ở 3 quận. Tháng nào ông cũng năn nỉ chủ mặt bằng giảm giá nhưng họ chỉ giảm được hai tháng và giảm tối đa 50%. Thậm chí, nếu đóng trễ thì sẽ vi phạm hợp đồng và bị tính lãi phạt theo mức lãi ngân hàng. Hiện tất cả hệ thống nhà hàng chỉ mới hoạt động trở lại khoảng 5-10 ngày nay, hình thức bán mang về, số lượng bán được trong ngày rất ít, không đủ trả tiền lương cho nhân viên.

Chị Hạnh - chuyên kinh doanh quần áo trong trung tâm thương mại Taka, Q.1 - cho biết theo kế hoạch, Taka sẽ mở cửa lại vào ngày 20/10 nhưng nhắm khó có khách nên chị quyết định trả lại mặt bằng. Trước mắt, chị sẽ bán hàng qua Facebook, Zalo cho các khách quen. Chị nhận định: “Năm nay, việc mua bán quần áo sẽ rất khó, kể cả trong mùa tết. Chưa kể, các cơ sở sản xuất ra ít sản phẩm mới nên rất khó đẩy doanh số để bù lại mấy tháng đóng cửa. Ra trung tâm bán, tiền mặt bằng 20 triệu đồng/tháng mà bán không được hàng thì khó gồng nổi nên tôi quyết định trả mặt bằng sớm hơn so với hợp đồng, chấp nhận mất hai tháng tiền cọc, chờ sang năm rồi tính tiếp”.

Ông Nguyễn Văn Dưng - Chủ tịch Hội Mỹ nghệ Kim hoàn Đá quý TPHCM - thông tin ngành kim hoàn chỉ mới được phép mở cửa khoảng mười ngày nay nhưng do sức mua yếu nên phần lớn cửa hàng vẫn chưa mở cửa lại. Không ít doanh nghiệp có 4-5 cửa hàng nay phải rút gọn bớt còn 2-3 cái để tiết kiệm chi phí mặt bằng. Ông nói: “Trong suốt năm tháng qua, các cửa hàng này đều ngưng hoạt động, không có dòng tiền ra vào. Nhiều chủ cửa hàng đang lo mở cửa lúc này không ai đến mua vàng mà chỉ đến bán”. 

Chủ mặt bằng nên chia sẻ với người thuê 

Theo ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM - trong thời gian qua, giá bất động sản tăng rất nhiều nên giá cho thuê nhà, mặt bằng cũng tăng theo. Trong bối cảnh hiện nay, chủ nhà không nên đặt vấn đề có lãi mà nên có sự chia sẻ khó khăn với người thuê bằng cách miễn tiền thuê từ 1-2 tháng, giảm thêm giá tiền thuê...
Một số chuyên gia về bất động sản cũng cho rằng, đây là thời điểm cả hai bên cho thuê và người thuê cùng nỗ lực, gồng gánh, duy trì và dần dần khôi phục hoạt động vì thời điểm khó khăn nhất đã qua. Kinh tế của TPHCM sẽ sớm sôi động trở lại, lúc đó, việc tìm mặt bằng tốt để kinh doanh sẽ khó khăn hơn.

Quốc Thái - Nguyễn Cẩm - Thanh Hoa

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI