Khán giả có thể hưởng lợi nhuận từ "Vầng trăng khóc", "Nhật ký của mẹ"...

17/04/2022 - 12:39

PNO - Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung, hướng đi mới này giúp cả nghệ sĩ và công chúng đều có lợi ích trong quan hệ hợp tác bình đẳng.

Kênh YouTube Nguyễn Văn Chung Music được nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung thành lập cách đây 3 năm, hiện đã có gần 250 nghìn người theo dõi. Kênh YouTube này cũng mang lại nguồn thu ổn định hàng tháng cho anh. Trên kênh nền, nam nhạc sĩ đăng tải nhiều ca khúc đã từng nổi tiếng như: Vầng trăng khóc, Chiếc khăn gió ấm, Tiếng dương cầm trong đêm... nhưng được làm mới bởi cách phối mới, giọng ca mới. 

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một trong những tác giả có nguồn thu tác quyền cao ngất ngưỡng những năm qua
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là một trong những tác giả có nguồn thu tác quyền cao trong những năm qua

Mới đây, nhạc sĩ thông báo anh sẽ cổ phần hoá kênh YouTube này, bằng cách phát hành nguồn NFT thông qua một đơn vị. Cụ thể, kênh này sẽ được định giá trị trong khoảng thời gian 5 năm, dựa trên dữ liệu về nguồn thu hiện tại. Sau đó lợi nhuận sẽ được chia thành 2 phần. Trong đó, 1 phần (tương ứng 50%), được phát hành như cổ phiếu trên thị trường. Mỗi tháng, lợi nhuận sẽ được chia sẻ cho khán giả tương ứng với cổ phần mà họ sở hữu. Đây cũng là một hình thức đầu tư.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nói mô hình này không còn lạ với nghệ sĩ trên thế giới. Anh đã quan sát và thấy được những hiệu quả nhất định từ cách thức này. Theo anh, khi công chúng giúp sản phẩm của nghệ sĩ được lan toả, đón nhận nhiều hơn - thông qua lượt nghe, xem thì khi đó phần lợi nhuận càng được nhiều hơn. Sự hợp tác này đôi bên cùng có lợi. 

*Vầng trăng khóc (sáng tác Nguyễn Văn Chung - Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc):

 

"Xu hướng sẽ phát triển ngày càng mạnh dẫu hiện vẫn còn mới mẻ. Nghệ sĩ sẽ tự do sáng tạo, không áp lực tài chính như đi xin tài trợ. Chẳng hạn, khi có nhãn hàng tài trợ, sản phẩm buộc phải có logo, định hướng nội dung và đôi khi khiến sản phẩm bị bóp méo như một sản phẩm tiếp thị trên thị trường. Khán giả cũng sẽ phần nào thấy sự gượng ép từ các sản phẩm này. Tôi cũng ấp ủ nhiều dự án âm nhạc. Nếu tự làm, tôi cũng có thể làm được, nhưng với thời gian lâu hơn. Hoặc có những dự án mà với khả năng của tôi lại không thể thực hiện một mình, mà cần sự chung tay của nhiều người. Nguồn thu sẽ được công khai minh bạch thông qua các đơn vị kiểm soát kênh YouTube, các sản phẩm. Ai cũng có thể kiểm tra được", nhạc sĩ chia sẻ.

Anh cho biết nhà đầu tư không thể tác động đến nội dung sản phẩm vì 2 bên không có mối quan hệ trực tiếp. Sự đầu tư này chủ yếu xuất phát từ niềm tin của công chúng với chất lượng sản phẩm và con đường của nghệ sĩ đã và đang đi.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung là cái tên quen thuộc với nhiều ca khúc hot từ đầu những năm 2000, là phần ký ức không thể quên của thế hệ 8X, 9X: Vầng trăng khóc, Con đường mưa, Mộng thuỷ tinh, Cào cào lá tre, Đồi hoa mặt trời, Bay giữa ngân hà, Nhật ký của mẹ... Những tác phẩm này làm nên tên tuổi của nhiều ca sĩ như: Nhật Tinh Anh, Khánh Ngọc, Nam Cường, Hiền Thục...

Nhật ký của mẹ do Hiền Thục trình bày là một trong những ca khúc thành công nhất của Nguyễn Văn Chung. Năm 2015, Trung tâm sản xuất Âm nhạc Casa Musica tại Đức xếp ca khúc này vào danh sách những bài hát hay nhất thế giới.
Nhật ký của mẹ do Hiền Thục trình bày là một trong những ca khúc thành công nhất của Nguyễn Văn Chung. Năm 2015, Trung tâm sản xuất Âm nhạc Casa Musica tại Đức xếp ca khúc này vào danh sách những bài hát hay nhất thế giới.

*Nhật ký của mẹ - Hiền Thục:

 

Những năm qua, anh tập trung sáng tác ca khúc thiếu nhi khi nhận thấy mảng nội dung này thiếu hụt nghiêm trọng. Cuối năm 2020, anh nhận kỷ lục Việt Nam là nhạc sĩ sáng tác nhiều ca khúc thiếu nhi nhất, hơn 300 bài, trong giai đoạn 2012-2020. 5 bài hát trong số này được đưa vào giảng dạy trong sách giáo khoa. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung có đường đi nhất quán. Anh không chạy theo thị trường, vẫn sáng tác những ca khúc thuộc sở trường, theo đúng quan điểm, phong cách của anh. Nhiều bài hát kể trên đến nay vẫn còn được yêu thích. 

Việc cổ phần hoá các sản phẩm âm nhạc đã được quỹ Hipgnosis Songs Fund thực hiện năm 2018, tại London, Anh. Đơn vị này xem mỗi ca khúc như một công ty. Họ mua bản quyền và các nhà đầu tư vào quỹ lời lỗ phụ thuộc vào mức thu nhập tác quyền của chúng. Công ty này hướng đến các sản phẩm của các ngôi sao như: Adele, Rihanna...

Nhà sáng lập Merck Mercuriadis (trái) và nghệ sĩ cố vấn Nile Rodgers tại sàn London ngày phát hành cổ phiếu quỹ bài hát
Nhà sáng lập Hipgnosis Songs Fund - ông Merck Mercuriadis (trái) và cố vấn Nile Rodgers tại sàn London trong dịp phát hành cổ phiếu bài hát

Theo đánh giá, mô hình này có ưu điểm ở chỗ tác quyền phụ thuộc vào thói quen nghe nhạc của khán giả, yếu tố độc lập với điều tiết trên sàn chứng khoán, và rất khác biệt so với nhiều lĩnh vực kinh doanh khác. Mỗi bài hát đều có thể là nguồn thu trường tồn, kéo dài hàng thập kỷ. Đặc biệt, trong thời điểm nghe nhạc trực tuyến lên ngôi. Khán giả ngày càng có thói quen trả tiền cho việc nghe nhạc trên các nền tảng có tính phí thì đây là lợi thế lớn. Tuy nhiên, công ty này cho rằng cũng có rủi ro nhất định khi hiện tại xu hướng thị trường thay đổi nhanh chóng, vì thế tuổi thọ của các bài hát khó thể nói trước được.

Trung Sơn

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI