Khách chờ 30 tết mua hoa, "người bán có lý người mua mới có tình"

09/02/2021 - 09:53

PNO - Người mua chờ 30 tết sắm hoa kiểng, người bán chờ 30 tết để “đập chậu” - chuyện muôn năm cũ. Nhưng 2021, câu chuyện này liệu có thay đổi ở người bán hoa và mua hoa tại TPHCM?

Tặng chùa còn hơn… bán tháo

Nhiều năm kinh doanh mặt hàng cúc Khánh Hoà tại công viên Gia Định (đường Hoàng Minh Giám, quận Gò Vấp, TPHCM) chị Nguyễn Thị Hồng Nghĩ (Khánh Hoà) cho hay, hiện tượng khách hàng chờ đến 30 tết để đi mua hoa giá rẻ diễn ra như thông lệ. Trước 12g trưa 30 tết, thương lái buộc phải trả mặt bằng nên số hoa kiểng còn thừa sẽ bị bán đổ bán tháo… Chính vì vậy nên tạo cho khách hàng thói quen “chờ 30 tết” mới mua hoa để dễ… ép giá.

Khách hàng mua hoa Tết tại công viên Gia Đinh. Ảnh: Quốc Thái
Khách hàng mua hoa tết tại công viên Gia Định - Ảnh: Quốc Thái

Chị Nghĩ kể, mỗi cặp cúc ở chỗ chị bán vài triệu đồng đến hơn 20 triệu đồng, có khi bị ép xuống 1/4 giá bán hoặc chỉ chưa bằng tiền… cái chậu.

Nhiều lần gặp tình huống bị ép giá, chị quyết định bỏ thêm tiền xe để chở số cúc “ế”… lên chùa cúng dường. Chị bày tỏ, “làm vậy để người mua từ bỏ tư duy chờ 30 tết mới bắt đầu đi mua hoa giá rẻ, coi thường công sức trồng, chăm sóc hoa của nông dân lẫn thương lái”.

Tuy nhiên, trao đổi với phóng viên, riêng tết năm nay chị Nghĩ có dự định sẽ giảm giá hoa dịp cận tết để ai cũng có thể mua được hoa. Theo chị Nghĩ, 2021 là một năm kinh tế bị ảnh hưởng, ai cũng khổ hơn vì dịch bệnh nên để hỗ trợ nông dân và người tiêu dùng, chị sẵn sàng bán giá hợp lý, cân đối… vào dịp 30 tết.

“Trước mắt là phải cân đối nguồn hàng, cố gắng thu hồi vốn trước những ngày cận tết, để ngày cuối cùng trả mặt bằng mình cũng bán lại hoa giá tốt cho khách. Nhưng giá cũng không quá rẻ, quá thấp so với mặt bằng thị trường được”, chị Nghĩ nhận định.

Mọi năm, cứ đến tết là gia đình anh Phạm Văn Lợi (Long An) lại đi lấy hoa cúc từ các mối ruột, chở lên thành phố bán kiếm tiền. Năm nay, anh nhận về hơn ngàn chậu, với giá từ 160.000 đồng/chậu.

Nói về chuyện người dân chờ cận tết mới mua hoa, anh Lợi cho biết, sạp hoa của anh mỗi năm đều “xả hàng” 30 tết, mục đích là cho người khó mua được hoa với giá rẻ.

Theo anh Lợi, người bán hoa chỉ mong tết trong nhà không còn hoa, bán rẻ còn hơn tốn tiền chở hoa về. Bán được bao nhiêu thì bán hết, vốn lấy được rồi thì coi như phần lời lãi còn lại không đáng bao nhiêu, san sẻ bớt với người khó. “Nhiều lúc cứ 30 vừa bán vừa cho, người ta mua hoa này tôi khuyến mãi thêm chậu kia để hết hàng nhanh”, anh Lợi cho hay.

30 Tết thương lái quyết đập hoa bỏ chứ không bán rẻ.
30 tết thương lái quyết đập hoa bỏ chứ không bán rẻ.

Người giàu cũng chờ 30 tết…

Đó là lời chia sẻ của chị Nguyễn Thị Dung (Bình Dương) – tiểu thương bán dưa hấu điêu khắc tại khu vực đường Lê Quang Định (đối diện chợ Bà Chiểu, quận Bình Thạnh, TPHCM.

Chị Dung nói, khách chờ đến 30 tết mua hàng cũng có người này, người khác. Hầu hết khách hàng mua hoa, trái cây cận tết là những người có thu nhập thấp, với tâm lý mua cận ngày mới có giá “vừa bán, vừa cho”.

“Tôi cũng từng ‘tiếp’ nhiều khách nhìn qua dư dả, thu nhập ổn định… vẫn chờ đến 30 tết mới mua đồ. Thậm chí chỗ dưa hấu của tôi mọi năm vẫn có khách đi ô-tô tới chở hàng, còn kỳ kèo mức giá của ngày 30 tết”, chị nói.

Niềm vui của người bán hàng là khi gặp khách hàng sòng phẳng, không mặc cả. “Cũng tuỳ thuộc vào tính cách của từng khách hàng, với người bán thì cứ cân đối mức giá, tuỳ vào tình hình mà bán thôi”, chị Dung nói.

Theo kinh nghiệm kinh doanh dưa hấu nhiều năm của chị Dung, để tránh hàng hoá bị ép giá ngày 30 tết, chị sẽ cân đối nguồn hàng qua từng năm. Đơn cử, mỗi năm chị sẽ có một lượng khách quen nhất định và một lượng khách mới. Nếu như năm nay lấy 1-2 tấn dưa nhưng bán dư, năm sau sẽ lấy ít hơn từ 300-500 kg, để tránh nguồn hàng bị ùn ứ, không bán kịp phải “chịu thua” khách hàng mà… bán tháo.

“Người bán có lý thì người mua mới có tình”

Sau khi mua được một chậu mai nở vàng rực tại Công viên Gia Định, chị Hoàng Lan (TP. Thủ Đức) hào hứng chia sẻ, năm nay chị mua được mai với giá rẻ hơn so với năm ngoái 1/3. Vui thì vui nhưng chị vẫn chạnh lòng với những câu than thở của người bán vì năm nay hàng ế nhiều.

Chị cho biết, chị chỉ mua hoa từ mối quen, ngay chợ hoa sát cạnh nhà. Mỗi năm, chị thường mua hoa từ 21 tết nhưng năm nay vì bận bịu nên đến 27 tết mới mua.

“Mua hoa sớm có đắt hơn thật. Ví dụ 20 tết giá tầm 500.000 đồng thì tới 30 giá còn 250.000 đồng thôi, rẻ gần một nửa. Nhưng tôi thích mua hoa từ sớm, vì chưng tết có mấy ngày đâu. Mua 30 thì chưng thêm vài hôm hoa đã héo. Chưa kể mua sớm mới có hoa đẹp, vừa ý”, chị Lan nói.

Chị Lan cho rằng, chuyện mua hoa sớm hay mua muộn cũng là một vấn đề xuất phát từ người bán và thương lái. Nếu người bán bán giá hợp lý thì người mua sẽ không chờ đề 30 để ép giá mà có thể mua ngay, mua sớm để có hoa đẹp. “Cái gì cũng có quy luật. Người bán có lý thì người mua mới có tình được”, chị Lan chia sẻ thêm.

Quốc Thái

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI