Hướng nghiệp cho học sinh từ tiểu học: Sao phải chần chừ!

28/09/2020 - 07:46

PNO - Việc định hướng nghề nghiệp cho học sinh ngay từ bậc tiểu học đang thu hút sự quan tâm của nhiều người, nhất là mỗi năm hàng ngàn cử nhân thất nghiệp phải chạy xe ôm, bán quần áo… Các chuyên gia cho rằng phải làm công tác giáo dục hướng nghiệp sớm hơn, bài bản hơn.

Sự thất bại của giáo dục hướng nghiệp

“Ở miền núi nơi tôi dạy học, nhiều học sinh (HS) bị người lớn áp đặt những nghề nghiệp lớn lao như lớn lên phải làm bác sĩ, công an… nhưng năng lực không cho phép khiến HS thi đại học (ĐH) trượt, rồi lỡ dở không làm được gì, cũng lại quay về trồng ngô, trồng sắn rất lãng phí. Trong khi nếu được định hướng và lựa chọn theo học nghề biết đâu các HS ấy lại thành công”, thầy Hoàng Phúc Gọn, điểm trường xã Đàm Thủy, H.Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng, kể lại thực trạng chọn ngành nghề của học sinh sau tốt nghiệp  trung học phổ thông (THPT).  

Hầu hết các trường bán trú vùng cao đều có những vườn rau do chính học sinh trồng. Đây là một trong nhiều cách định hướng nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh: Uông Ngọc
Hầu hết các trường bán trú vùng cao đều có những vườn rau do chính học sinh trồng. Đây là một trong nhiều cách định hướng nghề nghiệp cho học sinh - Ảnh: Uông Ngọc

Từ thực tế đa số HS đều muốn học xong THPT để được vào ĐH, tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp Bộ Giáo dục và Đào tạo, cho rằng: “Hiện nay, công tác giáo dục hướng nghiệp ở các cơ sở giáo dục làm chưa chuẩn, giáo viên chưa có kinh nghiệm thực tế về các ngành công nghiệp, dịch vụ, cơ sở trang bị vật chất không đủ, việc giáo dục hướng nghiệp không gắn với đào tạo kỹ năng nghề, gắn với thị trường lao động và được công nhận, HS không rõ mục đích sau này của chính bản thân. Từ đó dẫn đến động lực học tập thấp và đa số đều muốn học xong THPT để được vào ĐH - điều đó cho thấy sự thất bại của giáo dục hướng nghiệp nhiều năm qua”. 

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nhận định: “Tôi thấy từ tiểu học cho đến trung học cơ sở rất cần giáo dục hướng nghiệp như là tổ chức dạy tích hợp lồng ghép với các môn học khác. Còn sau  trung học cơ sở thì nên có các chương trình nghề dạy luôn các kỹ năng nghề tiêu chuẩn, trường hợp các em có bỏ học giữa chừng cũng có thể có kỹ năng để kiếm việc làm hoặc tham gia học tập trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và học liên thông lên ĐH. Làm sao học xong các kỹ năng của các em phải được đánh giá và công nhận, miễn trừ khi vào học cao đẳng hay ĐH. Học các môn học hướng nghiệp kiểu chắp vá như hiện nay thì rất cần xem xét lại”.

Nên hướng nghiệp từ lớp Một

Hiện nay, đa số HS có thể cảm nhận được nghề nghiệp của cha mẹ đang làm mang lại lợi ích gì, có mục đích gì, công việc hằng ngày ra sao, thậm chí còn có thể nói được cả nghề nghiệp của bác hàng xóm là làm công an thì bắt tội phạm, làm giáo viên thì dạy HS, làm lái xe thì chở khách… Điều này giúp hun đúc cho các em tình yêu từ nhỏ từ nghề nghiệp của những người xung quanh. 

Cô Nguyễn Thị Kim Thu, Hiệu trưởng Trường tiểu học Mỹ Đình 1 (TP.Hà Nội), cho biết hiện nay, đối với lớp Một trong tiết dạy tập đọc về nghề nghiệp của một người mẹ thì giáo viên cũng phải liên hệ thực tế là khi lớn lên HS muốn làm nghề gì và vì sao con lại mong muốn như thế. Cô Thu cho rằng, ngay từ nhỏ, nhiều đứa trẻ đã nuôi dưỡng mơ ước về việc mình sẽ trở thành người như thế nào, làm nghề gì trong tương lai. Bằng cách hào hứng giảng bài trước học sinh, cô giáo có thể nhập vai bác nông dân cấy lúa, hay tất bật với bộ tai nghe khám chữa bệnh, hay cô công an thông minh bắt tội phạm… đơn giản như vậy, cô vừa truyền thụ kiến thức cho HS vừa giúp các em nuôi dưỡng những dự định tương lai, sau này làm nông nghiệp sạch hay làm bác sĩ cứu người, công an bắt tội phạm… 

Từ những ước mơ đó, thầy cô sẽ góp phần quan trọng trong việc tư vấn, đồng hành cùng HS trên hành trình lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Không chỉ giúp bé tự khám phá và tìm hiểu bản thân, thầy cô còn hỗ trợ HS đưa ra lựa chọn có trách nghiệm, cũng như xây dựng kế hoạch chiến lược hướng đến mục tiêu nghề nghiệp lâu dài.

“Việc giáo dục hướng nghiệp cho HS ngay từ bậc tiểu học là việc nên làm từ sớm, nhưng bắt đầu từ bây giờ cũng còn kịp. Tôi mong muốn, khi việc giáo dục hướng nghiệp cho HS tiểu học trở thành chính thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có hướng dẫn cụ thể, có giáo trình, có tiết học, quy định điều đạt được sau giờ học đó, có tổng kết, đánh giá hằng năm…”, cô Thu nói. 

 

Theo dự thảo Thông tư quy định công tác hướng nghiệp, tư vấn việc làm và hỗ trợ khởi nghiệp trong các cơ sở giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, HS tiểu học sẽ được hướng nghiệp, giới thiệu về vấn đề việc làm trong trường học. Theo đó, nhà trường, giáo viên có nhiệm vụ giáo dục HS nhận biết một số công việc, nghề nghiệp của cha mẹ, người thân, nghề truyền thống ở địa phương và một số việc làm cơ bản trong xã hội. Đồng thời, hướng dẫn HS tham gia công việc thường ngày tại gia đình và nhà trường; rèn luyện, bồi dưỡng cho HS các kỹ năng cơ bản (quản lý bản thân; xã hội; tìm hiểu về gia đình, cộng đồng); phát hiện năng khiếu của HS và lập kế hoạch bồi dưỡng, phát triển.

Hình thức triển khai hướng nghiệp ở cấp tiểu học được dự thảo Thông tư chỉ ra có thể tích hợp, lồng ghép vào các môn học và hoạt động giáo dục trong chương trình cấp tiểu học. Hoặc tổ chức cho HS tìm hiểu nghề nghiệp, việc làm hiện có ở Việt Nam và trên thế giới thông qua các tài liệu giáo dục hướng nghiệp…

 

Hướng nghiệp lồng ghép vào các môn học

Tôi ủng hộ việc giáo dục hướng nghiệp cho HS từ bậc tiểu học và không nên nghĩ đó là điều gì to tát. Không nên tách thành một môn học cho đến khi HS học hết trung học cơ sở mà cần dạy lồng ghép tích hợp vào các môn học khác thì hiệu quả hướng nghiệp mới cao. Như vậy, đòi hỏi giáo viên cần sáng tạo trong phương pháp và nội dung để giúp HS có những nhận thức ban đầu về nghề nghiệp rồi sau sẽ tự đam mê, khám phá ra nhiều vấn đề khác ở mỗi nghề nghiệp sau này. 

Hiện nay, không chỉ bậc tiểu học mà ngay mẫu giáo cũng đã có trường tư thục mạnh dạn thực hiện mô hình dạy tích hợp nghề nghiệp cho các bé. Đơn giản chỉ là tổ chức cho HS tham gia các hoạt động thực tế như làm đầu bếp, bác sĩ khám bệnh... để HS tưởng tượng ra nghề nghiệp tương lai. Ở đây, định hướng nghề nghiệp phải thực hiện dần dần và cho trẻ hình thành trong tương lai chứ không phải học hết lớp Một mà định hướng được nghề nghiệp ngay.

Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh

 

Đại Minh 

 

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI