"Hùng ca sử Việt": Thanh âm ngẫu hứng dần tiến tới chuyên nghiệp

25/08/2021 - 19:10

PNO - Xuất phát từ một việc làm chơi vì yêu sử, đến nay ê-kíp Hùng ca sử Việt đã đưa dự án này phát triển mạnh mẽ. Các clip kể chuyện sử của Hùng ca sử Việt không chỉ ngày càng hoàn thiện hơn về mặt nội dung, phong phú hơn về số lượng nhân vật lịch sử, mà còn phủ rộng trên nhiều nền tảng số.

Nút bạc cho tấm lòng vàng

Những ngày giãn cách xã hội, trong khi nhiều dự án phim ảnh bị “đóng băng”, thì ngược lại những bộ phim “nói” (phim audio) trong chuỗi phim Hùng ca sử Việt (Đạt Phi Media sản xuất) vẫn xuất hiện liên tục trên các nền tảng số, thậm chí còn tăng tần suất, vì người khởi xướng dự án - đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi - nghỉ dịch nên rảnh rang hơn. Nghe qua có vẻ đùa, nhưng là thật. Anh Đạt Phi - chủ tài khoản Hùng ca sử Việt, và là người sáng lập dự án làm phim lịch sử bằng hình thức kể chuyện này - cho biết: “Bình thường công việc lồng tiếng cuốn tôi đi, nên kênh Hùng ca sử Việt cả tháng mới ra sản phẩm mới.

Mấy tháng gần đây, do dịch bệnh nên nhóm có nhiều thời gian hơn để theo đuổi dự án, mở rộng sang các nền tảng mới như Podcast, Spotify để tiếp cận thêm nhiều người nghe”. Được biết hiện nay ngoài kênh YouTube, Facebook, TikTok, ngày 18/8 vừa qua, Hùng ca sử Việt còn có mặt trên ứng dụng Podcast, Spotify, giúp những người yêu sử Việt có thể cập nhật và thưởng thức sử ta bất cứ lúc nào, thậm chí đang đi đường. 

Loạt phim mới Anh hùng bán than của Hùng ca sử Việt vừa ra mắt
Loạt phim mới Anh hùng bán than của Hùng ca sử Việt vừa ra mắt

Cùng với sự kiện ra mắt trên Podcast và Spotify, sức lan tỏa của Hùng ca sử Việt còn được thấy qua việc kênh được trao nút bạc (100.000 người theo dõi) vào tháng Bảy vừa qua. Ở thời buổi bùng nổ các hiện tượng mạng như hiện nay, chuyện sở hữu nút bạc, nút vàng khá dễ dàng, thì việc một kênh sau 5 năm ra đời mới đạt nút bạc như Hùng ca sử Việt là tốc độ quá chậm. Nhưng đối với ê-kíp thực hiện, đó là một bất ngờ, vì nội dung lịch sử luôn kén người theo dõi.

Ra đời từ tháng 4/2016, tài khoản Hùng ca sử Việt trên YouTube là quà tặng của một người yêu sử dành cho đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi, sau khi người này thấy anh đăng tải trên trang cá nhân vài clip kể chuyện sử khá thú vị. 

“Tôi vốn thích sử, nhà lại có phòng thu nên tình cờ đọc được mấy mẩu chuyện lịch sử của tác giả trẻ Phạm Vĩnh Lộc viết theo phong cách vui vui, tôi liền đọc và thu âm lại đăng chơi trên Facebook”. Cho đến giờ, anh thậm chí còn không biết mặt, biết tên người tặng mình tài khoản kia, nhưng nhờ có món quà này, mà anh tin công việc mình làm lúc ngẫu hứng có sức lan tỏa âm thầm với những người yêu sử. 

Nỗ lực tiến lên chuyên nghiệp

Đoạn video đầu tiên lên kênh Hùng ca sử Việt là câu chuyện về Trần Quốc Tuấn đã thu hút cả ngàn lượt người xem, khiến cả chính chủ cũng ngạc nhiên vì: “Mấy clip tương tự lâu nay tôi đăng trên trang cá nhân cao lắm chỉ 300 - 400 lượt người xem”. Đồng hành cùng anh trong “cuộc chơi” này là hai bạn trẻ: Phạm Vĩnh Lộc và Thành Châu - tác giả kịch bản của các tập phim. Bất chấp khoảng cách tuổi tác, bộ ba làm việc rất ăn ý ở chỗ thích kể chuyện sử theo hướng dã sử để đưa vào góc nhìn mới, đôi lúc dí dỏm, tếu táo.

Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành
Lý Thường Kiệt đại chiến Ung Châu Thành

Đó cũng là lý do kênh Hùng ca sử Việt hấp dẫn người nghe, nhất là giới trẻ, vì truyền tải cảm xúc của lịch sử Việt Nam một cách gần gũi, hiện đại. Tính đến nay, kênh đã có hơn 200 clip được đăng tải với 110.000 người đăng ký theo dõi. Những phản hồi về kênh đều mang tính tích cực, theo thổ lộ của chủ kênh: “Ngoài những lời bình luận khen ngợi, ê-kíp còn nhận những email kịch bản gửi để nhóm tham khảo, chọn đọc”. 

Từ những clip “thô sơ” ban đầu chỉ có giọng đọc truyền cảm của anh, kèm theo vài tấm hình minh họa nhân vật sưu tầm được, đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi tiến tới mời người lồng tiếng cho từng nhân vật, thuê họa sĩ vẽ hình minh họa, làm thêm âm thanh, trong đó có phần nhạc. Để có một tập phim dài khoảng 30 phút, anh phải thuê họa sĩ vẽ với giá hơn 1 triệu đồng/bức, có tập dùng đến 30 bức hình. Chi phí thuê người làm âm thanh, âm nhạc (có cả tiền mua bản quyền), biên tập ngốn thêm tầm 10 triệu đồng/tập. Chỉ có phần lồng tiếng tận dụng nhân lực “cây nhà lá vườn” của công ty nên không tốn nhiều. Tất cả những chi phí này phần lớn anh đều tự bỏ ra, còn lại được một vài mạnh thường quân hỗ trợ. 

Đạt Phi thổ lộ: “Dù xuất phát ban đầu chỉ là từ sự ngẫu hứng với niềm đam mê lịch sử, nhưng tôi muốn mỗi ngày Hùng ca sử Việt phải được nâng cấp để tiến tới chuyên nghiệp hơn. Chí ít là tên phim cũng tiến tới đặt tựa nghe “xi-nê” hơn, chứ không còn để tựa phim là tên nhân vật như trước, như loạt ba tập Anh hùng bán than nói về Trần Khánh Dư đang chiếu, hay hai tập Hỏa tượng và nữ tướng nói về Bùi Thị Xuân sắp ra mắt… Còn mục tiêu lớn nhất của Hùng ca sử Việt là ra mắt phim hoạt hình. Một phút phim hoạt hình hiện nay tốn khoảng 30 triệu đồng, sẽ là một thách thức rất lớn đối với khả năng tài chính của ê-kíp”. 

Clip Anh hùng bán than:

 

 

Vùng đất sử Việt từ trước đến nay vẫn quá khô khan khi thiếu vắng sự đầu tư “đọc vị” khán giả để tìm ra những cách thức truyền tải chạm đến cảm xúc. Những gì 5 năm qua Hùng ca sử Việt làm được đã phần nào lấp vào khoảng trống này. Càng quý hơn khi đây là việc làm tự phát của cá nhân. Điều đó cũng cho thấy những gì xuất phát từ trái tim, sẽ luôn đi đến trái tim. 

Hương Nhu

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI