Hội đem làn gió mới đến với chung cư

06/01/2023 - 10:00

PNO - Nhờ sự ra đời của chi hội phụ nữ mà hội với cư dân, cư dân với cư dân chung cư D1 (khu phố 5, phường 7, quận 8, TPHCM) đã trở nên gần gũi như người một nhà.

Trước dịch COVID-19, tại nhiều khu chung cư, hội phụ nữ, chính quyền địa phương và khu phố dường như không có mối liên kết với cư dân. Thế nhưng sau dịch COVID-19, nhờ sự ra đời của chi hội phụ nữ mà hội với cư dân, cư dân với cư dân đã trở nên gần gũi như người một nhà.

Có một cái Tết rất khác 

Khác hẳn với những tết trước - nhà nào biết nhà đó, những ngày qua, sự chuẩn bị cho ngày hội gói bánh chưng, bánh tét do chi hội phụ nữ phát động làm cho không khí tại chung cư D1 (khu phố 5, phường 7, quận 8, TPHCM) thêm nhộn nhịp. Theo kế hoạch, ngày hội diễn ra vào sáng 23 tháng Chạp, gói khoảng 300 chiếc bánh chưng và bánh tét để tặng bà con cư dân đưa ông Táo. Bà Lê Kim Thảo - cư dân tại chung cư D1 - được giao nhiệm vụ gói bánh và giúp khơi gợi cho con cháu hiểu rõ ý nghĩa, giá trị truyền thống trong ngày tết cổ truyền của dân tộc. Vì thế mà suốt mấy ngày qua, ngày nào bà cũng bận rộn tính toán gạo, đậu, thịt, lá, củi lửa…

Hội viên phụ nữ chung cư D1 thực hiện chương trình “Tết làm điều hay”, quyên góp quần áo làm “gian hàng 0 đồng” cho toàn khu phố
Hội viên phụ nữ chung cư D1 thực hiện chương trình “Tết làm điều hay”, quyên góp quần áo làm “gian hàng 0 đồng” cho toàn khu phố

Bà Nguyễn Thị Cẩm Hồng - Bí thư chi bộ chung cư D1 - hồ hởi cho biết, chỉ sau 2 ngày thông báo kế hoạch cho cư dân chung cư về ngày hội gói bánh chưng, bánh tét, ban tổ chức đã tiếp nhận được hơn 27 triệu đồng do bà con đóng góp, gần đủ kinh phí dự kiến. Đặc biệt, tin nhắn trong nhóm Zalo của cư dân chung cư D1 báo tin, thể hiện sự hào hứng, mong chờ khi sự kiện vui tết ngày một đến gần.

Chị Trịnh Thanh Huyền - cư dân chung cư - cho biết: “Tôi sống tại chung cư D1 đã 12 năm, nhưng đây là năm đầu tiên tôi thấy xôn xao khi tết đang về. Mọi người cùng đóng góp tiền bạc, công sức cho những nồi bánh chưng, bánh tét; cùng góp một tay trang trí không gian tết”. Còn chị Đặng Thùy Khánh Vi - Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chung cư D1 - tâm sự, sau dịch COVID-19, chi hội phụ nữ và cư dân chung cư cảm giác như người một nhà.

Chi hội phụ nữ - cầu nối giữa chính quyền với cư dân 

Chị Khánh Vi cho biết, chung cư D1 đưa vào sử dụng năm 2010 với 8 block cao 12 tầng, 330 căn hộ, trong đó có khoảng 500-600 chị em phụ nữ, đa phần là cán bộ, công nhân viên chức. Trước dịch COVID-19, gần như không có một cầu nối nào giữa cư dân chung cư với chính quyền địa phương, nên khi dịch diễn ra, cư dân chung cư gần như bị “bỏ quên” trong các hoạt động chăm lo của chính quyền và khu phố.

Là người phụ trách văn phòng Đảng ủy Công ty Môi trường đô thị TPHCM nên chị Khánh Vi là một trong số ít những người được đi lại trong dịch và giữ được sự kết nối với bên ngoài. Chị đã đứng ra vận động 20 y, bác sĩ đang sinh sống tại chung cư để tổ chức một đội hình tình nguyện tiêm vắc xin ngay tại chung cư. Nhờ đó, toàn bộ cư dân chung cư D1 đã được tiêm mũi vắc xin đầu tiên vào tháng 8/2021 - thời điểm dịch đang lây lan nghiêm trọng. “Từ sự chủ động liên hệ với chính quyền địa phương, tôi mới có được sự kết nối với Hội LHPN phường 7. Ngoài việc vận động đưa nguồn thực phẩm về cho cư dân, tôi còn nhờ hội “đi chợ giúp dân” và “đòi hỏi” những hỗ trợ dành cho cư dân. Từ sự kết nối này, tôi mới biết được những hoạt động của hội phụ nữ địa phương cũng như những chính sách hỗ trợ của hội dành cho chị em phụ nữ” - chị Khánh Vi chia sẻ.

Từ ngày thành lập chi hội, phụ nữ chung cư D1 có thêm nhiều hoạt động để cùng nhau lan tỏa những giá trị trong cuộc sống.
Từ ngày thành lập chi hội, phụ nữ chung cư D1 có thêm nhiều hoạt động để cùng nhau lan tỏa những giá trị trong cuộc sống. Trong ảnh, các chị thi duyên dáng áo dài.

Sau dịch, ngày 26/3/2022, chi hội phụ nữ được thành lập tại chung cư D1 với 34 thành viên nòng cốt, đa phần là giới trí thức, gồm các y, bác sĩ, nhân viên ngân hàng, giáo viên, nhân viên văn phòng… Thấy cần thiết phải có những tổ chức để hỗ trợ các tầng lớp cư dân giải quyết những vấn đề của đời sống, chi bộ, các chi hội cựu chiến binh, người cao tuổi, chữ thập đỏ, ban công tác mặt trận cũng lần lượt được thành lập. Chị Khánh Vi cho biết, chỉ khi các tổ chức vào được chung cư thì những chính sách, thông tin từ chính quyền mới đến được với người dân một cách nhanh chóng. 

Hướng hoạt động vào thực chất  

Theo chị Phan Mỹ Đóa - hội viên phụ nữ chung cư D1 - từ ngày thành lập chi hội phụ nữ và lần lượt các chi hội khác tại chung cư, đời sống tinh thần của cư dân trở nên phong phú hơn với nhiều hoạt động. Chị Đóa cho biết, do chi hội phụ nữ được thành lập dựa trên những nhu cầu thực tế của cư dân nên các hoạt động trong 8 tháng qua cũng gắn bó thiết thực với các vấn đề của cuộc sống. Theo đó, Chi hội Phụ nữ chung cư D1 đã tập trung vào việc xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh ngay tại chung cư. Đêm hôm, nhà ai có người đau bệnh chỉ cần nhắn tin lên nhóm là sẽ có y tá, bác sĩ hội viên đến thăm khám và cho thuốc. Ai gặp rắc rối trong chuyện học hành của con cái sẽ có giáo viên giải đáp, hỗ trợ. Ai có việc đột xuất phải đi sớm về muộn, chỉ cần nhắn vô nhóm là sẽ có người coi ngó giúp con nhỏ. Bên cạnh đó, chi hội đã yêu cầu ban quản trị chung cư ủng hộ mặt bằng, cơ sở vật chất để mở lớp yoga miễn phí cho tất cả bà con cư dân cùng thụ hưởng. Cũng thông qua sự phân công rõ ràng giữa các chi hội mà những bức xúc, mâu thuẫn từ cư dân đã được giải quyết kịp thời, không ảnh hưởng đến quan hệ “xóm giềng” nơi chung cư. “Chúng tôi ai cũng bận rộn nên gần như không tham gia những hoạt động bề nổi. Thay vào đó, mỗi tháng chúng tôi họp 1 lần, trao đổi những vấn đề cần thiết, như phổ biến về nguồn vốn vay của hội để chị em ai có nhu cầu thì tiếp cận; tổ chức những ngày hội thiếu nhi như 1/6, tết Trung thu, lễ tết… như thế nào để không chỉ riêng trẻ con vui mà còn là cơ hội cho nhiều gia đình gắn kết, cư dân xích lại gần nhau hơn” - chị Khánh Vi tâm sự.

Với việc đưa làn gió mới vào đời sống, hoạt động của phụ nữ chung cư D1, chị Vi cho rằng, để nâng cao công tác tập hợp phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ chung cư hay phụ nữ các khu vực đặc thù, hoạt động hội nên chuyên sâu, mang lại lợi ích thiết thực nhiều hơn cho phụ nữ. Để làm được điều đó, theo chị, hội cần bớt đi những hoạt động mang tính hình thức và thay bằng những hoạt động có chiều sâu hơn, như tìm hiểu rõ mong muốn của phụ nữ từng lĩnh vực, từng đối tượng cụ thể để mang đến cho họ những hoạt động phù hợp. Theo chị, thay vì yêu cầu cán bộ hội phụ nữ tại địa phương tham gia quá nhiều các hoạt động, hội nên ưu tiên việc nâng cao kiến thức chuyên môn để mỗi cán bộ hội có đủ năng lực hỗ trợ, giải quyết những vấn đề nảy sinh từ chính đời sống của hội viên, phụ nữ. 

Nguyệt Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI