“Hội chứng” người tốt thái quá trong phim truyền hình Việt: Xưa rồi Diễm!

01/07/2020 - 07:22

PNO - Tạo ra sự đồng cảm hay lấy thiện cảm người xem bằng cách khắc họa chân dung người tốt đến mức thiếu thực tế đôi khi phản tác dụng.

Ngoài chức năng giải trí, phim ảnh còn truyền đi những thông điệp tốt đẹp trong cuộc sống thông qua cốt truyện, nhân vật. Trong đó, tuyến nhân vật là công cụ để biên kịch gián tiếp giao tiếp với người xem, trung gian truyền tải ý đồ của tác giả đến khán giả. Không thể phủ nhận bất cứ phim nào cũng cần có nhân vật chính diện, nhưng xây dựng hình tượng người tốt như thế nào thì nhiều phim truyền hình trong nước hiện nay đang làm “lố”. 

Linh ( diem my đóng) trong Tình yêu và tham vọng khiến người xem ức chế vì lòng tốt của mình dành cho mẹ kế và cô em gái cùng cha khác mẹ
Linh (Diễm My đóng) trong Tình yêu và tham vọng khiến người xem ức chế vì lòng tốt của mình dành cho mẹ kế và cô em gái cùng cha khác mẹ

Theo dõi hai bộ phim đang “hot” hiện nay là Tình yêu và tham vọng, Đừng bắt em phải quên, khán giả không khỏi bực mình về lòng tốt của hai nhân vật Linh (Tình yêu và tham vọng) và Ngân (Đừng bắt em phải quên). Cả hai đều được miêu tả là những người phụ nữ xinh đẹp, giỏi giang, hiền lành nhưng dường như để làm bật lên sự tương phản với tuyến nhân vật phản diện, lòng tốt của Linh và Ngân được xây dựng đến độ phi lý, thiếu thực tế. Như Linh, một cô gái thông minh, năng động, cầu tiến nhưng khi đối diện với cách đối xử hà khắc của mẹ kế cùng sự hỗn xược của đứa em gái cùng cha khác mẹ lại chỉ im lặng nhẫn nhịn. Mỗi khi bị em gái cao giọng buông lời mạt sát, phản ứng “nặng” nhất của Linh là câu nói: “Em đang xúc phạm chị đấy!”. 

Tương tự, lòng tốt thái quá của Ngân (Đừng bắt em phải quên) khi đối đãi với Linh - người đàn bà đang có ý định phá vỡ hạnh phúc gia đình cô - khiến khán giả điên người vì tâm lý khác xa người bình thường. Xem Cả một đời ân oán, khán giả cũng tức anh ách nhân vật nữ chính tên Dung, vì cô chẳng bao giờ nổi giận dù bị con riêng của chồng nói hỗn hay bị mẹ chồng mắng oan.

Ngân ( quách thu phương đóng) trong Đừng bắt em phải quên cũng làm người xem khó chịu vì luôn tỏ ra ân cần với “người thứ ba” Linh
Ngân (Quách Thu Phương đóng) trong Đừng bắt em phải quên cũng làm người xem khó chịu vì luôn tỏ ra ân cần với “người thứ ba”  Linh

Khuê trong Hoa hồng trên ngực trái nhiều lần bị chồng nặng lời coi thường vì “tội” ở nhà nội trợ cũng chỉ biết im lặng thở dài, bị cha mẹ ruột và em trai nhiều lần moi tiền vẫn nín nhịn tìm cách vay mượn giúp họ, hay khi bị tiểu tam ngang nhiên thách thức cũng sợ sệt không dám phản ứng mạnh.

Nhân trong Nhà trọ Balanha nhiều lần bị Mai - bạn học cũ mà anh thầm thương trộm nhớ - năm lần bảy lượt đối xử lạnh nhạt nhưng vẫn sẵn lòng cho Mai mượn tiền, chịu đòn dùm cô, thậm chí cầm sổ đỏ để có nửa tỷ đưa Mai chữa bệnh cho cha mà không biết mình bị lừa.

Khuê trong Hoa hồng trên ngực trái luôn nín nhịn dù bị chồng sỉ nhục
Khuê trong Hoa hồng trên ngực trái luôn nín nhịn dù bị chồng sỉ nhục

Khi xem một bộ phim, không phải lúc nào người xem cũng có thể nhìn thấy mình (hoặc gần giống mình) trong các nhân vật. Điều kết nối người xem với những thứ không liên quan đó nằm ở sự đồng cảm. Để giữ chân khán giả, phim truyền hình dài tập thường chú trọng tạo ra kịch tính, và việc xây dựng những người tốt đến mức thánh thiện nhằm làm tương phản với tuyến phản diện cũng là một cách đẩy cao trào. Nhưng tạo ra sự đồng cảm hay lấy thiện cảm người xem bằng cách khắc họa chân dung người tốt đến mức thiếu thực tế đôi khi phản tác dụng, khán giả không thấy thương mà chỉ tức vì ngô nghê, phi lý.

Phim truyền hình trong nước đã qua chặng đường vài chục năm phát triển, khán giả có quyền đòi hỏi sự tiến bộ trong cách xây dựng nhân vật, chí ít nếu chưa thể tạo ra những con người với tính cách phức tạp tốt xấu đan xen, thì cũng đừng bắt người xem chứng kiến những người tốt thái quá, vì cách làm này đã lỗi thời. 

Nguyễn Ngọc

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI