Học trò Mười hai học miệt mài cho kỳ thi cuối

22/05/2024 - 12:18

PNO - Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa, học sinh lớp Mười hai sẽ bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT (ngày 27 và 28/6). Là lứa học sinh cuối cùng thi tốt nghiệp theo chương trình cũ, các em phải học ngày, học đêm để không bỏ lỡ cơ hội vượt qua ngưỡng cửa phổ thông.

Dồn sức ôn tập cho học trò

11g30 trưa 21/5, khi học sinh khối Mười, Mười một đã lần lượt ra về thì ở dãy phòng học của khối Mười hai Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM), tiếng thầy trò trao đổi cách giải đề thi tốt nghiệp THPT vẫn rất sôi nổi.

Cô Lương Thị Hường - giáo viên môn hóa - vừa cầm trên tay tập tài liệu vừa đọc mã đề. Phía dưới, hơn 40 học sinh lớp 12A2 vừa ghi đề vừa bấm máy tính. Vài phút sau nhiều em đã làm xong, xung phong giải đề. Tiếng cô trò trao đổi, bàn luận rôm rả cả phòng học. Sau mỗi bài làm, dù học sinh giải sai hay đúng cô đều phân tích lại đề để cả lớp cùng nắm. Thỉnh thoảng, có những câu khó, cô lại nhắc nhở học sinh lưu ý, ghi vào vở. Cô trò cứ thế say mê dạy và học quên cả giờ trưa. “Cả tháng nay tôi chuẩn bị nhiều dạng đề thi, nhiều phương pháp giải để các em làm quen. Giai đoạn nước rút nên các lớp đều đã tăng tiết, có ngày phải dạy liên tục từ sáng đến chiều nhưng chúng tôi đều cố gắng hỗ trợ học sinh của mình tối đa” - cô Hường chia sẻ.

Cô Ánh Trinh - giáo viên Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - cho học sinh lớp Mười hai giải đề, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới - ẢNH: NGUYỄN LOAN
Cô Ánh Trinh - giáo viên Trường THPT Thạnh Lộc (quận 12, TPHCM) - cho học sinh lớp Mười hai giải đề, ôn tập chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp THPT sắp tới - Ảnh: Nguyễn Loan

Ở phòng học của lớp 12A4, cô Ánh Trinh cũng đang cùng học trò giải đề thi môn tiếng Anh. Cô ân cần chỉ học trò những từ có phát âm gần giống nhau, cách phân biệt từ đồng âm; cách tìm từ đồng nghĩa - trái nghĩa, nhận biết lỗi sai trong từng câu… Học trò vừa nghe cô giảng vừa chăm chú ghi lại. Khi trống trường vang lên báo hết tiết 5, cô trò vẫn nán lại giải xong đề thi mới về. Ông Lương Văn Định - Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Từ đầu tháng Năm, trường đã cho học sinh Mười hai tăng tiết, lên 5 tiết/buổi. Như vậy, ngoài chương trình chính khóa, các em sẽ có thêm thời gian để ôn tập các môn thi. Đầu tháng Sáu, khi kết thúc chương trình năm học, toàn bộ học sinh Mười hai sẽ chuyển qua chế độ ôn tập, nhà trường dồn toàn bộ lực lượng để làm nội dung, hỗ trợ tối đa cho học sinh”.

Mai Anh - học sinh lớp 12A2 - cho biết: “Có những ngày tụi em học 9-10 tiết/ngày. Tối về còn tranh thủ giải đề, tự ôn tập lại kiến thức nên khá mệt. Tuy nhiên, chỉ còn hơn 1 tháng nữa thi tốt nghiệp nên thầy cô động viên rất nhiều. Có khi học xong tiết 5, giáo viên còn ở lại chỉ bài đến hơn 12g trưa mới về nên tụi em luôn cố gắng học”.

Ông Nguyễn Vân Yên - Hiệu trưởng Trường THPT Marie Curie (quận 3, TPHCM) - cho hay: lứa học sinh lớp Mười hai năm nay đặc biệt cả đầu vào và đầu ra. Cách đây 3 năm, vì ảnh hưởng dịch COVID-19 nên các em không thi tuyển sinh lớp Mười mà xét tuyển dựa trên điểm học lực. Do đó, đầu vào không đồng đều như những năm trước. Ở đầu ra, đây là lứa học sinh cuối cùng học chương trình 2006. Chính vì vậy, cả giáo viên và học sinh đều áp lực hơn so với những khóa học khác. “Hiện tại, chúng tôi chưa biết nếu những học sinh năm nay rớt tốt nghiệp hoặc điểm thi không đạt như mong muốn thì năm tới sẽ thi lại thế nào. Bởi năm sau học sinh sẽ thi theo chương trình mới. Do đó, chúng tôi mong muốn các em đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi năm nay” - ông nói.

Cân bằng thời gian ôn luyện và nghỉ ngơi

Trường THPT Marie Curie đã chuẩn bị nhiều phương án trực tuyến và trực tiếp để hỗ trợ tối đa cho học sinh. Ở giai đoạn “về đích”, ngoài chương trình học chính khóa, trường đã bắt đầu tăng cường ôn tập, hệ thống hóa lại kiến thức ở những môn thi tốt nghiệp THPT. Ông Nguyễn Vân Yên nói: “Những năm trước cũng phải lo, nhưng năm nay lo nhiều hơn. Chúng tôi động viên các em phân bổ thời gian và tập trung học tập để đạt kết quả tốt nhất”.

Đến ngày 27/5, học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh (quận 1, TPHCM) kết thúc chương trình học. Từ đầu tháng Năm, với những môn có học sinh đăng ký thi tốt nghiệp, trường đã tổ chức cho các em vừa học, vừa ôn lại kiến thức. Khi học sinh các cấp nghỉ hè, trường sẽ mở lớp ôn tập tự nguyện tại trường cho học sinh lớp Mười hai từ ngày 27/5 - 21/6. Ông Hà Hữu Thạch - Hiệu trưởng nhà trường - cho biết: “Giáo viên sẽ hệ thống hóa kiến thức, cho học sinh làm đề, sửa những lỗi sai thường gặp… Mỗi môn sẽ có 6-7 tiết/tuần. Vì là giai đoạn nước rút nên chúng tôi phải tính toán ôn tập sao cho hiệu quả nhất, tránh gây áp lực cho học sinh. Việc học quan trọng nhưng cũng phải biết giữ sức khỏe để tâm trạng thoải mái và có một kỳ thi tốt nhất”.

Tương tự, ông Ngô Hùng Cường - Phó hiệu trưởng Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5, TPHCM) - cho hay, thời điểm nghỉ hè, trường để học sinh lớp Mười hai chủ động đăng ký các môn học mà các em cảm thấy chưa đủ năng lực để thi tốt nghiệp. Môn toán và tiếng Anh được dạy 6 tiết/tuần, môn văn 5 tiết/tuần, các môn thi tổ hợp khoa học xã hội và khoa học tự nhiên 4 tiết/tuần. Dự kiến đến khoảng ngày 22/6, trường sẽ hoàn tất việc ôn luyện để học sinh có thời gian nghỉ ngơi, chuẩn bị thi.

Ông nói thêm, học sinh được trường tổ chức ôn thi vào buổi sáng, buổi chiều là thời gian để học sinh chủ động với các nhu cầu học tập cá nhân. Bởi việc tự học phải là chính, vì dù thầy cô có ôn 1.000 dạng câu hỏi nhưng đề thi ra dạng thứ 1.001 mà học sinh không biết phương pháp giải thì cũng không làm được. “Giai đoạn này, học sinh cần có kế hoạch, thời gian học tập phù hợp với sức học và mục tiêu của mình. Yếu môn nào thì dành thời gian cho môn đó, những môn còn lại cũng phải học đều. Các em tránh tuyệt đối tình trạng lơ là, những ngày cuối mới bắt đầu ôn thi, học dồn dập, mất cân bằng với thời gian nghỉ ngơi. Việc này không chỉ ảnh hưởng sức khỏe mà còn giảm khả năng tập trung, dễ quên kiến thức dù mới học trước đó không lâu” - vị phó hiệu trưởng khuyên.

Nguyễn Loan - Trang Thư

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI