Học sinh tự chọn môn học: Liệu có bị định hướng?

20/01/2021 - 07:09

PNO - Một trong những điểm mới của chương trình mới bậc trung học phổ thông là học sinh được tự chọn năm môn học. Điều này khiến giáo viên và nhà trường lo ngay ngáy, vì sợ sẽ xảy ra tình trạng có môn học sinh chọn quá nhiều, môn chọn quá ít.

Thầy năng động sẽ không sợ thiếu trò
Chương trình mới được áp dụng cho bậc trung học phổ thông (THPT) sẽ có nhiều thay đổi, thay vì học sinh (HS) phải học 13 môn bắt buộc như hiện nay thì chỉ còn 12 môn.

Đáng chú ý, ngoài bảy môn học và hoạt động giáo dục bắt buộc (gồm: ngữ văn, toán, ngoại ngữ 1, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, nội dung giáo dục của địa phương), HS sẽ được chọn năm môn tự chọn từ ba nhóm môn học (mỗi nhóm phải chọn ít nhất một môn).

Học sinh có thực sự được tự chọn môn học? Ảnh minh họa
Học sinh có thực sự được tự chọn môn học? Ảnh minh họa

Đó là nhóm môn khoa học xã hội (lịch sử, địa lý, giáo dục kinh tế và pháp luật), nhóm môn khoa học tự nhiên (vật lý, hóa học, sinh học), nhóm môn công nghệ và nghệ thuật (công nghệ, tin học, nghệ thuật).

Tại hội nghị trực tuyến với sự tham dự của lãnh đạo UBND, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) các tỉnh, thành bàn về việc chuẩn bị điều kiện triển khai chương trình giáo dục phổ thông, nhiều giám đốc sở băn khoăn, khi HS tự chọn môn học liệu có ảnh hưởng đến công việc của giáo viên và tổ chức trường học?

Nhiều HS khi biết được tự chọn sẽ “chào tạm biệt” ngay các môn sử, hóa, sinh vì khó học, khó lấy điểm…

Điều này có thể đem đến sự thuận lợi cho người học và đáp ứng chương trình phân hóa nghề nghiệp ở bậc học. Nhưng thực tế, nhiều giáo viên dạy môn tự chọn bắt đầu lo lắng.

Một giáo viên dạy môn địa lý THPT ở Q.1 (TP.HCM) cho biết: bình thường, HS phải học đủ 13 môn bắt buộc thì các em đã bên trọng, bên “lơ” rồi. Những môn học bị cho là môn phụ thường HS chỉ học cho có, đủ điểm qua môn, còn lại chỉ tập trung cho các môn chính có thi cử. Sau này được tự chọn thì khả năng HS sẽ bỏ luôn những môn không có giá trị thi đại học. Khi đó, HS chắc chắn sẽ học lệch, còn nhiều giáo viên môn tự chọn dễ rơi vào tình thế không có học trò, thiếu tiết nghĩa vụ theo quy định. 

Hiệu trưởng một trường THPT ở TP.HCM cho biết, nhà trường sẽ đau đầu khi HS chọn quá ít hoặc nhiều cho một môn nào đó. Điều này ảnh hưởng đến tổ chức chuyên môn, nhân sự, thu nhập của giáo viên…

Nhân sự trường học gần như cố định trong dài hạn theo quy mô HS nên việc để người học chủ động chọn môn học sẽ dẫn đến thừa, thiếu giáo viên cục bộ.

Ví dụ: năm nay, HS chọn học môn hóa học quá nhiều thì trường không đủ giáo viên. Song năm sau, chỉ lác đác vài HS chọn thì lại thừa giáo viên. Đó là chưa kể, những môn như giáo dục kinh tế và pháp luật, nghệ thuật… chỉ có vài HS chọn thì tổ chức lớp học thế nào? Kể cả thu nhập của giáo viên cũng sẽ bị thay đổi đáng kể. 

Còn thầy Nguyễn Viết Đăng Du, Tổ trưởng Tổ Lịch sử Trường THPT Lê Quý Đôn (Q.3, TP.HCM), cho rằng nếu sự thay đổi này có lợi cho HS thì giáo viên cũng không nề hà gì. Để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới thì chắc chắn giáo viên phải năng động hơn để thu hút HS cho môn học của mình.

Hơn nữa, môn tự chọn vẫn yêu cầu HS phải chọn ít nhất một môn trong mỗi nhóm nên HS không học lệch hẳn. HS cũng sẽ chọn môn học theo sự hướng dẫn và tư vấn của nhà trường, giáo viên… Vì vậy sẽ hiếm có chuyện giáo viên môn tự chọn phải thất nghiệp, mà thay vào đó là phải “cải tiến” mình. 

Sợ tự chọn… nửa vời
Theo Vụ Giáo dục trung học Bộ GD-ĐT, các trường phải xây dựng tổ hợp gồm năm môn học được chọn từ ba nhóm môn học trong chương trình và xây dựng một số tổ hợp ba cụm chuyên đề của ba môn học phù hợp với khả năng tổ chức của nhà trường để không xảy ra tình trạng môn chọn quá nhiều hoặc quá ít. Đồng thời đảm bảo định mức giờ dạy cho giáo viên.

Học gì thi nấy liệu có dễ khiến việc tự chọn trở nên nửa vời?
Thi gì học nấy liệu có dễ khiến việc tự chọn trở nên nửa vời?

Bộ cũng có hướng dẫn thực hiện, trong đó quy định hiệu trưởng tổ chức xây dựng và ban hành kế hoạch thời gian thực hiện chương trình của từng môn học bắt buộc, môn học tự chọn, chuyên đề học tập… đảm bảo tổng số tiết/năm học theo quy định. Chương trình mỗi môn học ở mỗi khối lớp được bố trí phù hợp trong cả năm học.

Những hướng dẫn này được cho là “đẩy” về cho hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm quá nhiều trong khi có nhiều thứ hiệu trưởng không quyết được, ví dụ số tiết nghĩa vụ của giáo viên. Nếu giáo viên thuộc môn được chọn ít thì giải quyết thế nào?

Theo nhiều giáo viên, đã định nghĩa là môn tự chọn, cho phép HS chọn môn học thì phải đáp ứng sự lựa chọn của các em, chứ không làm kiểu nửa vời định hướng cho dễ tổ chức. Muốn thực hiện nội dung này phải thay đổi quy chế, chính sách phù hợp về đội ngũ, cơ sở vật chất, để khi HS lựa chọn, nhà trường đáp ứng được nguyện vọng các em, tránh chuyện định hướng phù hợp với điều kiện. 

Thầy Lâm Vũ Công Chính, giáo viên Trường THPT Nguyễn Du (Q.10, TP.HCM), phân tích: “Cách thức này nhiều nước đã làm và làm tốt nhưng mình thì vẫn còn nửa vời. Ví dụ ở Mỹ, họ không tổ chức lớp học theo kiểu tập trung, quản lý HS theo định danh lớp học cố định nên đến giờ môn nào thì HS đăng ký môn tự chọn có thể đến lớp đó học.

Còn chúng ta sẽ khó hơn vì lớp học cố định, đến giờ môn tự chọn, HS phải chạy toáng lên để tìm lớp. Muốn thay đổi thì phải thay đổi cách quản lý nhà trường, cách tổ chức lớp học và đặc biệt là sự tự giác của HS”. 

Một giáo viên khác băn khoăn: “Việc chọn môn tự chọn không có gì mới, chương trình hiện hành vẫn được chọn một môn tự chọn nhưng thực chất là trường chọn và thường là chọn những môn có thi. Mục đích mà các trường định hướng là để tăng thêm tiết ôn tập danh chính ngôn thuận.

Ví dụ, theo phân bố chương trình mô toán có bốn tiết/tuần thì chọn toán là môn tự chọn sẽ có thể dạy năm tiết/tuần. Vì vậy, tôi rất lo lắng chúng ta lại một lần nữa định hướng cho môn tự chọn”. 

Có một thực tế rất mâu thuẫn là những người biên soạn chương trình khác với những người ra đề đánh giá, kiểm tra nên cuối cùng là dạy và học phải chạy theo thi gì học nấy. Dẫn chứng rõ ràng là sách giáo khoa hiện hành có chương trình nâng cao và cơ bản nhưng đề thi quốc gia chỉ ra cơ bản nên trường học dần bỏ hẳn nâng cao. Bởi vậy, muốn HS tự chọn môn học phải thay đổi cách đánh giá, chấp nhận HS học lệch theo năng khiếu và nhu cầu. 

Thanh Thanh

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI