Học sinh TPHCM nghiên cứu giải pháp hạn chế quá tải bệnh viện, cảng biển

04/02/2023 - 19:49

PNO - Nhiều dự án khoa học kỹ thuật có tính thực tiễn cao do học sinh TPHCM nghiên cứu, nhằm giúp giải quyết các vấn đề bức thiết của thành phố.

 Dự án mô hình tự động hóa tại cảng Tân Cảng - Phú Hữu (TPHCM)
Dự án mô hình tự động hóa tại cảng Tân Cảng - Phú Hữu (TPHCM)

Ngày 4/2, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) TPHCM tổ chức vòng chung kết cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp thành phố cho học sinh trung học năm học 2022-2023. Năm nay có 52 dự án (được lựa chọn từ 1.226 dự án vòng sơ khảo) tham gia tranh tài vòng chung khảo.

Trong đó, nhiều dự án có tính thực tiễn cao, thể hiện sự nỗ lực của học sinh trong việc tìm tòi các giải pháp giải quyết những vấn đề bức thiết của thành phố. Chẳng hạn, nhóm nghiên cứu Võ Thành Vinh và Nguyễn Quang Lập, học sinh Trường THPT Nguyễn Hữu Huân (TP Thủ Đức) nghiên cứu dự án hạn chế tình trạng quá tải của khu chờ khám bệnh ở các bệnh viện tuyến đầu.

Dự án đưa ra ứng dụng quét mã QR giúp bệnh nhân có thể ngồi ở bất kỳ đâu, hoặc tranh thủ làm việc trong khi chờ đến lượt khám bệnh, mà không cần chầu chực tại bệnh viện. Khi gần đến số thứ tự khám bệnh, ứng dụng sẽ cảnh báo để bệnh nhân quay lại nơi khám. “Chúng em đang nghiên cứu nâng cấp ứng dụng để tích hợp tính năng thông báo cho bệnh nhân những thông tin cần thiết trước khi khám bệnh đối với từng khoa, thông tin toa thuốc, chỉ dẫn đường đến chuyên khoa cần khám bệnh. Bên cạnh đó, có thể mở rộng ứng dụng để áp dụng tại các cơ quan hành chính nhằm hạn chế tình trạng người dân phải chờ đợi khi làm thủ tục” - em Nguyễn Quang Lập chia sẻ.

Ứng dụng giúp giảm quá tải tại các khu chờ của bệnh viện tuyến đầu
Em Võ Thành Vinh và Nguyễn Quang Lập giới thiệu ứng dụng giúp giảm tình trạng quá tải tại các khu chờ khám của bệnh viện tuyến đầu

Một dự án thiết thực khác là mô hình tự động hóa tại cảng Tân Cảng - Phú Hữu (TPHCM) của nhóm tác giả Ngô Lê Khanh và Trương Thái Dương, học sinh Trường Vinschool. Dự án đang ở bước tự động hóa ở khu vực cổng ra vào cảng và hệ thống đèn trong cảng. Sắp tới nhóm nghiên cứu dự kiến mở rộng tự động hóa toàn bộ hoạt động bên trong cảng như xếp hàng hóa, bốc dỡ hàng từ tàu lên cảng...

Còn nhóm tác giả Đào Kim Ngân và Phan Tại Khang, học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) thì nghiên cứu các giải pháp để bảo tồn, quảng bá loại hình nghệ thuật cải lương đến gần hơn với thế hệ trẻ bằng cách tận dụng nền tảng mạng xã hội, xây dựng các clip, bài viết, cuộc thi vui nhộn và bắt mắt để “đánh” vào thị hiếu giới trẻ. 

Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) nghiên cứu giải pháp đưa nghệ thuật cải lương đến gần với giới trẻ
Học sinh Trường THPT Trần Khai Nguyên (quận 5) nghiên cứu giải pháp đưa nghệ thuật cải lương đến gần với giới trẻ

Theo đánh giá của ban tổ chức, gần 50% số lượng đề tài, thuộc lĩnh vực khoa học xã hội và hành vi, thể hiện sự quan tâm rất lớn của thế hệ trẻ với các vấn đề tâm lý lứa tuổi, hành vi trong cuộc sống đô thị hiện nay. Các dự án này giúp tạo nguồn dữ liệu đáng kể cho các ngành: giáo dục, văn hóa xã hội, thông tin truyền thông… để có thể biết thêm các thông tin về thực tế giới trẻ nhằm có những định hướng kịp thời trong tương lai.

Nhóm đề tài theo định hướng chuyển đổi số, về hóa sinh, kỹ thuật y sinh, hóa học, khoa học vật liệu… thể hiện được những bước tiến đáng kể, các đề tài được các nhà khoa học đánh giá cao, thể hiện sự tìm tòi, học hỏi, sáng tạo của thầy và trò khi tham gia các dự án. 

Nhiều dự án còn thể hiện tính nhân văn khi hướng tới các sản phẩm chăm sóc, hỗ trợ người khuyết tật, người gặp khó khăn như: thiết bị tích hợp trí tuệ nhân tạo hỗ trợ giao tiếp hai chiều cho người câm điếc, mô hình trí tuệ nhân tạo dự đoán nguy cơ trầm cảm của học sinh THPT trên địa bàn TPHCM, phần mềm ứng dụng trí tuệ nhân tạo hỗ trợ người khiếm thính giao tiếp, robot hỗ trợ tìm kiếm và cứu hộ người trong vùng sạt lở...

Dự án robot hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở
Dự án robot hỗ trợ tìm kiếm, cứu hộ người trong vùng bị sạt lở

Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở GD-ĐT TPHCM - đánh giá cao sự nỗ lực của thầy và trò TPHCM. Theo ông, các em học sinh đã biết vận dụng kiến thức môn học vào giải quyết những vấn đề thực tiễn, từ đó sáng tạo các sản phẩm hữu ích cho cuộc sống. Trước ý kiến lo ngại rằng cuộc thi là sân chơi vượt quá tầm của học sinh phổ thông và phía sau dự án có bóng dáng của người lớn, học sinh chỉ trình diễn lại, ông Nguyễn Văn Hiếu bày tỏ ông tin tưởng vào sự trung thực, học thật và nghiên cứu thật của học sinh. Mặc dù sản phẩm của các em có thể còn sơ sài nhưng rất đáng quý, các em có thể nhận thức được sức mạnh của nghiên cứu khoa học, cảm nhận được niềm vui trong việc học tập, khám phá tri thức.

Ở vòng sơ khảo, do chỉ chấm trên hồ sơ nên ban giám khảo đã sử dụng phần mềm "chống đạo văn" đồng thời cũng chú ý cách thể hiện, các chỉ báo xem có phù hợp với kiến thức, trình độ học sinh hay không. Ở vòng chung khảo, ban giám khảo chú trọng phỏng vấn, “hỏi xoáy đáp xoay” với học sinh để các em thể hiện khả năng cũng như để xác minh tính trung thực của dự án.

P.Thanh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI