Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông: Bao giờ thực chất? Bài 2:

Học rất nhiều nhưng "dung nạp" chẳng bao nhiêu

20/04/2022 - 06:48

PNO - Không chỉ ở nông thôn, mà ngay cả thành thị cũng thiếu trang thiết bị hỗ trợ cần thiết cho bộ môn tiếng Anh, nhất là nghe - nói nên chất lượng học tiếng Anh của học sinh còn thấp.

Ngoại ngữ đang được xem là “chìa khóa vàng” để giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Do đó, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy xuyên suốt ở bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng dạy và học môn học này vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Bài 1: Lớp đông, đọc viết... đến khi nào?

Nông thôn lẫn thành thị đều gặp khó

Ông Phùng Ngọc Oanh, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Ba Vì (TP. Hà Nội), cho biết: “Hiện nay, việc dạy học tiếng Anh ở những vùng nông thôn vẫn khó khăn. Đa số các trường thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nên chất lượng của môn học này chưa cao. Rồi nhiều giáo viên (GV) vẫn chưa đạt chuẩn về trình độ, khả năng tổ chức giảng dạy theo hướng giao tiếp chưa cao, điều này đã ảnh hưởng đến việc nâng cao chất lượng dạy và học”.

Theo ông Oanh, muốn cải thiện chất lượng tiếng Anh trong trường phổ thông thì mấu chốt là vấn đề nâng cao chất lượng GV mà ở đó là đào tạo đội ngũ giảng viên tinh hoa trong trường sư phạm.

Để có thể giao tiếp tiếng Anh, hầu hết học sinh phải học thêm ở trung tâm ngoại ngữ  (trong ảnh: Học sinh học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ tại TP.Huế) - ẢNH: THUẬN HÓA
Để có thể giao tiếp tiếng Anh, hầu hết học sinh phải học thêm ở trung tâm ngoại ngữ (trong ảnh: Học sinh học tiếng Anh ở một trung tâm ngoại ngữ tại TP. Huế) - Ảnh: Thuận Hóa

Theo bà Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Care Education, việc dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, GV thường theo kiểu lên lớp yêu cầu học sinh (HS) lật sách ra rồi mới dạy theo đó. Khi đó, trẻ sẽ loay hoay, rớt cái này sai cái kia mất hết vài phút trong khi giờ học bậc tiểu học chỉ khoảng 35 phút. Chưa hết, GV thường dạy theo từ đơn hoặc từ ghép nhưng không đặt từ vào ngữ cảnh để nói trọn câu tạo ra phản xạ tự nhiên cho trẻ. Vì thế, các con có thể nói được từ nhưng không giao tiếp trọn câu, trôi chảy. 

TPHCM là một trong những địa phương có chương trình tiếng Anh đa dạng để người học lựa chọn. Song, đa dạng chưa hẳn đã tốt. Hiệu trưởng một trường THPT cho hay: “Các chương trình tiếng Anh học toàn bộ với GV bản ngữ thì rõ ràng chi phí không dành cho số đông học sinh. Còn chương trình tiếng Anh tăng cường ban đầu ra đời với mục đích nâng cao năng lực học ngoại ngữ cho HS, kể cả HS không có điều kiện học ở trung tâm bên ngoài thì sẽ học trong nhà trường.

Với mục tiêu đó, nhiều năm nay, chương trình này được phần đông HS lựa chọn nhưng tính liên thông vẫn chưa rõ ràng. Hầu như khi lên đến bậc THPT đã không còn trường thực sự tuyển sinh chương trình này nữa”.

Cần đầu tư nhiều hơn cho giáo viên

Đổi mới phương pháp giảng dạy là một trong những chủ trương đúng đắn mà ngành giáo dục theo đuổi bao năm nay. Trang thiết bị công nghệ, phòng chức năng lần lượt xuất hiện trong nhà trường. Thế nhưng, đâu phải có thêm chiếc bảng tương tác, chiếu vài ba clip là ứng dụng công nghệ và cho ra phương pháp giảng dạy hiện đại. Xét cho cùng thì chương trình là bộ xương khung, thiết bị - công nghệ cũng là phụ trợ, muốn “nên hình nên vóc” đều cần con người - ở đây chính là người thầy. Không thể phủ nhận, việc dạy ngoại ngữ hiện nay, con người vẫn là một trong những điểm yếu. 

Thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (TP. Hà Nội), cho rằng: “Có mấy việc cần phải làm ngay để thay đổi chất lượng dạy và học tiếng Anh, trong đó quan trọng nhất là GV cần được đào tạo lại, bồi dưỡng bài bản. Muốn thay đổi được thì bản thân GV phải tích cực tự học, tự thay đổi. Bộ phận GV gạo cội tận dụng thế mạnh là kinh nghiệm, GV trẻ có kiến thức kỹ năng mới để phát huy. Còn cấp quản lý cần tổ chức đào tạo bồi dưỡng bài bản hơn cho GV”.

Ngoài ra, theo thầy Sở, GV nên vận dụng linh hoạt giáo trình, sách giáo khoa cho phù hợp đối tượng HS, vùng miền. Đồng thời, chương trình tiếng Anh phải được quan tâm đào tạo từ cấp dưới chứ chỉ đến bậc THPT mới chú trọng thì không kịp mà còn rất vất vả. 

TPHCM cũng khó tuyển giáo viên tiếng Anh giỏi

Trong báo cáo sơ kết về đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân tại TPHCM giai đoạn 2018 - 2020, Sở Giáo dục và Đào tạo TPHCM cũng nhìn nhận những hạn chế như sĩ số HS/lớp vượt chuẩn theo quy định (trung bình 40 HS/lớp) và việc thiếu GV cơ hữu nên chất lượng học tập chưa đồng đều giữa các quận, huyện.

Bên cạnh đó, lương khởi điểm của GV còn rất thấp nên khó tuyển GV đạt chuẩn hoặc giữ chân GV giỏi, có kinh nghiệm. Tình trạng thiếu GV ngoại ngữ do không có nguồn tuyển dẫn đến việc các trường phải thỉnh giảng GV mới đảm bảo dạy đủ số tiết theo quy định…

Là người đứng lớp giảng dạy tiếng Anh ở Trường tiểu học Lê Văn Thêm, thạc sĩ Hoàng Thu Hương, chia sẻ: “Ở Việt Nam, mỗi năm có một lượng lớn GV tiếng Anh ra trường nhưng khó xin vào trường công lập và trường tư thục lớn, buộc phải chuyển sang các trung tâm ngoại ngữ làm nên việc đổi mới dạy và học là một điều khó. Muốn đổi mới thì những người trẻ bao giờ cũng nhanh nhạy, nhiệt huyết còn nhiều GV “gạo cội” trong môi trường cũ không theo kịp xu thế dạy học thì khó thay đổi, điều này cũng làm chất lượng tiếng Anh không như mong muốn. Việc này dẫn đến đa số HS học trên lớp nhưng không có hứng thú”.

Điều đáng buồn hơn cả, theo cô Hương, qua 12 năm học, HS chỉ nắm được một mớ ngữ pháp khô khan mà không phát triển được gì. Do đó, muốn cải thiện chất lượng dạy tiếng Anh trong trường phổ thông thì GV nên được đào tạo lại để theo kịp xu hướng hiện nay, để HS chủ động tích cực hơn.

Trước đây, nhằm triển khai hiệu quả Chương trình ngoại ngữ quốc gia 2020, TPHCM đã đặt mục tiêu nâng cao và chuẩn hóa trình độ giảng dạy cho GV tiếng Anh theo chuẩn quốc tế. TPHCM từng thực hiện nhiều chương trình nâng cao năng lực ngoại ngữ cho GV, trong đó, nhiều GV tiếng Anh đã được bồi dưỡng, đào tạo lại từ các đơn vị lớn.

Sở Giáo dục và Đào tạo cũng từng phối hợp với Viện Khảo thí giáo dục Hoa Kỳ (ETS) và Tổ chức Đánh giá chất lượng Trường đại học Cambridge (Cambridge English) tổ chức kỳ thi TOEIC (bốn kỹ năng) và IELTS để khảo sát năng lực sử dụng tiếng Anh cho GV tiếng Anh… với mong muốn chuẩn hóa đội ngũ và nâng cao chất lượng giảng dạy ngoại ngữ để HS trở thành nguồn nhân lực chất lượng cao đủ sức hội nhập quốc tế. 

Nhóm Phóng viên

(Bài 3: Cần thay đổi từ tư duy dạy học, thi cử

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI