Dạy và học tiếng Anh trong trường phổ thông: Bao giờ thực chất?

Lớp đông, đọc viết... đến khi nào?

18/04/2022 - 08:33

PNO - Ngoại ngữ đang được xem là “chìa khóa vàng” để giúp học sinh, sinh viên Việt Nam có cơ hội vươn ra biển lớn, hội nhập quốc tế. Do đó, môn tiếng Anh đã được đưa vào giảng dạy xuyên suốt ở bậc phổ thông từ tiểu học đến THPT. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân nên chất lượng dạy và học môn học này vẫn chưa đạt được kết quả mong muốn.

Nhiều ý kiến cho rằng, năng lực ngoại ngữ của học sinh hiện nay không phải đến từ “công lao” của các chương trình dạy ngoại ngữ trong trường học mà có sự đóng góp không nhỏ công sức của phụ huynh đầu tư cho con học tiếng Anh ở các trung tâm. Bởi, việc giảng dạy tiếng Anh trong nhà trường phổ thông tồn tại nhiều bất cập. Thực tế là từ học đến thi chỉ chú trọng đọc, viết, thiếu đi hai kỹ năng quan trọng khi học ngôn ngữ là nghe, nói. 

Học ngoại ngữ là học kỹ năng, cần phải được luyện tập thường xuyên để trở nên thành thạo. Với mô hình một lớp học truyền thống có sĩ số thấp nhất là 35, cao nhất trên dưới 50 em, đã trở thành một trong những rào cản lớn nhất khiến nhiều học sinh trong một buổi học chưa được đứng lên giao tiếp một lần, giáo viên cũng không thể bao quát hết, vậy là học ngoại ngữ như cưỡi ngựa xem hoa.

Chưa kịp nói đã hết giờ

Thầy Nguyễn Công Sở, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (TP.Hà Nội), cho hay bất cập lớn nhất của việc dạy tiếng Anh trong nhà trường hiện nay là học sinh học mà khả năng vận dụng được để giao tiếp rất hạn chế. Chương trình quá nặng ngữ pháp, không coi trọng kỹ năng giao tiếp trong khi kỹ năng này mới là điều giúp học sinh hội nhập, tiến đến là công dân toàn cầu. Nhiều nội dung trong sách giáo khoa không phù hợp cần biên soạn lại.

Học sinh ở TP.HCM học tiếng Anh với giáo viên bản xứ của chương trình tiếng Anh tích hợp (trong ảnh: Một tiết học tiếng Anh với giáo viên bản xứ tại Trường THCS - THPT Lý Thái Tổ, Q.Gò Vấp)
Học sinh ở TPHCM học tiếng Anh với giáo viên bản xứ của chương trình tiếng Anh tích hợp (trong ảnh: Một tiết học tiếng Anh với giáo viên bản xứ tại Trường THCS - THPT Lý Thái Tổ, quận Gò Vấp)

Theo vị hiệu trưởng này, một khó khăn mà hầu hết các trường đang đối diện là cơ sở vật chất không đáp ứng được nhu cầu dạy và học, chưa có phòng học tiếng Anh chuyên dụng, phòng học thông minh. Rất ít trường, nhất là ở vùng nông thôn, có phòng học được trang bị bảng tương tác, bộ kiểm tra trắc nghiệm, chất lượng hình ảnh, âm thanh rõ ràng, sinh động; cũng như có sự liên kết thông tin giữa sách giáo khoa với phần mềm để giáo viên giúp học sinh luyện các kỹ năng nghe, nhìn, phát âm. Chưa kể trình độ giáo viên cũng là một hạn chế lớn. “Thành thử, ở nhiều nơi, trẻ học tiếng Anh như “học chay” vậy”, thầy Nguyễn Công Sở nói.

Là phụ huynh có chuyên môn về giáo dục, chị Nguyễn Thị Thủy, Giám đốc Care Education (quận Phú Nhuận), chia sẻ: “Tôi thấy cái khó lớn nhất để dạy tiếng Anh tốt trong nhà trường hiện nay là nằm ở sĩ số lớp. Quy mô một lớp học thông thường ít nhất cũng 35 em/lớp nhưng phải nhấn mạnh rằng ở các đô thị lớn không nhiều trường đạt được sĩ số chuẩn này, thậm chí rất nhiều lớp hơn 50 học sinh. Vậy thì rất khó để học sinh được giao tiếp, trong khi học ngoại ngữ điều quan trọng nhất là phải được giao tiếp thật nhiều”. Chị cũng cho biết thêm, các chương trình tiếng Anh tăng cường, tiếng Anh theo đề án, tiếng Anh tự chọn… sĩ số không khác sĩ số những môn học khác. Ngay cả một chương trình tạm cho là cao cấp hơn như tích hợp cũng có sĩ số lớp trên dưới 30 em. Trong khi sĩ số lý tưởng để tổ chức một lớp tiếng Anh hiệu quả là 15 em. 

Theo nhiều nhà giáo, trung bình một tiết lên lớp, nếu giáo viên dành cho mỗi em một phút để giao tiếp với cô hoặc với bạn thì không đủ để dạy kiến thức mới, bị “cháy giáo án”; thậm chí là không đủ để gọi hết lần lượt học sinh. Nhiều phụ huynh kể, con em họ học ở trường cả tuần không được giao tiếp tiếng Anh là chuyện bình thường. Chị Mỹ Linh, phụ huynh có con học lớp 3 tại huyện Bình Chánh, cho hay: “Dù tôi đăng ký cho con học tiếng Anh tăng cường và trường hợp tác với đơn vị bên ngoài tổ chức 1 - 2 tiết học với người bản xứ nhưng con tôi chỉ đọc được từng từ đơn, gặp người nước ngoài không nói được tròn câu. Tôi phải đăng ký cho con học thêm trung tâm bên ngoài vào chiều thứ Hai, thứ Tư hằng tuần mới cải thiện được”. 

Ứng dụng… trên giấy thi

Chính việc dạy và học tiếng Anh hiện nay chỉ gói gọn trong hai kỹ năng đọc và viết nên học sinh học xong chỉ có thể ứng dụng tiếng Anh… trên giấy thi. Người học không thể giao tiếp trong thực tế. Sở dĩ vấn đề này không thể giải quyết được vì trường phổ thông vẫn dạy và học theo kiểu thi gì học nấy. Các kỳ thi, kiểm tra đánh giá ngoại ngữ bao năm chưa từng thay đổi. 

Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên Chu Văn An, nhìn nhận: Chương trình học hiện nay chủ yếu là thi gì học nấy. Còn thi cử chủ yếu kiểm tra kỹ năng đọc, viết của người học. Nếu vẫn thi theo lối cũ thì khó phát triển năng lực ngôn ngữ của học sinh. “Vì vậy, tôi cho rằng nên thay đổi cách dạy, cách đánh giá người học. Cần có những phần mềm khảo thí tiếng Anh, người học có thể tự nghe, nói, đọc, viết trên đó để biết điểm mạnh, yếu mà hoàn thiện. Cơ quan quản lý có thể phê duyệt các phần mềm, chương trình được sử dụng để trường học, thầy cô cùng tìm hiểu, sử dụng để nâng cao hiệu quả”, ông Hoàng đề xuất. 

Điểm thi môn tiếng Anh cũng thấp

Điều này thể hiện rõ nhất tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2021. Cả nước có 866.993 thí sinh tham gia bài thi tiếng Anh. Kết quả, điểm trung bình của môn thi này là 5,84. Có 349.175 thí sinh có điểm dưới 5, điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 4 điểm, có 144 thí sinh bị điểm liệt (bằng hoặc dưới 1 điểm). Kết quả này nói lên phần nào hiệu quả của việc dạy và học ngoại ngữ trong trường phổ thông 
hiện nay.

Bà Võ Thị Loan, Trưởng khoa tiếng Anh giao tiếp Tập đoàn Giáo dục Quốc tế Nam Việt, nêu thực trạng: “Chương trình hiện nay nặng nề về lý thuyết, sĩ số đông nên hoạt động chủ yếu trong lớp là học sinh ghi bài và học trong im lặng. Học mẫu câu thì biết nhưng nói mẫu câu đó vào ngữ cảnh khác thì lại “tịt” nên học tuần này thì có khi sang đến tuần sau đã quên vì không dùng được thường xuyên, thời gian luyện nói của cả lớp đôi khi chỉ 5 - 10 phút. Đó là chưa kể, chương trình hiện nay cũ lắm rồi. Tư duy học sinh bây giờ tốt hơn xưa rất nhiều, nhưng với điều kiện là phải được học đúng phương pháp, phù hợp lứa tuổi, không nên áp đặt cách tiếp cận của người lớn”. 

Từ đó, bà Loan cho rằng: “Muốn học sinh cải thiện hiệu quả học tiếng Anh trong trường phổ thông thì phải giảm lượng hàn lâm thiếu ứng dụng trong chương trình. Các bài thi nên có cả thi nói, viết để tránh học sinh tập trung lệch lại đạt kết quả tốt, đó là mâu thuẫn với khoa học giáo dục. Cái chính là phải thay đổi chương trình và phương pháp, cần cân bằng giữa lý thuyết và thực hành. Muốn tốt phần nghe, nói thì nhất thiết phải cho thi nghe, nói. Tăng cường các câu lạc bộ, các hoạt động thực tiễn bên ngoài xã hội để học sinh cọ xát với tiếng Anh nhiều hơn. Một chương trình phát thanh bằng tiếng Anh phát ra toàn trường cùng nghe cũng là một cách hay, rất cởi mở và sẽ thu hút học sinh”. 

Bài 2: Học rất nhiều nhưng “dung nạp” chẳng bao nhiêu

Cần tuân thủ trình tự nghe, nói, đọc, viết 

Thạc sĩ Đỗ Minh Hoàng phân tích và chỉ rõ khuyết điểm của việc dạy ngoại ngữ hiện nay: “Học bất cứ ngôn ngữ nào cũng phải tuân theo trình tự nghe - nói - đọc - viết. Chúng liên hệ theo từng đôi một: nghe được sẽ nói được, đọc được mặt chữ sẽ viết được, đó là phản xạ tự nhiên. Học ngôn ngữ quan trọng nhất là giao tiếp được. Vì thế, môi trường để học sinh giao tiếp là tối quan trọng để phát triển kỹ năng. Học sinh các trường ngoài công lập có yếu tố nước ngoài thường giao tiếp tốt hơn vì họ tạo được môi trường. Thế nhưng, ở hầu hết trường công với sĩ số lớp đông và phân bố tiết dạy 35 - 45 phút không đủ thời gian để các em giao tiếp. Đó là chưa kể năng lực giao tiếp của nhiều giáo viên tính trên bình diện cả nước vẫn chưa thể đáp ứng được nhu cầu thực tế, vì thế cũng chủ yếu dạy ngữ pháp, đọc viết…”. 

Nhóm phóng viên

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI