Học bổng Nguyễn Thị Minh Khai 30 năm tiếp nối những ước mơ

28/09/2020 - 08:33

PNO - Sáng 27/9, Hội LHPN TP.HCM tổ chức hội nghị tổng kết 30 năm chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, chủ đề “Thắp sáng những ước mơ”.

NHỮNG NGƯỜI ĐƯA ĐÒ THẦM LẶNG 

Chương trình bắt đầu lúc 8g, nhưng mới hơn 4g sáng, chị Bùi Thị Hạnh - cán bộ phụ trách các chương trình an sinh xã hội của Hội LHPN H.Cần Giờ - đã lục đục thức dậy, gọi xe ra điểm hẹn và lần lượt đón cho đủ 15 học sinh đi nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai (NTMK). Chị Hạnh làm công việc này bền bỉ suốt 8 năm qua, kể từ khi chị Hường - người phụ trách chương trình trước đó - nghỉ hưu theo chế độ. 

30 năm chương trình học bổng NTMK là ngần ấy chuyến hành trình của các cán bộ Hội đưa học sinh từ huyện đảo Cần Giờ vào nội thành nhận học bổng. Để có danh sách những học sinh khó khăn, học tập khá, giỏi đưa vào chương trình học bổng, các cán bộ Hội phải xác minh từng hoàn cảnh. Chị Hạnh kể: “Tôi nhận nhiệm vụ xác minh các đơn xin học bổng từ năm 2012. Uy tín của chương trình quá lớn nên việc chọn lựa các gương hiếu học, vượt khó để hỗ trợ phải vô cùng cẩn thận. Vì địa bàn huyện quá rộng nên việc xác minh luôn phải kéo dài mấy tháng, vừa đi công tác, vừa kết hợp tìm hiểu hoàn cảnh từng em. Nhiều lần, tôi đã rơi nước mắt khi chứng kiến cảnh trẻ lội sình đến lớp. Có những em khuyết tật nhưng chăm chỉ vượt lên số phận đã làm tim tôi quặn thắt”. 

Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn những nhà sáng lập và đồng hành bền bỉ cùng chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai - ảnh: tam nguyên
Bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM (thứ 3 từ trái sang) tặng hoa cảm ơn những nhà sáng lập và đồng hành bền bỉ cùng chương trình học bổng Nguyễn Thị Minh Khai - ảnh: tam nguyên

Tám năm qua, chị Hạnh đã vào mọi xóm, ấp khắp bảy xã, thị trấn để xem xét từng trường hợp. Đến ngày trao học bổng, ở cấp huyện, chị cùng các cán bộ Hội LHPN huyện lo tổ chức đưa đón. Trong túi chị Hạnh, lúc nào cũng có dầu gió, thuốc chống ói vì nhiều học sinh chưa quen đi ô tô, bị say xe. Nhận học bổng về, chị phải theo nhắc từng em giữ tiền cẩn thận. 

Cùng tham gia mảng công tác này suốt 6 năm qua, chị Trần Ngọc Diễm - cán bộ Hội LHPN Q.7 - tâm sự: “Lá đơn xin học bổng kẹp chung bảng điểm, giấy khen, tóm tắt thành tích tưởng đơn giản, chứ đằng sau đó hầu hết là những hoàn cảnh rất đáng thương”. Chính vì vậy, việc loại học sinh nào khỏi danh sách nhận học bổng NTMK là một việc chẳng đặng đừng, và chị phải tất tả tìm một nguồn học bổng khác để giúp các em không bỏ học. 

Ba mươi năm qua, có hàng trăm cán bộ Hội như chị Hạnh, chị Diễm đã lặng lẽ theo bước chân những học trò nghèo tìm con chữ. Với họ, giới thiệu cho trẻ được nhận một học bổng “ngon” (bên cạnh kinh phí hỗ trợ học tập, còn tặng tập vở, xe đạp, cặp, thẻ bảo hiểm y tế…) là điều đáng tự hào. 

ĐI ĐÂU CŨNG NGHE HỌC BỔNG NGUYỄN THỊ MINH KHAI 

Tại hội nghị tổng kết 30 năm chương trình học bổng NTMK, ban tổ chức đã tri ân những người sáng lập và đồng hành bền bỉ cùng quỹ học bổng mang tên người nữ Bí thư Thành ủy đầu tiên của Sài Gòn - Chợ Lớn và TP.HCM. Học bổng NTMK là sáng kiến của Hội LHPN Q.5, được áp dụng từ năm 1989. Một năm sau đó, Hội LHPN TP.HCM đã phát động thành chương trình học bổng chung trong hệ thống Hội LHPN toàn thành phố. 

Khi bà Lý Kim Mai - nguyên Hội trưởng Hội LHPN Q.5, người đặt tên cho chương trình học bổng - cùng bà Đoàn Lê Hương - Chủ tịch Hội Phụ nữ từ thiện TP.HCM, nguyên Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM những năm đầu 1990 - bước lên sân khấu, nhiều người đã rất xúc động. Bà Đoàn Lê Hương nói: “Ban đầu, chúng tôi nghĩ việc xây dựng học bổng này trước tiên là để giúp cán bộ, hội viên yên tâm hơn về đường học hành của con em mình khi các chị làm công tác Hội. Nhưng rồi, nhờ sự năng động, sáng tạo không ngừng của chị em, quỹ học bổng đã vượt tầm vóc ban đầu của nó. Bây giờ, đi tới đâu cũng nghe học bổng NTMK, từ cấp khu phố, ấp cho đến các xã, phường, quận, huyện, lan ra khắp các tỉnh, thành trong cả nước. Từ vài nhà tài trợ ban đầu, giờ bảng vàng ghi không hết được số nhà 
tài trợ”.

Sau nhiều năm được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, em Đặng Lê Phương Dung - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Sư phạm TP.HCM, ngụ tại thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ - tiếp tục nhận học bổng từ dự án “Nâng bước em đi” của Hội LHPN TP.HCM - Ảnh: Tam Nguyên
Sau nhiều năm được nhận học bổng Nguyễn Thị Minh Khai, em Đặng Lê Phương Dung - sinh viên năm thứ hai Trường đại học Sư phạm TP.HCM, ngụ tại thị trấn Cần Thạnh, H.Cần Giờ - tiếp tục nhận học bổng từ dự án “Nâng bước em đi” của Hội LHPN TP.HCM - Ảnh: Tam Nguyên

Quả vậy, sáng 27/9, đại diện hơn 30 nhà tài trợ, trong đó có những đơn vị, cá nhân đã đồng hành liên tục với quỹ học bổng NTMK, đã cùng về dự sinh nhật lần thứ 30 của chương trình. Bà Cao Thị Ngọc Dung - Chủ tịch Hội Nữ doanh nhân TP.HCM - nói: “Tính nhân đạo, tình yêu thương, sự chăm chút của các cán bộ Hội và tinh thần ham học, cầu tiến, vượt khó của các học sinh đã lay động 
chúng tôi”. 

Bà Nguyễn Thị Hồng Huế - chủ nhà hàng Khải Phương - mới tham gia tài trợ học bổng năm nay nhưng nhận ra tính nhân văn, ý nghĩa của quỹ học bổng này nên đã quyết định đồng hành với chương trình dài lâu hơn. Bà Hồng Huế còn nhận lời tham gia tài trợ kinh phí để Hội LHPN TP.HCM thực hiện dự án “Nâng bước em đi”, xét chọn hỗ trợ 14 học sinh nhận học bổng NTMK có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, thi đậu đại học, với mức hỗ trợ 18 triệu 
đồng/năm. 

Phát biểu tại buổi lễ trao học bổng NTMK lần thứ 30, bà Nguyễn Trần Phượng Trân - Chủ tịch Hội LHPN TP.HCM - cho biết, qua 30 năm, đã có 263.192 lượt học sinh, sinh viên được trao học bổng với tổng số tiền hơn 179,8 tỷ đồng. “Đây là những con số mang thông điệp của tình yêu thương cao đẹp, sự chia sẻ và trách nhiệm xã hội của các đơn vị, cá nhân hảo tâm và sự năng động của các tổ chức Hội, cán bộ Hội ở cơ sở. Bên cạnh công tác vận động học bổng, các cấp Hội đã giới thiệu cho các em có hoàn cảnh khó khăn được học nghề miễn phí. Hội LHPN các cấp còn trợ vốn, vận động xây dựng mái ấm tình thương, nhà tình nghĩa cho các gia đình có con được xét cấp học bổng NTMK, để bảo đảm cho các em tiếp tục việc học, trở thành công dân có ích cho xã hội” - bà Phượng Trân nói. n

“Ba mươi năm qua, chương trình học bổng NTMK được thực hiện bằng tình yêu thương, sự âm thầm, bền bỉ dõi theo và có mặt kịp thời của các cán bộ Hội, của những nhà hảo tâm. Đây là chương trình mang nặng nghĩa tình, bởi người trao tặng không chỉ giúp về mặt tài chính mà còn theo dõi, chia sẻ niềm vui trước sự thành đạt của các học sinh, sinh viên được giúp đỡ. Người nhận học bổng cũng không chỉ nhận kinh phí mà còn nhận cả tình cảm, sự động viên, chia sẻ về tinh thần để vượt qua khó khăn. Đây là động lực mang tính nhân văn rất lớn để các em vượt khó, trưởng thành, trở thành những người có ích và tiếp tục quay lại đóng góp cho chương trình để giúp thế hệ đàn em”. 

Bà Tô Thị Bích Châu - Ủy viên ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TP.HCM

 

“Tôi đặc biệt cảm ơn chương trình học bổng đầy tính nhân văn này. 20 năm trước, nếu các cô ở Hội LHPN Q.Phú Nhuận không biết về hoàn cảnh khó khăn của gia đình và xét duyệt cho tôi được học bổng NTMK, có lẽ tôi đã phải bỏ dở việc học. Vì vậy, để phần nào đáp đền công ơn ấy, từ năm 2017, sau khi đã ổn định công việc và thu nhập, tôi quyết định trích một ít từ tiền lương mỗi tháng của mình để góp cho quỹ học bổng. Số tiền ấy có lẽ không nhiều, nhưng là tấm lòng của tôi chia sẻ cùng các em. Chỉ mong các em nhận học bổng hôm nay có được động lực như tôi năm ấy và vượt lên khó khăn, chạm tới giấc mơ của chính mình”.

Chị Trần Thanh Giàu - nhân viên hành chính Công ty cổ phần Đầu tư Times Square Việt Nam

Nghi Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI