Họa sĩ Vũ Đức Hiếu: “Tôi từng nghĩ, kinh doanh văn hóa ở Việt Nam là điều không tưởng”

29/09/2020 - 21:06

PNO - Họa sĩ Vũ Đức Hiếu, Giám đốc Bảo tàng không gian văn hóa Mường vừa đoạt giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 cho lĩnh vực thúc đẩy di sản văn hóa phi vật thể.

Trong cuộc trao đổi với Báo Phụ nữ TP.HCM về bảo tàng tư nhân, về kinh doanh văn hóa, Vũ Đức Hiếu nói đã có những lúc anh nghĩ rằng, “kinh doanh văn hóa ở Việt Nam là điều không tưởng”. 

Giải thưởng Jeonju mở ra nhằm khuyến khích, thúc đẩy các hoạt động quảng bá, giữ gìn và bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể trên toàn thế giới. Ban tổ chức giải thưởng này cho rằng, hoạt động của Bảo tàng không gian văn hóa Mường (KGVHM) được coi là hoạt động kiểu mẫu cho việc bảo tồn văn hóa các dân tộc thiểu số, nhằm hỗ trợ các nhóm dân tộc thiểu số khẳng định bản sắc văn hóa của họ, thiết lập một sự đa dạng văn hóa hài hòa của mỗi quốc gia. 

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu vừa đoạt giải thưởng quốc tế  Jeonju International Awards 2020 cho lĩnh vực  thúc đẩy di sản văn hóa phi vật thể
Họa sĩ Vũ Đức Hiếu vừa đoạt giải thưởng quốc tế Jeonju International Awards 2020 cho lĩnh vực thúc đẩy di sản văn hóa phi vật thể

Phóng viên: Nhớ những ngày đầu, nhiều người bảo anh bị điên khi bỏ phố về rừng, lại dày công sưu tập những hiện vật của người Mường

Họa sĩ Vũ Đức Hiếu: Hồi đó, gia đình sốt ruột lắm; trong khi, mình cứ lúi húi ở Hòa Bình mà chẳng thấy có hiệu quả gì. Không biết công việc, đam mê của mình có mang lại cái gì không; khó khăn về kinh tế, tài chính cũng làm tôi suy nghĩ. Đôi khi, tôi nghiệm thấy, kinh doanh văn hóa ở Việt Nam là điều không tưởng. Cứ vậy, chục năm trôi qua, gia đình dần hiểu và cảm thông, ủng hộ. Nếu không có sự đồng hành thấu hiểu này, có lẽ tôi đã không đủ sức đi tiếp. 

* Bảo tàng KGVHM là một trong những bảo tàng tư nhân đầu tiên được công nhận, hoạt động cũng rất hiệu quả. Tới hiện tại, trên cả nước, bảo tàng tư nhân đã tăng lên con số 30, như vậy được xem là phát triển không, thưa anh?

- Từ khi tôi thành lập và làm giám đốc bảo tàng tư nhân KGVHM thì Luật Di sản văn hóa hầu như chưa có, hoặc chưa rõ ràng về loại hình bảo tàng này. Vì thế, việc hiểu để thiết lập luật bảo tàng tư nhân trở nên cần thiết và phải chi tiết cụ thể hơn nữa, sát với thực tế hơn nữa. Nếu trước kia, nói tới bảo tàng, người ta hiểu về bảo tàng nhà nước, được tài trợ, được bao cấp, được trả lương, được “nuôi” 100%; còn công chúng thì hiểu, cứ tới bảo tàng là được miễn phí. Ngược lại, bảo tàng tư nhân chúng tôi phải tự lo 100%.

Năm 2011, khi tham gia cuộc họp về sửa đổi Luật Di sản văn hóa, tôi cũng có tham gia ý kiến xây dựng, góp ý làm sao để bảo tàng tư nhân hoạt động được tốt hơn thì không thể có cách thức giống bảo tàng công lập được. Tôi đã có 5 năm miễn phí ở bảo tàng của mình, và tôi hiểu ý thức của khách tham quan khi được miễn phí như thế nào.

* Xin hỏi, hoạt động bảo tàng tư nhân ở ta đang có những khó khăn gì? 

- Bảo tàng tư nhân nói riêng và bảo tàng nói chung, thực ra là một sản phẩm đặc biệt phục vụ cho nhu cầu tìm hiểu văn hóa của cộng đồng. Ở nước ngoài, các bảo tàng tư nhân luôn được sự hỗ trợ của Nhà nước và các tổ chức, được miễn thuế, chính sách ưu đãi tốt, có sự liên kết từ các thành phần trong xã hội như các em thiếu nhi, học sinh, sinh viên… tới nghiên cứu, tìm hiểu như một điều không thể thiếu trong quá trình trưởng thành, thì ở ta, hầu hết chưa được chuyên nghiệp như vậy. 

Tôi nghĩ, chúng ta phải ngưng kiểu trưng bày hiện vật theo kiểu “chết”, mà làm sao, mỗi hiện vật ở đó đều có một câu chuyện, một thông điệp nào đó. Có thể nhờ hướng dẫn viên, hoặc sử dụng công nghệ hiện đại để tới hiện vật nào, góc không gian nào, ta cũng có thể đắm chìm vào những tinh hoa văn hóa, hiểu được giá trị văn hóa của chúng. Tôi luôn ý thức mình phải thay đổi, áp dụng những thành tựu của khoa học công nghệ và nghệ thuật trưng bày cho Bảo tàng KGVHM. Có lẽ điều đó sẽ làm cho công chúng cảm thấy hấp dẫn hơn chăng?

Một góc Bảo tàng không gian văn hóa Mường do họa sĩ  Vũ Đức Hiếu sáng lập
Một góc Bảo tàng không gian văn hóa Mường do họa sĩ Vũ Đức Hiếu sáng lập

* Khi quyết định phát động chiến dịch gây quỹ cộng đồng nhằm phục dựng lại nhà Lang bị hỏa hoạn vào năm 2013, hẳn là anh đã suy nghĩ rất nhiều mới quyết định làm như vậy?

- Khi bảo tàng được lập ra, tôi đã xác định, nó không còn là của riêng tôi, mà là của cộng đồng. Vì thế, thái độ ứng xử với bảo tàng, với di sản, thực ra là điều đáng nói, bởi nó còn tệ hại hơn việc cháy nhà. Sau khi nhà Lang bị cháy, chúng tôi đã thực hiện chương trình “Ký ức nhà Lang” sử dụng chính các hiện vật còn sót lại của nhà Lang đã cháy. 

Chúng tôi quyết định kêu gọi sự giúp đỡ, ủng hộ, thấu hiểu của cộng đồng, với ý nghĩa: di sản văn hóa này của người Mường không còn phụ thuộc vào một mình tôi, mà phụ thuộc cả vào các quý vị, những người yêu nền văn hóa Mường, văn hóa dân tộc. Tôi trao cho quý vị cả những trách nhiệm lưu giữ bảo tồn, thay vì tôi làm việc đơn độc một mình. Tôi muốn có thêm những cánh tay giúp sức. Chính vì vậy, cuộc góp sức của 50 họa sĩ thuộc nhiều thế hệ ủng hộ tác phẩm để bán đấu giá vì nhà Lang đã làm tôi cảm động.

Những hy vọng, đợi chờ, kiên nhẫn và phải tự dặn mình hãy có niềm tin, có lẽ tất cả những điều đó giúp tôi vực lại Bảo tàng KGVHM, giúp nó được hồi sinh, chứ không thể để những giá trị đó bị tàn lụi và biến mất. Không hiểu nếu không có sự giúp sức của anh em, bạn bè và cộng đồng, thì tới bao giờ tôi mới phục hồi lại được bảo tàng nữa. Chính vì thế, tôi là người nợ anh chị em những ân tình ấy, chứ không phải bảo tàng nợ, mà là tôi.

* Từ trải nghiệm của mình, anh có thể chia sẻ đôi chút với những người đang điều hành một bảo tàng tư nhân giống anh?

- Làm sao để Nhà nước và các tổ chức, cá nhân quan tâm hơn tới các giá trị văn hóa và các không gian văn hóa phi vật thể đang dần mất đi thế này, đó là điều tôi ước ao. Bảo tàng đúng là duyên nợ của tôi, chúng ta đang làm một điều mang tính chia sẻ với cộng đồng nhiều hơn, thế nên khi nào nản, muốn bỏ, thì hãy nghĩ và nhìn vào cả một quá trình chứ đừng nhìn vào kết quả. Nó chẳng thể nào một sớm một chiều được. Bạn hỏi tôi về việc làm gốm, phải nói thẳng, tôi làm gốm là để nuôi cái bảo tàng này đấy! Hãy tin và kiên nhẫn. 

Codet Hà Nội (thực hiện)

 

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI