Hòa nhạc: Sự trở lại nhiều cảm xúc

26/03/2022 - 06:55

PNO - Sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, đến nay, hòa nhạc đã trở lại với khán giả thành phố trong một diện mạo tươi trẻ, cảm xúc hơn, vừa quen thuộc nhưng cũng vừa mới mẻ.

Trở lại trong sự xúc động

So với những loại hình nghệ thuật khác, hòa nhạc cổ điển tại TPHCM có màn nhập cuộc chậm hơn, tính từ khi dịch bệnh được kiểm soát và thành phố trở lại cuộc sống bình thường mới. Việc đi sau của hình thức hòa nhạc cổ điển phụ thuộc vào nhiều lý do từ khách quan đến chủ quan. Có thể kể đến một số đặc thù như biên chế dàn nhạc lớn, số lượng nghệ sĩ nhiều, nên sức khỏe mọi người không đảm bảo, chỉ cần một người mắc COVID-19, toàn bộ dàn nhạc phải cách ly, dời thời gian luyện tập. Ngoài ra, khi tình hình dịch bệnh vừa mới được kiểm soát, tâm lý khán giả còn e ngại đến nơi đông người, chưa sẵn sàng tham gia các buổi biểu diễn trực tiếp, nên cho đến nay hòa nhạc mới bắt đầu trở lại.

Từ đầu tháng Ba, các sân khấu nhạc cổ điển sôi động hơn với nhiều lịch diễn. Dàn nhạc Giao hưởng nhạc vũ kịch TPHCM (HBSO) vừa tổ chức chương trình nghệ thuật Hòa nhạc mùa xuân, mở màn cho mùa diễn 2022 của nhà hát. Chương trình được nhạc trưởng Trần Nhật Minh dàn dựng và trực tiếp chỉ huy đêm nhạc, với sự tham gia của dàn nhạc giao hưởng và dàn hợp xướng HBSO cùng các ca sĩ Phạm Khánh Ngọc, Phạm Duyên Huyền, Phạm Trang, Đào Mác, Võ Nguyễn Thành Tâm, Nguyễn Thu Hường, Phan Hữu Trung Kiệt. Vì tái xuất sau thời gian dài nghỉ dịch, với những mệt mỏi, lo toan, những tổn thương cần được chữa lành, nhạc trưởng Trần Nhật Minh chú trọng lựa chọn những ca khúc lan tỏa sự lạc quan, yêu đời, niềm hy vọng vào tương lai.

Thế Huy trong đêm nhạc cá nhân The Recital: Thế Huy, Tenor
Thế Huy trong đêm nhạc cá nhân The Recital: Thế Huy, Tenor

Cùng chung ý tưởng với đêm nhạc của HBSO, ca sĩ opera Thế Huy cũng lựa chọn những ca khúc thể hiện sự hân hoan, hứng khởi, tình yêu thương… cho hai đêm nhạc cá nhân mang tên The Recital: Thế Huy, Tenor. Đây là lần đầu tiên, ca sĩ Thế Huy xuất hiện trước công chúng bằng một chương trình dành riêng cho mình. Xúc động với sự chào đón của khán giả, chàng trai 9X hiểu rằng con đường anh đi là đúng hướng, và nỗi nhớ sân khấu trong anh phần nào được khỏa lấp.

Trong tháng Ba vừa qua, nhạc sĩ Dương Thụ tổ chức đêm nhạc thính phòng Sớm nay mùa xuân với sự tham gia của nhiều nghệ sĩ trẻ, trong đó có ca sĩ Trần Nguyễn Minh Đức là khách mời quan trọng của chương trình. Nhạc sĩ Dương Thụ chia đêm nhạc làm ba chủ đề, vừa có một số ca khúc nhạc Việt như Quảng Bình quê ta ơi, Huế tình yêu của tôi, Quê nghèo, nhớ vào quê em... vừa có những sáng tác kinh điển của thế giới được thể hiện. Trong đó, có hai ca khúc được nhạc sĩ Dương Thụ viết lời Việt gồm Sớm nay mùa xuân (nhạc Alexander Borodin) và Khúc nhạc buồn (Frédéric Chopin).

Liên tục các đêm nhạc cổ điển, hòa nhạc thính phòng được diễn ra trên địa bàn thành phố, tạo sự hứng khởi không chỉ cho nghệ sĩ, mà còn với khán giả, họ cảm nhận được nhịp sống thường nhật đã trở lại. 

Hòa nhạc tìm đường 

Khi Nhà hát Thành phố sáng đèn, đồng nghĩa với việc các nghệ sĩ đã được trở lại làm việc, khán giả cũng có thể tìm đến địa chỉ quen thuộc để thưởng thức âm nhạc. Tuy nhiên, tại TPHCM hiện nay, không chỉ Nhà hát Thành phố, mà ở nhiều tụ điểm âm nhạc khác, âm thanh của opera hay thính phòng cổ điển đã vang lên trong sự gần gũi với khán giả.

Hai đêm nhạc của ca sĩ opera Thế Huy được thực hiện trong không gian làm việc của Toong. Đây là văn phòng làm việc được xây dựng theo hướng hiện đại kết hợp với kiến trúc nghệ thuật nên có thể kiêm nhiệm nhiều vai trò. Khi Thế Huy hát tại không gian này, nam ca sĩ không cần đến micro, bởi khoảng cách từ anh đến khán giả rất gần, có thể nghe rõ tiếng anh hát, thậm chí cả hơi thở dài, ngắn. Trong không gian nhỏ, sự tương tác giữa ca sĩ và khán giả rất lớn, người hát có thể nhìn thấy khán giả, cảm nhận cảm xúc của người nghe, và thậm chí mời họ lên cùng tương tác. 

“Tôi tổ chức đêm nhạc tại không gian nhỏ, khác xa tưởng tượng của mọi người về một sân khấu dành cho nhạc thính phòng phải hoành tráng, lộng lẫy. Bằng sự chọn lựa này, tôi muốn đưa âm nhạc cổ điển - thứ nhạc mà mọi người vẫn thường bảo khá kén tai với khán giả trong nước - lại gần với họ, mở ra những trải nghiệm âm nhạc mới mẻ hơn, gần gũi hơn”, Thế Huy cho biết.

Ca sĩ Trần Nguyễn Minh Đức trong đêm nhạc thính phòng Sớm nay mùa xuân
Ca sĩ Trần Nguyễn Minh Đức trong đêm nhạc thính phòng Sớm nay mùa xuân

Trong đêm nhạc, Thế Huy và người thầy của mình - giáo sư - nhà nghiên cứu Trần Như Vĩnh Lạc - không chỉ phục vụ âm nhạc, mà còn kể nhiều câu chuyện dí dỏm xung quanh việc học nhạc, trình diễn tác phẩm ra sao để opera không quá cứng nhắc, khuôn mẫu và xa lạ. Sự thân thuộc, gần gũi này cũng diễn ra tương tự ở đêm nhạc do nhạc sĩ Dương Thụ chủ trì. Đó là không gian quán cà phê ấm cúng, nơi mà nhạc sĩ Dương Thụ vẫn thường tổ chức những buổi gặp gỡ nghệ thuật nhiều năm qua - salon Văn hóa Cà phê Thứ Bảy. Khán giả đến đây hoàn toàn không mất phí, họ chỉ cần trả tiền cho món nước mình dùng để ban tổ chức có kinh phí duy trì hoạt động.

Không hoàn toàn giống nhau về quan điểm thẩm mỹ, cách thức tổ chức chương trình, nhưng nhạc sĩ Dương Thụ và anh Đỗ Sơn Dương - người sáng lập Toong - đều có chung mục đích muốn giới thiệu những gương mặt nghệ sĩ, những chủ đề văn hóa, câu chuyện xã hội đến mọi người, đặc biệt là giới trẻ, nhằm nâng cao nhận thức, khả năng cảm thụ nghệ thuật.  

“Với đêm nhạc của Thế Huy, chúng tôi muốn cùng Huy đưa âm nhạc cổ điển gần hơn với khán giả, cho người nghe trải nghiệm mới mẻ. Nếu một đêm nhạc thính phòng phải mua vé, đến nhà hát thưởng thức, tôi e với những khán giả chưa tiếp xúc với nhạc cổ điển họ sẽ ngại đi. Chi bằng, chúng ta làm sao để đưa âm nhạc hàn lâm theo hướng nhẹ nhàng, bớt cầu kỳ nhưng vẫn giữ đúng tinh thần đến với người nghe trong không gian cởi mở, quen thuộc với chính họ. Hướng đi này tôi nghĩ sẽ dễ dàng kết nối khán giả, tạo cho họ niềm cảm hứng với nhạc cổ điển”, anh Đỗ Sơn Dương chia sẻ. 

Diễm Mi

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI