Học nhạc chính quy: Càng lên cao, càng rơi rụng

31/10/2013 - 18:01

PNO - PN - Sạch sẽ, nhẹ nhàng, sang trọng, được nhiều người ngưỡng mộ… là những đặc điểm của người hoạt động trong ngành âm nhạc. Đó cũng là lý do khiến nhiều bậc phụ huynh quyết tâm hướng con đi học nhạc....

edf40wrjww2tblPage:Content

Học nhạc chinh quy: Cang len cao, cang roi rung

Ngoài năng khiếu, người học nhạc còn phải có niềm đam mê, sự khổ luyện - Ảnh: Phùng Huy

 Nửa đường đứt gánh

Vợ chồng anh Nguyễn Xuân chỉ có một đứa con gái. Khi cháu lên sáu tuổi, anh chị cho con tiếp xúc với đàn piano và cháu tỏ ra rất có năng khiếu. Lúc con gái được bảy tuổi, vợ chồng anh quyết định cho cháu thi vào hệ trung cấp chuyên ngành piano của Nhạc viện TP.HCM, chương trình kéo dài 11 năm. Dù đỗ điểm cao nhưng hơn một năm theo học thì cháu bắt đầu nản, không muốn học tiếp. Tiếc tiền và công sức, anh chị đã động viên con tiếp tục học. Sợ bố mẹ buồn nên cháu bé cũng cố gắng. Thế nhưng, bước sang năm thứ tám thì cô bé kiên quyết bỏ, bất chấp sự ngọt nhạt của bố mẹ.

Nói về những chi phí cho con theo học âm nhạc, anh Xuân kể: riêng mua cây đàn khoảng 3.000 USD, chi phí hai năm học trước khi thi vào nhạc viện cũng khá nhiều. Vào nhạc viện rồi thì học phí không đáng kể nhưng công sức đưa đón, chờ đợi con học trong tám năm trời thì không thể tính được bằng tiền. Ban ngày, con học văn hóa ở trường phổ thông, chiều tối anh chị thay nhau chở con đến học ở nhạc viện. Do đặc thù của việc dạy và học (một thầy-một trò) nên giờ giấc thường xuyên bị thay đổi, có khi phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới đến lượt vào học.

Tương tự, bé Su con chị Việt Nam và bé Bảo con chị Thanh Mai cũng bỏ dở sau nhiều năm theo nghiệp đàn, ca. Su vào học chuyên ngành piano - Nhạc viện TP.HCM từ năm lớp 2 và hết lớp 9 thì nghỉ. Còn bé Bảo thì sau hai năm vào học chuyên ngành thanh nhạc, cũng vừa bỏ cuộc. Bảo kể, trong nhóm của em còn có ba em khác học các ngành piano, violon và thanh nhạc cũng bỏ cuộc.

Anh Nguyễn Xuân tâm sự: “Ngày đó, thấy con gái tiếp thu tốt và tỏ ra có khiếu, vợ tôi lại mong muốn con mình sau này có một nghề nhàn hạ nên đã chọn cho con học piano chuyên nghiệp”. Còn chị Thanh Mai kể: “Con bé thích học đàn nên tôi cho học. Sau đó, cô giáo dạy đàn lại bảo cho cháu học thêm một lớp ký xướng âm. Thấy cháu học tốt, nên tôi cho cháu thi vào Khoa Thanh nhạc của nhạc viện”.

Nhiều phụ huynh đã cho con theo học các chuyên ngành âm nhạc vì hy vọng, tin tưởng và… ảo tưởng về tài năng của con mình. Số khác lại ép con thực hiện ước mơ “một thời dang dở” của mình. Nhưng, học nhạc không hề đơn giản như người ta tưởng. Anh Xuân cho biết: vào học năm thứ nhất con gái anh học hành rất thích thú, học đến đâu tiếp thu đến đấy. Nhưng càng về sau, các bài tập ngày càng khó thì học đàn trở thành... ác mộng.

Trong khi cha mẹ nuối tiếc vì con em bỏ dở con đường nghệ thuật thì những đứa trẻ cảm thấy nhẹ nhàng, như trút được gánh nặng. “Cứ luyện thanh hoài, em thấy vất vả quá”, bé Bảo cho biết. Còn với bé Su, sau bảy năm theo học, thời gian học văn hóa quá nhiều, không có thời gian cho việc luyện đàn. Đến năm lớp 9, năm cao điểm của luyện thi vào lớp 10 nên Su nghỉ học đàn để dồn sức cho việc học.

Cần đam mê và khổ luyện

TS Văn Thị Minh Hương - Giám đốc Nhạc viện TP.HCM - phân tích: học nhạc tưởng dễ nhưng không hề, nhất là các chuyên ngành có thời gian đào tạo kéo dài như violon (chín năm cho hệ trung cấp), piano (11 năm cho hệ trung cấp) và thời gian học có thể kéo 14-15 năm hoặc hơn thế nữa (nếu học lên ĐH và sau ĐH). Trong suốt từng ấy năm, học trò chỉ tiếp xúc với một ông thầy, chương trình thì ngày càng khó... Đó là lý do chính khiến học trò bị rơi rụng.

Những lý do khác có thể kể đến là các em vừa học nhạc, vừa học văn hóa, trong khi các em học thêm các môn văn hóa quá nhiều, không còn đủ thời gian cho việc tập đàn; cũng không loại trừ các em bị tác động xấu về mặt tâm lý. Mức độ rơi rụng tùy ngành, tùy năm, nhưng riêng ngành piano hệ trung cấp, những năm qua, là rất cao. Mỗi năm nhạc viện tuyển khoảng 60 em thì đầu ra (sau 11 năm) chỉ còn khoảng 20 em. “Học đàn thì mỗi ngày cần phải có ít nhất hai giờ tập luyện, nhưng nhiều em đã không đảm bảo đủ thời gian tập tối thiểu này” - bà Hương nói.

Để đi đến thành công, theo TS Văn Thị Minh Hương, ngoài năng khiếu (nhất định phải có) người học còn phải thật sự yêu thích, có thể chất phù hợp (ví dụ răng sún thì không thể học thanh nhạc, bàn tay quá ngắn thì khó có thể chơi piano) và quan trọng hơn cả là sự khổ luyện. Ngoài ra, các em cũng cần có được người thầy phù hợp, có khả năng truyền lửa đam mê, trong khi chuyện này thì… hên xui, dù trên nguyên tắc có thể xin đổi thầy. Các em cũng cần được giữ và phải giữ cho mình một trạng thái tâm lý ổn định lâu dài. Những biến động xấu trong quan hệ gia đình cũng như tác động xấu từ bạn bè rất dễ làm các em thay đổi.

Thực tế, không ít em từ nhỏ tỏ ra rất có năng khiếu âm nhạc nhưng sau đó thì bình thường. Bởi thế phụ huynh chỉ nên tạo điều kiện, động viên và khuyến khích trẻ chứ đừng ép khi trẻ không thích.

Bà Minh Hương khuyên: trước khi quyết định cho con theo học chính quy - chuyên nghiệp, phụ huynh nên cho các cháu vào học tại các trung tâm âm nhạc, các nhà văn hóa một thời gian. Nếu trẻ thực sự có năng khiếu (thầy dạy các cháu sẽ giúp xác định), thích thú và đam mê thì hãy cho cháu theo con đường chính quy - chuyên nghiệp. Nếu phụ huynh và bản thân các em xem học nhạc chỉ là để cuộc sống thêm ý nghĩa, để giảm stress, giúp cân bằng trạng thái, để hoàn thiện bản thân… thì không nhất thiết theo học hệ chính quy.

 Minh Nhật

Ý KIẾN BẠN ĐỌC(1)
  • Trịnh Cẩm Hồng 20-11-2024 11:06:11

    Mình đã đọc toàn bài viết này, nhận thấy tác giả phân tích thiếu một khía cạnh rất quan trọng là thảm họa của những lớp học đàn 1 kèm 1 trong chương trình chính quy. Mình từng trải qua những lớp như vậy và chỉ có 1 cảm nhận duy nhất là giảng viên Nhạc viện rất giỏi kiến thức âm nhạc và kỹ năng nhưng thiếu trình độ văn hóa, khiếm ngôn, khi dạy học thì phát ra những ngôn từ rất xúc phạm hành hạ sức khỏe tinh thần người học và đụng chạm đến phụ huynh... Không ít giảng viên thấy học viên có tiềm năng giỏi hơn mình thì sinh ra lòng đố kỵ, giấu nghề, cô lập học sinh ra khỏi nhóm bạn "đồng môn". Đó là chưa kể nạn giảng viên đi trễ về sớm, dạy học Nhạc viện mà trong tâm cứ nghĩ đến show bọng và các giảng đường đại học tư thục (Văn Lang, Nguyễn Tất Thành, Văn Hiến,...) để được trả lương cao hơn... Thật kinh tởm khi nhắc đến những lớp học 1 kèm 1 như thế.

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI