Hiệu trưởng phải quản được giáo viên

27/04/2023 - 06:26

PNO - Liên quan đến hoạt động dạy thêm, học thêm, phóng viên Báo Phụ nữ TPHCM phỏng vấn ông Nguyễn Công Sở - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Văn Thiêm (quận Long Biên, TP Hà Nội) - về nguyên nhân, thực trạng, giải pháp.

Phóng viên: Nhiều người cho rằng, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan ở các thành phố lớn hiện nay là do chương trình quá tải. Ông nghĩ sao về nhận định này?

Ông Nguyễn Công Sở: Chương trình giáo dục hiện hành kể cả có đổi mới, tinh gọn thì cũng chỉ là gọt giũa lại cho phù hợp với xu thế mới nhưng vẫn nhiều, vẫn quá tải so với thời lượng trên lớp. Tôi lấy ví dụ, hiện nay, 3 môn cơ bản là văn, toán và ngoại ngữ chỉ có 3,5 tiết/tuần, gần như không giải quyết được yêu cầu của chương trình.

Chương trình quá tải được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan - Ảnh: Đại Minh
Chương trình quá tải được cho là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan - Ảnh: Đại Minh

Ở khu vực trung tâm, khi học sinh có chất lượng đầu vào cao thì áp lực có thể không lớn nhưng đa số (quá nửa số học sinh toàn quốc) sẽ chịu áp lực lớn. Đó là tôi chưa nói đến yếu tố vùng miền khiến học sinh tiếp thu chậm so với yêu cầu của chương trình mới và giáo viên cũng cần chuẩn bị, ít nhất một vài năm mới làm quen được chương trình mới. Độ khó chuyên môn, việc tập huấn chưa nhuần nhuyễn khiến giáo viên chưa được chuẩn bị tốt. Cộng với thực trạng học sinh như trên thì khối lượng kiến thức như thế này là quá tải.

Chương trình quá tải cũng là nguyên nhân phát sinh tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan, nhất là ở các thành phố lớn.

* Liệu có cách nào giảm tải chương trình để học sinh không cần đi học thêm sau khi đã học 2 buổi/ngày ở lớp?  

- Phải thừa nhận rằng học sinh không học tốt được tất cả các môn, tức là khó có thể giỏi cả văn, toán lẫn ngoại ngữ và sau đó giỏi cả lý, hóa, sinh, sử, địa. Chương trình cũng nặng nên nhiều phụ huynh mong con mình được đầu tư nhiều hơn cho việc học hành và thực tế cũng có những phụ huynh muốn tìm thầy tốt để bồi dưỡng thêm cho con mình. Việc dạy thêm nếu xuất phát từ nguyện vọng chính đáng thì không xấu nhưng xấu là nó bị biến tướng. Các nhà trường cũng không kiểm soát chặt, để xảy ra tình trạng giáo viên chèo kéo học sinh.

Bộ GD-ĐT từng nói chương trình mới có giảm tải nhưng thực chất là giảm không nhiều. Trong quá trình triển khai, Bộ GD-ĐT cũng hướng dẫn các trường đưa ra bộ khung kiến thức cơ bản chứ không bắt giáo viên dạy hết. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT cũng nói sách giáo khoa chỉ là giáo trình cơ bản và giáo viên có thể chủ động trong nguồn học liệu. Tuy nhiên, giáo viên dạy gì thì cũng phải đảm bảo học sinh đạt được những kiến thức cơ bản trong khung chương trình. 

Tôi nghĩ, tùy từng trường và tùy từng học sinh mà giáo viên chủ động trong việc dạy cái gì cho các nhóm đối tượng học sinh mà mình phân loại.

* Vậy theo ông, giải pháp nào là căn cơ để xóa bỏ tình trạng dạy thêm, học thêm ngoài ý muốn của học sinh?

- Dạy thêm để đáp ứng nhu cầu của người học cũng cần phải được nhà trường quản lý. Không ai khác, chính hiệu trưởng phải quản lý được “quân” của mình và phải nghiêm khắc chấn chỉnh chứ không thể để giáo viên dạy thêm chính học trò trên lớp của mình mà hiệu trưởng không biết. Phụ huynh học sinh than phiền thì hiệu trưởng phải nắm được và nếu “quân” sai thì người đứng đầu nhà trường phải chịu trách nhiệm chứ không thể cho qua.

Ngoài ra, các sở GD-ĐT cũng không thể đứng ngoài. Tức là cơ quan quản lý phải có những chế tài xử phạt nghiêm khắc vấn nạn này, đưa nó trở thành nội dung quan trọng trong những buổi sinh hoạt với cấp cán bộ quản lý.

Kế đến là các thầy cô cũng phải trau dồi đạo đức nghề nghiệp. Ngành giáo dục đã có cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”, nên việc giáo viên cứ “đè” học sinh ra dạy thêm là không thể chấp nhận được.

Phụ huynh cũng phải hiểu, phải thay đổi quan điểm. Không phải con em mình cứ giỏi toán, văn, ngoại ngữ hay có chứng chỉ IELTS thì mới thành tài. Chính cha mẹ phải lắng nghe sức học, việc học của con mình để định hướng, để đầu tư phù hợp. Nhiều phụ huynh cứ thấy giáo viên mở lớp dạy thêm gì là cho con học. Phụ huynh phải có quan điểm riêng, phải có bản lĩnh để biết từ chối. Nếu không, chính mình dồn áp lực lên con em mình chứ không phải ai khác.

* Trung Quốc đã ra quy định cấm dạy thêm vì lợi nhuận để giảm bớt áp lực cho trẻ em và phụ huynh. Theo ông, chúng ta nên ứng xử với dạy thêm học thêm như thế nào cho phù hợp?

- Về việc dạy thêm, học thêm, tôi cho rằng không nên cấm và cũng không bao giờ cấm được bởi nếu có cấm thì giáo viên cũng có cách “lách” được để dạy. Có cung ắt có cầu.

Tôi xin nhắc lại, dạy thêm không xấu, cái xấu là vấn nạn tiêu cực đi theo nó. Chúng ta đừng nên có quan điểm không quản được thì cấm mà phải tìm cách để quản. Rõ ràng, nhiều phụ huynh cũng mong muốn tìm thầy cô giỏi dạy cho con mình. Thậm chí, nhiều học sinh “đuối”, nhà trường còn dạy miễn phí để nâng cao kiến thức cho. Giáo viên, phụ huynh và học sinh phải có tiếng nói chung, họ phải cùng thấy dạy thêm là nguyện vọng, là thiết thực với con em và đặt quyền lợi của học sinh lên trên.

Một xã hội học tập thì không cấm được chuyện học thêm. Học thêm cũng tốt nếu không có tiêu cực đi kèm.

* Xin cảm ơn ông. 

Hồng Ân (thực hiện)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI