Hiệu quả dạy học trực tuyến: Trông chờ ở người thầy

13/01/2022 - 06:23

PNO - Nếu biết tận dụng các kỹ thuật dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai nghiêm túc thì việc dạy học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn rất nhiều.

Nhiều nơi trọn vẹn học kỳ I năm học 2021 - 2022 là dạy học và thi học kỳ trực tuyến. Trong khi hầu hết giáo viên, phụ huynh, học sinh xem dạy học trực tuyến là giải pháp tình thế, các chuyên gia giáo dục lại cho rằng đây không phải là giải pháp tạm thời, mà chính là xu thế toàn cầu, kể cả khi không có đại dịch COVID-19.

Phát huy ưu điểm thay vì phủ nhận

Năm học trước, khi dịch COVID-19 bùng phát khiến nhiều địa phương phải chuyển sang dạy học trực tuyến, thầy C.H. (tỉnh An Giang) đã rất “phản đối”. Thế nhưng, sau một thời gian chuyển từ bị động tiếp nhận sang chủ động đón nhận, thầy H. lại thấy và đang phát huy những ưu điểm của hình thức dạy học này. Sau thời gian thầy và trò đồng hành trên các lớp học trực tuyến, thầy H. nhận thấy học sinh (HS) nào học tập nghiêm túc, chăm chỉ thì kết quả vẫn rất khả quan. HS nào lười, học đối phó và thường xuyên lấy lý do lỗi công nghệ thì kết quả ngược lại.

Học sinh ở nhiều địa phương đã trải qua trọn vẹn một học kỳ học và thi trực tuyến - ẢNH MINH HỌA
Học sinh ở nhiều địa phương đã trải qua trọn vẹn một học kỳ học và thi trực tuyến - ẢNH MINH HỌA

Chủ động đón nhận công nghệ, sử dụng công nghệ phục vụ các lớp học online nhiều năm nay, “cô giáo toàn cầu” Hà Ánh Phượng tìm cách phát huy hình thức học này. Cô từng gặp phải các vấn đề về đường truyền, thiết bị học tập, an toàn trên không gian mạng. Cô cũng thấy rõ HS bị ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần. Song, dạy học trực tuyến lại giúp cô có thể thiết kế được những bài giảng sinh động, thu hút sự tương tác của HS hơn trên lớp học truyền thống.

Cô Phượng cho biết, với môn ngoại ngữ, phần ngữ pháp luôn khiến HS thấy nhàm chán, khó khăn. Vì thế, cô thường kết nối với một lớp học tại trường học khác để HS hai lớp thi đấu dưới hình thức trò chơi. Cô và một số giáo viên (GV) ngoại ngữ khác đã nghĩ ra cách này, bởi các cô biết HS nào cũng có tâm lý muốn giành chiến thắng cho lớp mình. Chính vì nắm bắt được tâm lý đó, cũng như xây dựng được một tiết học sinh động nên HS của các cô luôn chăm chú nghe giảng từ đầu và ghi chép đầy đủ.

Là người Mường, dạy học ở một huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, song cô Phượng đã “lợi dụng” công nghệ cũng như hình thức học trực tuyến để giúp HS phát triển những năng lực, kỹ năng cần thiết của một công dân trong thời đại số như kỹ năng giải quyết vấn đề, tư duy phản biện, khả năng sử dụng công nghệ… Nếu rất nhiều GV than họ bị rối trong việc quản lý lớp học online, thì với cô Phượng - chính nhờ học trực tuyến mà việc theo dõi tiến độ, kiểm tra, đánh giá HS trở nên dễ dàng, thuận lợi hơn rất nhiều. Như ở lớp học trực tiếp, cô khó có thể bao quát hết được việc HS đang viết đến đâu, và cũng không thể sửa bài cho từng HS. Thế nhưng, khi học trực tuyến, trên cùng một giao diện (padlet, whiteboard.fi, livesheet, hệ thống Office online…), cô có thể thấy tiến độ viết cũng như nội dung - quan điểm của từng HS; đồng thời có thể nhắc nhở, hoặc giúp HS chỉnh sửa trực tiếp…

Anh Phạm Văn Long (phụ huynh HS) cho biết, không riêng môn tiếng Anh, mà với nhiều môn khác, các con của anh cũng được cô giáo thiết kế các trò chơi riêng. Bọn trẻ rất hào hứng và học tập hiệu quả. Theo anh, cần có sự kết hợp giữa dạy học trực tuyến và dạy học trực tiếp để mỗi hình thức đều có thể phát huy tối đa ưu điểm.

Hiệu quả tùy thuộc vào giáo viên

Mười mấy năm công tác trong ngành giáo dục, chị T.H. (TP.Hà Nội) chứng kiến từng tác động từ lớn đến nhỏ mà COVID-19 gây ra. Là phụ huynh của hai đứa con lớp Sáu và lớp Ba, từ đầu năm học, chị đã luôn sát sao đồng hành cùng con trong các tiết học online. Nghĩ việc học của các con đã vào nền nếp nên gần đây chị để hai con tự học. Nhưng vừa rồi, ngay sau khi kết thúc thi học kỳ I, chị H. đột xuất kiểm tra bài vở thì tá hỏa: cả hai con đều không chép bài trong suốt một tháng qua. Mắng con, bắt các con chép phạt, rồi chị lại nghĩ đến các thầy cô ở trường mình công tác cũng như thầy cô đang dạy con mình. Chị thoáng buồn vì đa số thầy cô dạy trên lớp như thế nào thì “bê” nguyên vào lớp học trực tuyến như thế. Nhiều thầy cô còn “tận dụng” cả các bài giảng trên một trang web: GV đăng nội dung lên lớp học online để HS nhìn thấy, những nội dung nào có sẵn trong cái “kho” miễn phí trên mạng kia rồi, thì GV chỉ cần đăng nhập vào “kho” và “bê” nguyên nội dung trong đó về lớp học của mình.

Nhiều GV lấy lý do không rành công nghệ. Thực tế cũng cần ghi nhận những nỗ lực của các GV ở vùng khó khăn, GV lớn tuổi. Song, theo thầy C.H., vẫn có những GV ngại khó, ngại đổi mới nên miễn cưỡng dạy học online cho… có. Trong khi chất lượng dạy học trực tiếp hay trực tuyến đều chịu ảnh hưởng rất lớn từ người thầy. Thậm chí, khi cô Hà Ánh Phượng chia sẻ về những tích cực mà công nghệ và lớp học online mang lại, có cô giáo dạy toán lại cho rằng: Cô Phượng là GV tiếng Anh nên mới làm được, chứ cô dạy toán… thử xem. Thậm chí, GV này còn cực đoan đến độ cho rằng mình có thể chuyển bài dạy của cô Phượng sang Power Point một cách “ngon lành” trong năm phút, chứ thử chuyển… môn toán xem, “chỉ có khóc”. GV này “phán” vậy, mà không biết rằng rất nhiều đồng nghiệp dạy toán của mình đã không còn dạy trên slide nữa mà đã chuyển sang dùng bảng điện tử Wacom từ lâu.

Dường như thiếu chủ động trong tiếp nhận, không chịu thay đổi vẫn đang tồn tại trong không ít GV. Trong một tọa đàm gần đây, đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo đã một lần nữa nhấn mạnh việc mong muốn các thầy cô, nhà trường nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn của bộ đồng thời đổi mới phương pháp giảng dạy. Nói như cô Hà Ánh Phượng, không phủ nhận những tồn tại của dạy học trực tuyến, nhưng cũng không nên quá cực đoan. Nếu biết tận dụng các kỹ thuật dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai nghiêm túc thì việc dạy học trực tuyến sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. 

Minh Tuệ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI