Hãy trách nhiệm một cách trung thực để sống sót!

09/03/2020 - 07:20

PNO - Nhìn con số hàng trăm khách lỡ đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 phải cách ly rải khắp các tỉnh thành, cả guồng máy công vụ tại Hà Nội vận hành hết công suất để kiểm tra, khoanh vùng, khống chế, cách ly, điều trị mới thấy, chúng ta đang phải căng sức, gồng gánh, chống đỡ khối công việc khổng lồ mà nếu “vật chủ” số 17 biết hành xử trung thực, trách nhiệm hơn, đã có thể tránh khỏi.

Sáng 8/3, Bộ Y tế gửi tặng ngay một “tin nhắn hoa hồng” thời COVID-19, đại ý hãy thể hiện trách nhiệm với bản thân, gia đình và cộng đồng để chung tay chặn đứng dịch bệnh, khi nhập cảnh phải khai báo y tế chính xác, trung thực…

“Trách nhiệm”, “chính xác”, “trung thực”, là 3 nhưng cũng là 1, gói đầy đủ các phẩm chất cần thiết trong thời điểm này, ở bất kỳ công dân nào, tổ chức hay nhóm cộng đồng nào để đủ khỏe mạnh mà đương đầu, chống trả và sống sót qua cơn dịch bệnh. 

Lúc này đây, đừng viện dẫn bất cứ mục tiêu, tầm nhìn đẹp đẽ nào, kể cả nương vào lời than khóc cho những thiệt hại doanh thu hay cú cảnh báo sẽ mất trắng mọi “thành quả của 20 năm đổi mới” mà bất chấp những ẩn họa khôn lường, những di biến của chủng virus corona mới đang trùm phủ toàn cầu, đang tấn công không điểm dừng lên homo sapiens - người tinh khôn. 

Hành khách khai báo y tế sau khi nhập cảnh
Nhân viên y tế kiểm tra phiếu khai báo y tế của hành khách trước khi làm thủ tục nhập cảnh tại cửa khẩu Sân bay quốc tế Nội Bài chiều 7/3. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Thì đấy, trở lại gói 3 trong 1, chỉ một cá thể, ca nhiễm thứ 17 đã không tự mình trung thực để khai báo y tế chính xác một cách có trách nhiệm (với cộng đồng) đã phá bỏ mọi nỗ lực không mệt mỏi của cả hệ thống toàn xã hội trong suốt hơn 2 tháng qua, nhất là 22 ngày “vàng” không có ca nhiễm mới. 

Nhìn con số hàng trăm khách lỡ đi cùng chuyến bay với bệnh nhân số 17 phải cách ly rải khắp các tỉnh thành, cả guồng máy công vụ tại Hà Nội vận hành hết công suất để kiểm tra, khoanh vùng, khống chế, cách ly, điều trị mới thấy, chúng ta đang phải căng sức, gồng gánh, chống đỡ khối công việc khổng lồ mà nếu “vật chủ” số 17 biết hành xử trung thực, trách nhiệm hơn, đã có thể tránh khỏi. 

Trong cơn quay cuồng chống trả dịch bệnh, tức chống lại sự lây lan, truyền nhiễm của con virus đang giấu mặt, hoặc đột biến dưới một “khuôn mặt” quái ác khác mà con người chưa tìm ra vắc-xin phòng chống thì chẳng thể ngồi yên để “kiến nghị” với sự đong đo, cân đếm nào là kiệt sức tài chính, kiệt quệ doanh thu, mất dần tính thanh khoản… với mục tiêu duy nhất còn lại: bảo đảm cao nhất quy trình phòng chống dịch, bảo vệ an toàn cho cộng đồng, không để lây lan, dẫn tới mất kiểm soát. 

Hãy trách nhiệm một cách trung thực nhất có thể bởi nếu chỉ là thứ trách nhiệm nửa vời, trách nhiệm giả hiệu thì có khi càng gây hại nhiều hơn. 

Ngày 3/3, lãnh đạo 150 trường tư gửi kiến nghị khẩn cầu Thủ tướng Chính phủ cho phép cơ sở đào tạo ngoài công lập được nhanh chóng hoạt động trở lại vì COVID-19 đã được kiểm soát. Họ cũng đề nghị được miễn, giảm, giãn, hoãn, chậm nộp các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó giảm thời gian nộp thuế thu nhập doanh nghiệp, tiền thuê đất… Họ mong được chấp thuận gói ưu đãi dành cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Họ đưa ra con số nếu dịch kéo dài tới 6 tháng, 80% số cơ sở giáo dục ngoài công lập được khảo sát sẽ bị sụt giảm doanh số trên 50%. “Nếu không có sự can thiệp mạnh mẽ thì mọi thành quả hơn 20 năm đổi mới và khuyến khích đầu tư vào giáo dục tư nhân sẽ bị mất trắng” - trích từ kiến nghị. 

Ngày 7/3, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ký ban hành Chỉ thị số 11 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội nhằm ứng phó với dịch COVID-19. Những gói chi phí khổng lồ để vận hành các khu vực cách ly tập trung, cách ly tại chỗ cho đến chi phí đầu tư cho công tác nghiên cứu, điều trị, kỹ thuật… nhằm đảm bảo tổng thể các phương án phòng chống dịch. Và không có bất kỳ lý do nào đưa ra để “cò kè” thiệt hại, khi trách nhiệm cao nhất, mục tiêu lớn nhất: bảo vệ sức khỏe nhân dân, bảo toàn sự sinh tồn giống loài. 

Thiệt thòi, phá sản, mất trắng… là sự khốn cùng buộc phải đối diện, chấp nhận trong thời dịch bệnh. Ta không thể nhân danh quyền cá thể hay nhiều cá thể, một nhóm cộng đồng để đòi hỏi chức trách của Chính phủ hay Nhà nước phải đáp ứng, thực thi như thời-bình-không-dịch-bệnh. Mà tất cả, phải cộng đồng trách nhiệm, cùng chung gánh vác mất mát, chia sẻ thiệt hại để đủ sức… sống còn. 

Chỉ khi còn sống, mới còn toan tính nào doanh thu, nào thanh khoản, nào “tương lai nền giáo dục” cho con cháu.

Trách nhiệm - chính xác - trung thực, với bản thân, gia đình, cộng đồng. Đòi hỏi ấy, nào chỉ dành riêng cho con người thời dịch bệnh. Bởi một cơ thể cường tráng chỉ có thể “khỏe mạnh” trong một nhân cách trung thực, trách nhiệm. 

Ái Mỹ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI