Hạt đậu phù sa

30/04/2020 - 13:00

PNO - Bà là Việt kiều ở một nước phương Tây, ông là cán bộ cách mạng cương vị cao. Cách đây 68 năm, họ từng là vợ chồng.

Năm 1951, nhờ dáng mạo thư sinh và năng khiếu thơ ca, chàng Vệ quốc quân Sài Gòn đã đánh bạt mọi “đối thủ”, chiếm được trái tim thôn nữ hoa khôi vùng căn cứ.

Một năm sau họ thành hôn, chàng đi tập kết khi đứa con gái còn chưa biết nói. Nghe lời chồng dặn, nàng dâu trẻ ôm con về phố thị ra mắt gia đình nội. Đứa bé được yêu quý, nhưng thôn nữ chân quê không khiến nhà trai hào hứng, chưa nói những “công tác bí mật” của cô dâu khiến họ sợ liên lụy…

Mười năm bặt tin chồng, mười năm thầm lặng trong cảnh nửa tôi tớ nửa thân nhân, nàng dâu trẻ xin phép đưa con về quê ngoại. Ở đây, nữ chiến sĩ biệt động được phân công vào “trận chiến” oái oăm cùng cực: đóng vai tình nhân của người đàn ông góa vợ, có hai con nhỏ.

Ký ức tình yêu như phù sa của một con sông..
Ký ức tình yêu như phù sa của một con sông..

Một ngày, khi biết mình không thể kiềm chế những cảm xúc ngày đêm xâm chiếm, bà xin tổ chức thoát ly, ra hẳn vùng giải phóng để chấm dứt mối quan hệ hiển nhiên đẩy bà phản bội chồng. Tổ chức không đồng ý vì “đường dây” hoạt động đang trôi chảy, phê phán bà thiếu kiên trinh, thiếu lập trường cách mạng.

Cái gì đến phải đến. Năm 1965, một năm sau ngày nhận công tác mới, bà có thai, trở thành vợ công khai của người tình - nhiệm vụ; bị khai trừ Đảng, phải nghèo khó tha hương đến tận miền Tây với mặc cảm bị gia đình từ bỏ, con gái xa lánh. Đau đớn hơn, năm 1966, chồng xưa hồi kết vô Nam. Nghe tin cha, đứa con gái càng oán mẹ. Tuổi mười bốn đủ trí khôn phân định luân lý, nhưng thiếu bao dung thấu cảm tâm lý, đứa con tìm mọi cách theo cha, để “trừng phạt” mẹ theo tư duy ích kỷ của mình khi đó.

Trong cánh rừng căn cứ, người cha, sau những đau đớn tưởng không thể hồi phục, đã khuyên con đừng khinh giận mẹ, rằng sự chờ đợi của người đàn bà đẹp thường khó khăn… Cũng trong cánh rừng đó, hai cha con gặp viên chỉ huy cũ của bà - người tự nhận việc cô dâu trẻ “phản bội” có phần lỗi giáo điều, duy lý của tổ chức.  

Năm 1974, sau hiệp định Paris, đứa con gái quyết định đón mẹ vào chiến khu xin lỗi, để ít ra, một lần, cha mẹ được nhìn nhau. Người đàn bà khi này đã có bốn con với chồng sau, nhưng vừa nghe tin con nhắn đã lập tức lên đường, để lại thành phố đứa con út chín tháng cho người đàn ông phấp phỏng hờn ghen…

Ở trạm đón tiếp, hai người họ hầu như không nói chuyện với nhau, mọi trao đổi đều thông qua con gái. Tối đến, trong lúc ông lẳng lặng đi tìm thuốc trị căng sữa cho vợ cũ, bà nén đau đòi con dẫn ra xóm mua đậu nấu chè. Vùng ranh, quán thưa nhưng trước sự ngạc nhiên, mệt mỏi của con, người mẹ vẫn nhất quyết tìm đủ năm thứ đậu.

Chè chín, vừa khuấy muỗng người cha bỗng lặng đi, ôm ngực ào ra bóng đêm... Bà bật khóc… Mãi hôm sau, khi người mẹ đã quay về thành phố với gia đình chắp nối, người cha mới kể con gái nghe “cổ tích hạt đậu”: cổ tích kể rằng hai mươi lăm năm trước, có nàng du kích được cách mạng giao trông coi rẫy đậu của đơn vị. Sau mỗi mùa thu hoạch, nàng tiết kiệm đi mót các thứ đậu rơi rớt để dành. Do một thứ đậu không đủ cho nồi chè lớn, nên mỗi bận đơn vị chàng ghé thăm, nàng phải nấu trộn nhau. Chè lổn nhổn nghịch vị, nhưng để lấy lòng nàng, chàng cứ tấm tắc khen ngon. Hai mươi lăm năm sau, nàng nấu lại món chè “ngon” như gửi gắm ân tình…

Mọi chuyện giờ quá xa, bà theo chồng định cư xứ người, ông cũng có gia đình khác và đã mất. Trên thực tế, họ hầu như không liên lạc sau lần gặp ở chiến khu ngắn ngủi, nhưng con gái họ tin, ký ức tình yêu như phù sa của một con sông; có những hạt cuốn trôi theo dòng chảy, có những hạt nặng hơn, chìm xuống đáy sâu, bồi đắp lòng sông thêm màu mỡ… 

Hải Anh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI