Kỷ niệm 76 năm ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2020)

Hành trình tìm mộ liệt sĩ của một nữ bí thư khu phố

22/12/2020 - 09:25

PNO - Giữa cuộc trò chuyện, vài lần bà dừng lại, ưu tư nói rằng những việc mà bà làm trong hơn mười năm qua, phải được làm nhanh, kẻo muộn. Một phần vì thực hiện lời kêu gọi của chính quyền sau ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước; một phần, là sự thúc giục của một người được chứng kiến và nuôi nấng bằng những câu chuyện oai hùng.

Chuyện của làng

Chiều đó, khi xong cuộc trò chuyện, bà Phan Thị Phượng rủ tôi cỡi xe máy chạy trên những cung đường thênh thang của phường An Phú, quận 2, TPHCM. Vài lần, bà đi thật chậm, chỉ tay lên vỉa hè nơi một khúc cua của đường Nguyễn Thị Định hay một ngã ba có đông người đang đứng đợi qua đường, giọng nói gấp gáp: “Chỗ này, xưa là ruộng nước, kênh rạch không đó. Mấy chú, mấy anh bị địch bắn nằm ở đây…!”. 

Bà Phượng (bìa phải) trong những lần tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở vùng An Phú (Q.2, TP.HCM) ẢNH: NHÂN VẬ T CUNG CẤ P
Bà Phượng (bìa phải) trong những lần tìm kiếm, quy tập mộ liệt sĩ ở vùng An Phú (quận 2, TPHCM) - Ảnh nhân vật cung cấp

Sinh ra trong giai đoạn đất nước đứng lên chống Mỹ xâm lược, là con dân của vùng An Phú - mảnh đất ngay cửa ngõ tiền tiêu, nơi thành lập hàng chục tổ cơ sở nòng cốt giữ vai trò bảo vệ cầu Rạch Chiếc và cầu Sài Gòn đảm bảo cho đại quân vào thành phố giải phóng - bà Phượng không nhớ xuể bao trận đánh oai hùng dấy lên trong địa phương mình. Mất mát cũng đi kèm theo đó.

Thuở ấy, công tác ở Bưu điện huyện Thủ Đức, bà giữ thói quen lưu lại tên tuổi của người làng hy sinh trong từng chiến trận.

Đưa tôi xem bản danh sách liệt sĩ của phường An Phú hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ, bà Phượng chỉ vào từng cái tên, trầm ngâm: “Chú này người làng hay gọi là ông Sáu. Cậu đây hay được gọi anh Năm”.

Thân thuộc, thương quý và ngưỡng mộ người làng mình hy sinh anh dũng nên mười năm trước, khi đến tuổi nghỉ hưu, được tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ khu phố 3, phường An Phú, quận 2; bà Phượng phấn khởi. Vai trò mới cho bà đủ thẩm quyền thực hiện một mong muốn ấp ủ: quy tập hài cốt của liệt sĩ trong phường về an nghỉ tại các nghĩa trang liệt sĩ.

Mấy tháng ròng, bà dành thời gian lên quận, rồi đến từng nghĩa trang liệt sĩ để đối chiếu danh sách hài cốt chưa được quy tập. Tìm lại từng người thân, xóm làng của các liệt sĩ hỏi thăm nơi chôn cất. Được gia đình của liệt sĩ đồng ý cho đưa về nghĩa trang, bà lại tới lui đi làm thủ tục, bỏ tiền túi thuê người thực hiện các quy trình động mộ.

“Phải đưa các chú, các anh về “nhà”, ở đó có đồng đội, có nơi thờ tự”, bà Phượng trầm ngâm. 

Liệt sĩ Ngô Văn Khử, A phó Huyện đội Thủ Đức (sinh năm 1946, hy sinh năm 1966), là liệt sĩ đầu tiên bà Phượng đưa về “nhà”.

Bà nhớ như in, đầu năm 1963, bà chừng tám tuổi, loáng thoáng nghe chuyện ông Khử tham gia cách mạng. Ba năm sau, ngày 9/6, làng nhận tin ông hy sinh. Đồng đội đưa ông về an nghỉ trên đất thổ mộ của gia đình. Không ai dám nói với dì Mười - người nuôi ông từ nhỏ, do mẹ ông mất sớm, cha cũng đi vào cuộc chiến từ lâu.

Hôm ông Khử mất, dì Mười chứng kiến một đám người đi xuồng dọc theo kênh sau lưng nhà vào sâu trong đất mình. Dì hỏi thăm, ai nấy quả quyết vào trong bưng nhổ gốc rau muống về trồng. Mấy hôm sau dì Mười đi thăm đất, ngỡ ngàng mộ phần ai mới đắp ngay trên đất nhà mình. Đến lúc này, người làng không giấu được.

Dì Mười đau buồn; ôm ước nguyện xây cho cháu một ngôi mộ đàng hoàng nhưng chưa kịp thực hiện, tốp binh lính của địch dựng lô cốt chắn ngay đường xuống kênh, không cho ai vào mộ. Sài Gòn giải phóng, dì Mười mới hoàn thành ước mong xưa. 

Năm 2015, lộ trình dẫn vào mộ của liệt sĩ Khử không nhiều thay đổi. Mộ nằm tít sâu trong bưng, qua một con rạch vắng vẻ, cỏ dọc đường lút đầu người lẫn với đám cây bần mọc kín. Mộ còn đó nhưng nhiều năm đất mềm, lún, đào một khoảng rộng vẫn không tìm thấy dấu. Mãi đến ngày thứ năm, đội tìm kiếm dùng cây chỉa xăm vào đất, đến tối mới đụng tấm bông-sô dày. Tấm bông-sô năm xưa đồng đội quấn quanh người liệt sĩ, đặt êm ái lên chiếc xuồng đi chôn vội.

“Giờ dì Mười hơn 80 tuổi, có nhớ thương cháu cũng không còn vất vả đi thăm nom. Mấy cây số thẳng một đường là dì được gặp cháu trên nghĩa trang liệt sĩ ở quận 9”, bà Phượng hài lòng.

Đất nước an bình mấy chục năm, nhưng trong lòng bà bí thư không nguôi những câu chuyện của làng. Đất cô Hai Nhỏ, đất ông Sáu Triêng có mấy người nằm xuống, được chôn luôn ở đó; chỗ đất nay là đại lộ thênh thang dưới chân cầu Rạch Miễu có năm người hy sinh… bà khắc ghi cặn kẽ. 

Quận 2 nay phát triển, đô thị hóa mạnh mẽ khiến vạn vật đổi thay. Song những vùng bưng biền thì vẫn còn rất nhiều. Bảng danh sách liệt sĩ phường An Phú trên tay tôi quá dài, có liệt sĩ ngay sau ngày giải phóng, được chính quyền tổ chức tìm kiếm, quy tập được; có liệt sĩ do người nhà đi tìm nhưng cũng nhiều người vẫn chưa tìm được nơi chôn cất ngày xưa.

Trong hành trình của mình, mấy lần, bà Phượng nghe phong thanh một dòng tin “hình như nằm chỗ đó”, liền lập tức đi tiền trạm. Có khi đúng, khi sai; nhưng với bà, không một chỉ dấu nào bị cho qua. Lẽ đó, không ít gia đình ngại động mộ, bà thuyết phục, bằng kinh nghiệm của những lần “tìm mà không thấy” hay lo lắng vạn vật bôi xóa theo thời gian. 

Rạch Ông Mun dài tầm một cây số, thêm hai cây số lội sình qua trũng lầy là đến mấy đám ruộng, nơi có mộ của liệt sĩ Nghiêm Văn Hài (sinh năm 1932, hy sinh ngày 4/4/1963).

Gia đình ông Hài xưa kia là cơ sở cách mạng. Khuya đó, ngày 4/4, ông Hài dậy đi làm, phát hiện đầu rạch Ông Mun một toán binh lính của địch leo xuồng đi vô rạch. Vốn được nghe bàn từ trước, biết ở cuối dòng chảy, giờ ấy có diễn ra cuộc tiếp tế của quân mình; ông thất thần, đổ mồ hôi chạy té ra mé rạch. Tiếng súng nổ vang trời. Ông Hài hy sinh, lấy cái chết làm báo hiệu cho lực lượng.

Người thân lên xin xác ông về, mang chôn sâu trong đất ruộng của làng. “Ba nằm sâu trong đó, chắc cũng buồn, nhưng để con bàn với gia đình xem sao, xem mọi người có muốn đưa ba về nghĩa trang” - câu nói từ người con của liệt sĩ như chỉ dấu hy vọng, bà Phượng chạy một mạch lên báo với chính quyền.

Rồi, một tay cầm hồ sơ đi hoàn thiện các thủ tục, bà tranh thủ thuyết phục người thân của liệt sĩ. Đó là năm 2017. Mùa hè nắng gay gắt, lễ động mộ, truy điệu đưa hài cốt liệt sĩ Hài quy tập diễn ra trong ngày rạch Ông Mun nước cạn, sình lội lên đến ngực, nhưng không ai nản lòng. 

Những câu chuyện khó nhòa

Hơn mười năm, hài cốt của năm liệt sĩ trong làng được một tay bà Phượng làm thủ tục, quy tập về các nghĩa trang liệt sĩ.

Công tác quy tập ít nhiều gây tốn kém, rồi hồ sơ thất lạc, thiếu khuyết, nhưng với bà bí thư, mỗi khoản tiền bỏ ra dẫu là bao, hay những đận tới lui tìm kiếm, bổ túc giấy tờ có vất vả thế nào, vẫn không mua được cái thở phào nhẹ nhõm khi một sứ mệnh tự trao được hoàn thành. Mỗi sự hy sinh, với đất nước là một sự khắc ơn, nhưng với riêng bà, mấy chữ “liệt sĩ người trong làng” đã như phần ruột thịt. 

“Thà là không biết các chú, các anh, lòng dạ chắc cũng đỡ buồn đỡ nghĩ hơn”, bà Phượng trầm tư. 

Cũng bởi lòng dạ đó nên “tiếng lành đồn xa”, thi thoảng bà rẽ đường, lặn lội tận huyện Củ Chi, đi tỉnh Tiền Giang, hành trang là gửi gắm của bao người giúp tìm mộ liệt sĩ…

Hành trang cho một cuộc động mộ, quy tập hài cốt liệt sĩ được bà chuẩn bị chu đáo với nhiều bánh trái, hương đèn
Hành trang cho một cuộc động mộ, quy tập hài cốt liệt sĩ được bà chuẩn bị chu đáo với nhiều bánh trái, hương đèn

Quãng ba năm trước, qua mấy mươi lần lặn lội đi về giữa Nghĩa trang thành phố ở huyện Củ Chi, giúp các gia đình đi tìm mộ liệt sĩ, người quản trang cũng quen mặt bà Phượng. Từ mối thân quen, ông gửi gắm một câu chuyện nặng lòng. Mộ ông Nguyễn Văn Ngang trong nghĩa trang lâu nay có người nhà đến thăm, nhưng vẫn chưa được gắn tên “mộ liệt sĩ”.

Thông tin ít ỏi bà Phượng nắm, là chỉ biết ông Ngang từng công tác trong bưu điện, hy sinh khi đang làm nhiệm vụ. Bà hỏi thăm, tìm hiểu, mới hay chiến tranh qua, hồ sơ bị thiếu, thủ tục khó khăn nên gia đình ngại bổ túc giấy tờ xin công nhận.

Chỉ dấu “ngành bưu điện” mở ra tia hy vọng, bà Phượng lập tức quay về đơn vị cũ, bắc nối qua các mối liên lạc, phát hiện ngành đã làm hồ sơ liệt sĩ cho ông Ngang; song cần bổ sung một số nội dung để hoàn thiện thủ tục. 

Những người quen cũ nhớ như in ngày ông Ngang hy sinh trong Chiến dịch Hồ Chí Minh - ngày 27/4/1975, chỉ mấy hôm sau là giải phóng. Ông Ngang xuống đường, bị phục kích bắn chết. Toán binh lính của Mỹ trói xác ông bằng một sợi dây thừng, kéo lê đến không còn nhận diện được. Giữa xác người ngổn ngang, người nhà nhận diện nhờ một chiếc khăn choàng mà ngay lúc xuống đường, ông được chị choàng tặng.

Cũng trong trận đó, ở địa điểm đó, với toán binh lính của địch đó, ông Ngang hy sinh tầm vài phút, ông Nguyễn Văn Hồng cũng ngã xuống. Liệt sĩ Hồng quê ở xã Cẩm Sơn, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang; mộ phần ở Nghĩa trang thành phố nhưng nhiều năm không ai liên hệ được với gia đình.

Bà Phượng tức tốc làm một chuyến về quê của liệt sĩ. Nỗi ưu tư phần nào được trút nhẹ trong sự thấu hiểu binh biến đi qua, gia đình của liệt sĩ đã không còn người nào đang sống ở địa phương.

Có đi sâu trong từng cuộc kiếm tìm hài cốt của liệt sĩ, và cũng chỉ khi thông hiểu được nỗi lòng của gia đình ai đang mòn mỏi kiếm tìm máu xương người ruột thịt; mới thấm thía quan niệm “chuyện này phải làm nhanh, kẻo trễ” của bà Phượng. 

Trong hành trình của mình, bà Phượng luôn mang theo sổ sách ghi lại từng tên liệt sĩ được thân nhân gửi gắm  tìm kiếm mộ. Trước mỗi chỉ dấu, bà đều ghi chép cẩn thận
Trong hành trình của mình, bà Phượng luôn mang theo sổ sách ghi lại từng tên liệt sĩ được thân nhân gửi gắm tìm kiếm mộ. Trước mỗi chỉ dấu, bà đều ghi chép cẩn thận

Mấy lần ra vô Nghĩa trang thành phố ở huyện Củ Chi, bà bí thư day dứt, không sao quên nổi hình ảnh một người mẹ đã ngàn ngày cạn nước mắt đi tìm mộ của con, liệt sĩ Trần Văn Phần.

Cầm giấy chứng nhận của liệt sĩ Phần, bà Phượng đi ngay về Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TPHCM nhờ tra cứu. May mắn, trong danh sách hồ sơ dằng dặc của sở, có hồ sơ của duy nhất liệt sĩ tên Trần Văn Phần, quê quán huyện Củ Chi, nhưng được quy tập ở Nghĩa trang liệt sĩ huyện Bình Chánh.

Bà Phượng tiếp tục lặn lội về huyện Bình Chánh, xin trích lục hồ sơ rồi được dẫn đến nghĩa trang. Bà đứng trước phần mộ khắc tên của liệt sĩ, đơn vị D6, hy sinh năm 16 tuổi. 

“Nhưng làm sao mà biết phần mộ đó đúng là của liệt sĩ Phần tôi đang tìm” - bà Phượng cắt ngang mạch kể. Đưa mắt nhìn vào bảng danh sách liệt sĩ đang còn trên tay tôi, bà nói bằng một giọng khảng khái: “Không nản lòng, không bỏ cuộc”.

Khi ấy, người quản trang của Nghĩa trang huyện Bình Chánh thông tin, phần mộ chưa bao giờ có thân nhân đến thăm. Mở hồ sơ có lưu tên người từng đưa hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang quy tập, bà Phượng nín thở, lo ngại thời gian làm đổi thay tất cả. May sao, trong cuộc lần mò tìm kiếm, cuối cùng bà cũng tìm được về nhà dân năm xưa, nghe chuyện kể từ các bác lớn tuổi: ngày tháng năm đó, trên đường đi đánh trận, ông Phần bị thương nặng, được đồng đội gửi vào nhà dân, trao lại tên và tên đơn vị…

“Cha chú hy sinh mà còn nằm đâu đó, nghĩ thương lắm. Ví như mình không cửa nhà, không liên kết với ai, nhớ đồng đội, nhớ người thân, cảm giác đó rất bơ vơ. Nghĩ vậy mà còn sức là còn làm, làm bao nhiêu cũng lo lắng không kịp”, bà Phượng trầm tư.

Chia tay bà ở ngã tư đường, tôi rẽ vào con đường Mai Chí Thọ lộng gió, băng qua cầu Cá Trê Nhỏ, Cá Trê Lớn. Chỗ này, nhớ có lần bà Phượng kể, xưa là đầm lầy, dừa nước và đám bần mọc kín. Đầm lầy, bần và dừa nước che giấu cho quân ta trong cuộc chiến thẳng tiến đến chiến thắng. Xương máu người xưa thấm trên đất ấy để ta có hôm nay. 

Tuyết Dân

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI