Hàng tết "xiết" từ chợ đến siêu thị

30/11/2016 - 11:50

PNO - Theo Sở Công thương TP.HCM, nguồn hàng cung ứng cho thị trường tết năm nay ngoài việc đảm bảo về số lượng, giá cả còn được “xiết” về an toàn vệ sinh.

Không để hàng trôi nổi trà trộn vào các chợ truyền thống

Theo nhận định của bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó giám đốc Sở Công thương, tết Nguyên đán năm nay dự báo sức mua trên thị trường TP.HCM sẽ tăng hơn 20% so với năm rồi. Để đảm bảo sự ổn định trong đợt cao điểm tiêu thụ này, TP đã có kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng, tăng 10-35% so với tết 2016. Trong đó, nhóm hàng tăng cao nhất là thịt gia súc, gia cầm - khoảng 35%.

Các doanh nghiệp (DN) trong ngành hàng này như Ba Huân, Vissan, San Hà… đều đã mở rộng quy mô sản xuất sang các tỉnh lân cận để bảo đảm nguồn cung. Cũng theo bà Trang, hiện chưa phát sinh khó khăn nào trong việc quản lý phân phối hàng, nhưng Sở vẫn sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát để đảm bảo chất lượng hàng hóa đến các chợ và siêu thị, nhất là tại các chợ truyền thống, về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP).

Ban quản lý (BQL) các chợ sẽ liên tục kiểm tra trong cao điểm tết, đồng thời kêu gọi người tiêu dùng không tiêu thụ hàng hóa, nhất là các mặt hàng gia súc, gia cầm trôi nổi ngoài thị trường, để đảm bảo an toàn cho bữa ăn những ngày tết.

Hang tet
TP.HCM đặt chỉ tiêu an toàn đối với đặc sản các địa phương khi tham gia thị trường tết

Ông Lê Hoàng Định, Phó BQL chợ Bến Thành cho biết, việc tăng cường quản lý chất lượng VSATTP tại chợ được tiến hành với từng tiểu thương, yêu cầu hàng lấy về chợ phải có nguồn gốc rõ ràng, chú trọng hàng từ các hợp tác xã có chứng nhận an toàn. BQL sẽ thường xuyên lấy mẫu ngẫu nhiên mặt hàng thực phẩm tươi sống tại các sạp để kiểm tra, nếu có dư lượng hóa chất có thể tiêu hủy số hàng vi phạm.

Bà Trang cũng xác định, các kênh thu mua hàng hóa như Saigon Co.op, Big C, chợ đầu mối… phải ràng buộc bằng tiêu chuẩn chất lượng, cụ thể là đặt vấn đề an toàn lên hàng đầu, ngay cả trong việc hợp tác tiêu thụ hàng cho người nông dân.

Ông Nguyễn Ngọc Hòa, Phó giám đốc Sở Công thương cho biết, với một số chợ truyền thống như Hòa Bình, Bến Thành, Thái Bình, An Đông... việc "xiết" ATTP với ngành hàng thịt heo sẽ được tiến hành bằng cách chỉ cho những xe chở thịt có niêm phong vòng nhận diện của Sở Công thương nhập chợ, tránh không để hàng trôi nổi trà trộn vào.

 “GAP thôi chưa đủ”

Theo Sở Công thương, hiện hầu hết các nhà cung cấp hàng cho thị trường tết như rau, thịt... đều phải có chứng nhận GAP, nhưng theo tìm hiểu của chúng tôi, nhiều DN chẳng mấy tin tưởng vào các tờ giấy chứng nhận, mà phải thực hiện việc giám sát chất lượng độc lập.

Theo ông Nguyễn Đăng Phú, Phó tổng giám đốc Công ty Vissan, các sản phẩm Vissan đưa ra thị trường đều đạt chứng nhận VietGAP, nhưng yêu cầu của người tiêu dùng ngày một cao nên công ty đang tiến hành việc truy xuất nguồn gốc thịt từ trang trại theo mô hình 3F, từ con giống, thức ăn đến quá trình chăn nuôi, giết mổ, phân phối… để có nguồn hàng đạt chất lượng tốt nhất.

Cũng dễ hiểu vì sao DN vẫn phải kiểm tra lại dù đã có chứng nhận GAP, bởi cách đây không lâu Vissan từng phát hiện lô heo đạt chứng nhận VietGAP nhưng cho kết quả nhiễm chất cấm ngay trước khi đem giết mổ.

Bà Nguyễn Thị Thu Thủy, Phó tổng giám đốc Saigon Co.op cho biết, dù rau, thịt và các mặt hàng tươi sống khác khi vào siêu thị phải đạt tiêu chuẩn VietGAP, nhưng không phải nhà cung cấp xuất trình chứng nhận tiêu chuẩn này là xong, vì hệ thống siêu thị còn có ba bước kiểm tra độc lập.

Cụ thể là cho nhân viên giám sát ATTP đến vùng sản xuất xem nhật ký canh tác, nuôi trồng có đúng quy trình không; thu mua về kho trung tâm sẽ kiểm tra một lần trước khi phân phối đi các siêu thị; có riêng phòng thí nhiệm có thể test nhanh chất lượng để phát hiện nhanh những chất tồn dư. Ngay cả khi sản phẩm lên kệ rồi cũng có thể được kiểm tra bất kỳ.

Hang tet

Bà Thủy giải thích, khi sản phẩm đã lên kệ thì chất lượng, độ an toàn liên quan trực tiếp đến uy tín, trách nhiệm của siêu thị, nên ngoài việc yêu cầu các nhà cung cấp xuất trình các giấy tờ chứng nhận, siêu thị còn phải kiểm soát theo quy trình riêng để đảm bảo chất lượng sản phẩm bán ra. Hiện Saigon Co.op đã đầu tư xây dựng trung tâm thực phẩm tươi sống. Các loại rau củ quả, thực phẩm tươi sống trước khi lên kệ sẽ được sơ chế, sục ozone để đảm bảo an toàn.

“98-99% mặt hàng thực phẩm tươi sống tại hệ thống siêu thị của chúng tôi là hàng sản xuất trong nước. Chúng tôi quản lý chất lượng nguồn hàng bằng cách tư vấn thị hiếu người tiêu dùng cho người sản xuất nắm rõ nhu cầu để đáp ứng từ hình thức đóng gói cho đến số lượng“, bà Thủy nói.

Tiến sĩ Đào Hà Trung, Chủ tịch Hội Công nghệ cao TP.HCM cho biết, thời điểm triển khai việc truy xuất nguồn gốc thịt heo bằng điện thoại rơi vào đúng dịp tết, là cao điểm về tiêu thụ mặt hàng này, nên việc truy xuất nguồn gốc tại các siêu thị, chợ đầu mối và bốn chợ truyền thống (Bến Thành, Hòa Bình, An Đông, Thái Bình) sẽ là thử nghiệm tốt nhất để hội hoàn thiện quy trình truy xuất với mặt hàng thịt heo, từ đó mở rộng sang những nhóm hàng khác như thịt gia cầm, thủy sản, rau quả…

Thư Hùng

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI