Hàng không: Hồi hộp chờ được bay quốc tế

13/12/2021 - 09:36

PNO - Việc Chính phủ quyết định mở lại thí điểm bay quốc tế từ ngày 1/1/2022 dù chậm nửa tháng so với kiến nghị của Bộ Giao thông Vận tải, song đã thắp lên hy vọng cho rất nhiều kiều bào xa quê hương đang nóng lòng về Việt Nam.

Ngóng ngày về quê hương

Anh Trần Duy Hải, hiện làm việc tại Tokyo (Nhật Bản), dự định kết hôn từ cuối năm 2020, nhưng vướng dịch nên không thể về nước. Hai gia đình thậm chí đã làm lễ ăn hỏi online vắng mặt chú rể. Anh Hải định đăng ký về theo diện các chuyến bay “giải cứu” công dân, nhưng sau khi tham khảo điều kiện cách ly cùng giá vé thì không kham nổi. “Tôi vừa bắt đầu vào một công ty tại Tokyo làm việc sau khi học nghiên cứu sinh, công việc rất nhiều, trong khi để đăng ký được vé về nước bây giờ rất khó, danh sách thì dài, chi phí tốn kém, lại thêm quy định cách ly. Nếu về nước để làm đám cưới thì phải nghỉ ít nhất 20 ngày, trong khi công việc mới chưa cho phép nghỉ dài thế”, anh Hải chia sẻ.

Không chỉ anh Hải, nhiều người Việt tại nước ngoài đang rất nóng lòng ngóng đợi các đường bay quốc tế nối lại, để được về quê hương sau gần hai năm xa cách vì dịch. Tin vui là sau nhiều tháng chờ đợi, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã đồng ý kế hoạch khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách với địa bàn có hệ số an toàn cao, bắt đầu từ ngày 1/1/2022. Theo đó, thị trường bay quốc tế sẽ mở lại trước mắt là Bắc Kinh, Quảng Châu (Trung Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc), Đài Bắc (Đài Loan - Trung Quốc), Bangkok (Thái Lan), Singapore, Vientiane (Lào), Phnom Penh (Campuchia), San Francisco/Los Angeles (Mỹ). 

Ngày 12/9, hai chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Mỹ về nước nối chuyến qua Seoul - Hàn Quốc - đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh - Ảnh: VNA
Ngày 12/9, hai chuyến bay đón công dân Việt Nam từ Mỹ về nước nối chuyến qua Seoul - Hàn Quốc - đã hạ cánh tại sân bay quốc tế Vân Đồn - Quảng Ninh - Ảnh: VNA

Trước đó, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Lê Anh Tuấn cho biết, hiện công dân Việt Nam hồi hương về nước bằng đường hàng không chỉ được thực hiện bằng các chuyến bay “giải cứu” cách ly tại cơ sở quân đội, chuyến bay “combo” (hành khách chi trả trọn gói các chi phí) cách ly tại các cơ sở chỉ định... Điều kiện để khách được nhập cảnh vào Việt Nam rất chặt chẽ, trong khi số lượng chuyến bay “giải cứu” hay “combo” lại rất hạn chế. 

Trong khi đó, theo thông tin của Bộ Ngoại giao, nhu cầu nhập cảnh của công dân Việt Nam về nước thời điểm này tiếp tục tăng cao, đặc biệt là dịp năm mới 2022 và tết Nguyên đán. Bên cạnh đó, số lượng người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam với mục đích làm việc, đầu tư, sản xuất kinh doanh và du lịch là rất lớn. Dự báo trong hai quý đầu năm 2022, sẽ có khoảng nửa triệu khách đến Việt Nam. 

Hiện đa số các nước đều đã mở lại bay quốc tế thương mại định kỳ và bỏ quy định cách ly đối với khách đã tiêm hai mũi, có kết quả xét nghiệm âm tính, trong khi Việt Nam vẫn chưa chính thức mở lại bay quốc tế thường lệ hai chiều và vẫn yêu cầu cách ly tập trung. Để “né” quy định, nhiều công ty du lịch đã tổ chức cho khách bay trên các chuyến bay của các hãng nước ngoài về Campuchia rồi về Việt Nam thông qua cửa khẩu đường bộ Tây Ninh. 

Khó khả thi nếu cách ly bảy ngày

Dù vậy, nếu vẫn duy trì quy định cách ly tập trung bảy ngày như hiện nay, việc mở lại bay quốc tế rất khó khả thi. Trông ngóng mua được vé về quê hương vào dịp tết Nguyên đán, song anh Trần Hùng (Mỹ) cho biết chỉ có 15 ngày phép, trong khi đi và về đã mất ba ngày phép, nếu tính thêm bảy ngày cách ly là mất 9 - 10 ngày, chỉ còn lại năm ngày về thăm gia đình, họ hàng thì không hợp lý. 

Các hãng hàng không và doanh nghiệp (DN) cảng hàng không đều cho biết, đã sẵn sàng cho việc thực hiện khôi phục các chuyến bay quốc tế thường lệ chở khách. Tuy nhiên, để việc bay lại khả thi các hãng đều cho rằng cần sớm có hướng dẫn dỡ bỏ quy định cách ly đối với hành khách đã tiêm đủ liều vắc-xin phòng COVID-19 hoặc đã khỏi bệnh COVID-19, có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước chuyến bay.

Hiện mốc thời gian bay thí điểm quốc tế trở lại đã được xác định từ ngày 1/1/2022, song việc có giữ quy định cách ly bảy ngày hay bỏ cách ly, hay giảm thời gian cách ly xuống 3 - 5 ngày  vẫn chưa được chốt chính thức. Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh đã giao Bộ Y tế lấy ý kiến người dân, DN về các quy định cách ly, nhập cảnh.

Đại diện một hãng hàng không cho biết, hiện với các chuyến bay hay “combo”, giá vé máy bay (chiều về Việt Nam) đều cao gấp 1,5 - 2 lần giá vé thông thường, lý do đây là các chuyến bay một chiều, chiều đi rỗng hoặc chỉ chở hàng, chi phí phòng dịch trên chuyến bay cũng chặt chẽ và cao hơn các chuyến bay thông thường, tổ bay và phi hành đoàn về đều phải cách ly bảy ngày...

Tuy nhiên, theo vị này, không chỉ giá vé cao hơn mà chi phí cách ly khách sạn, xét nghiệm trọn gói rất tốn kém, thường chênh thêm 1.000 - 2.000 USD/người ngoài giá vé. Tính trung bình mỗi hành khách khi bay về chi phí từ 2.000 USD đến 3.000 - 4.000 USD/người tùy từng nước nếu cách ly khách sạn. Đây là lý do chỉ những hành khách thực sự có nhu cầu cấp thiết mới chịu chấp nhận bỏ ra chi phí lớn và thời gian cách ly dài để về nước. 

Không nên mở nửa vời

Những lo ngại từ biến chủng Omicron phần nào cũng đang làm chậm lại nỗ lực khôi phục đường bay quốc tế. Song theo các chuyên gia, dù thận trọng trong nỗ lực chống dịch song không nên sợ hãi quá mức, mở cửa bầu trời nửa vời. 

Singapore đã thiết lập làn đi lại cho người đã tiêm vắc-xin (VTL), hành khách nhập cảnh vào Singapore nếu có kết quả xét nghiệm âm tính (xét nghiệm PCR tại sân bay) sẽ được đi lại tự do. Sau khi có những ca nhiễm Omicron đầu tiên từ người nhập cảnh, Singapore đã thắt chặt hơn cơ chế xét nghiệm. Theo đó, tất cả du khách nhập cảnh vào nước này qua làn VTL sẽ phải test nhanh hằng ngày và chỉ được ra khỏi nơi cư trú sau khi có kết quả âm tính. Dù vậy, quy định này của Singapore vẫn cởi mở hơn khá nhiều so với quy định phải cách ly tập trung hiện nay của Việt Nam.

Tiến sĩ Trần Du Lịch, chuyên gia kinh tế - cho rằng: “Chúng ta không còn thời gian, cần làm nhanh, đồng bộ ba mảng lưu trú, lữ hành, đặc biệt là vận tải hàng không, để mở cửa ngay mùa tết này, còn nếu để lò xo đã liệt rồi thì có kéo cũng không lên nổi”, ông Lịch nói. 

“Giải cứu” hàng không, du lịch 

Bay quốc tế không chỉ là tin vui với những kiều bào xa quê, mà còn giải tỏa “cơn khát” của các hãng hàng không, các DN lữ hành.

Báo cáo Chính phủ trước đó, ông Đặng Ngọc Hòa - Chủ tịch Hội đồng thành viên Vietnam Airlines (VNA) - cho rằng việc chậm bay lại quốc tế khiến các DN trong ngành hàng không, du lịch suy yếu, có thể dẫn đến phá sản, mất khả năng cạnh tranh với các hãng, các DN trong khu vực, khiến việc phục hồi sau đại dịch rất khó khăn. Việc bay lại quốc tế không chỉ tác động tích cực tới các DN trong lĩnh vực hàng không, mà giúp các hãng lữ hành mở lại thị trường khách du lịch quốc tế.

Trong mười tháng đầu năm 2021, tổng thị trường vận tải hàng không chỉ đạt 13,4 triệu lượt khách, bằng 22,5% so với năm 2019 trước đại dịch. Nếu tính từ tháng 5/2021 đến giữa tháng 11/2021, tổng khách vận chuyển chỉ đạt 2,1 triệu lượt khách, bằng 5,8% so với cùng kỳ năm 2019. Trong đó, khách quốc tế chỉ bằng 1% so với năm 2019.

Đây là lý do Hiệp hội DN hàng không (VABA) vừa tiếp tục đề nghị Bộ GTVT kiến nghị Chính phủ cho các hãng hàng không được vay ưu đãi. Theo ông Bùi Doãn Nề - Tổng Thư ký VABA - từ khi bùng phát dịch lần thứ tư ở Việt Nam tới nay, các hãng hàng không lâm vào tình trạng nguy hiểm, doanh thu giảm 80 - 90%, dòng tiền thiếu hụt nghiêm trọng. Các nguồn lực về tài sản, tài chính tích lũy của các hãng bị cạn kiện. Báo cáo của các hãng hàng không Việt Nam đều cho thấy nhu cầu cần được hỗ trợ tháo gỡ khó khăn về vốn là cấp bách và quan trọng nhất. 
VABA đề nghị Bộ GTVT xem xét, chấp thuận và có văn bản kiến nghị Chính phủ, Quốc hội và các bộ, ngành liên quan cho các hãng hàng không khác vay gói tái cấp vốn 4.000 - 6.000 tỷ đồng, lãi suất 0% như đã thực hiện với Vietnam Airlines (gói 4.000 tỷ đồng, vay tối đa ba năm). Số vay cụ thể căn cứ vào nhu cầu của từng hãng, vào quy mô, thị phần, đóng góp cho ngân sách trong thời gian qua và khả năng đáp ứng của ngân sách. Hiệp hội này cũng đề nghị cho các hãng hàng không được vay gói 25.000 - 30.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất (Nhà nước cấp bù lãi suất 4 - 5%) nhằm giúp các hãng chi thường xuyên, mua sắm vật tư thiết bị, thực hiện các chương trình dự án, bảo trì, duy trì hoạt động và phát triển trong và sau dịch. 

Theo đánh giá của VABA, hàng không có triển vọng bùng nổ phát triển sau dịch rất cao, đặc biệt là hàng không tư nhân. Tỷ lệ người dân sử dụng máy bay để di chuyển vẫn còn thấp, dư địa phát triển của thị trường hàng không còn rất lớn, triển vọng đóng góp, hỗ trợ trở lại cho ngân sách, cho nền kinh tế của các hãng hàng không còn nhiều. 

Theo tính toán, hàng không tăng trưởng 2,5% sẽ góp phần kích thích tăng trưởng 1% GDP. Hàng không phát triển sẽ duy trì sức lan tỏa kinh tế tới các ngành khác; kết nối các chuỗi cung cấp, chuỗi hàng hóa, chuỗi giá trị; và góp phần tích cực trong việc phục hồi, phát triển kinh tế nước ta sau dịch. 

Nhật Minh

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI