Hàn Quốc sẽ cạn nguồn phim chiếu rạp vào năm sau

21/04/2025 - 19:06

PNO - Ngành công nghiệp điện ảnh Hàn Quốc đang đối mặt với nguy cơ cạn kiệt nguồn phim chiếu rạp. Những bộ phim được gọi là "phim lưu kho" là các tác phẩm bị hoãn phát hành do đại dịch COVID-19, vốn từng giúp thị trường duy trì sức sống trong suốt 2–3 năm qua, nay đang dần cạn kiệt. Trong khi đó, tiến độ sản xuất phim mới vẫn chưa đủ nhanh để lấp vào khoảng trống.

Cạn nguồn phim dự trữ

Theo Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic), vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch có tổng cộng 45 phim thương mại Hàn Quốc, với kinh phí sản xuất trên 3 tỷ won (khoảng 2,12 triệu USD) được phát hành. Con số này còn 17 phim vào năm 2021, rồi tăng vọt lên hơn 35 vào năm 2022 khi loạt phim lưu kho đồng loạt ra mắt.

Khán giả mua vé tại rạp chiếu phim CGV ở quận Yongsan, trung tâm Seoul, vào ngày 19 tháng 2. Ảnh: Yonhap
Khán giả mua vé tại rạp chiếu phim CGV ở quận Yongsan, trung tâm Seoul, vào ngày 19/2. Ảnh: Yonhap

Tuy nhiên, trong năm nay, số lượng phim thương mại được phát hành lại được dự báo sẽ sụt giảm trở lại. Trước đại dịch, 5 nhà đầu tư – phát hành phim lớn nhất Hàn Quốc gồm CJ ENM, Lotte Entertainment, Showbox, NEW và Plus M Entertainment mỗi năm cung cấp hơn 40 bộ phim ra rạp. Nhưng năm nay, họ dự kiến chỉ phát hành khoảng 20 phim.

CJ ENM, “ông lớn” từng thống trị thị trường phim Hàn, năm nay chỉ phát hành hai phim: No other choice của đạo diễn Park Chan-wook và Pretty crazy của đạo diễn Lee Sang-geun. Đây là con số đáng báo động đối với một công ty đầu ngành.

Để lấp đầy lịch chiếu, các rạp chiếu phim buộc phải gia tăng số lượng phim tái phát hành. Trong năm ngoái, có tới 228 bộ phim được chiếu lại, tăng 80 phim so với năm trước đó và là con số cao kỷ lục kể từ khi dữ liệu này được thống kê từ năm 2013.

Khan hiếm phim Hàn sẽ bắt đầu từ năm sau

Theo các chuyên gia trong ngành, khó khăn thực sự của điện ảnh Hàn Quốc sẽ bắt đầu từ năm tới. Do quá trình sản xuất một bộ phim thường kéo dài từ 2 đến 3 năm, nên việc dòng tiền đầu tư bị "đóng băng" trong giai đoạn đại dịch được dự báo sẽ tác động toàn diện từ năm 2026, mở ra một thời kỳ khan hiếm nội dung nghiêm trọng.

Chỉ khi thị trường thường xuyên có những bộ phim ăn khách, lợi nhuận mới có thể được tái đầu tư để sản xuất các dự án tiếp theo. Tuy nhiên, hiện nhiều phim thậm chí không đạt nổi điểm hòa vốn, chứ chưa nói đến việc thành công phòng vé.

Theo số liệu từ Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic), trong tổng số 37 phim thương mại được phát hành năm ngoái, chỉ có 10 phim thu hồi được vốn. Lượng khán giả đến rạp trong năm 2023 chỉ đạt 123,13 triệu lượt, chưa bằng một nửa so với mức 226,68 triệu lượt vào năm 2019 trước đại dịch.

“Dù vẫn có những bom tấn như Exhuma (2024) hay The roundup (2022), phần lớn các phim khác thậm chí không đạt nổi mốc thành công trung bình là 3 triệu khán giả”, nhà phê bình phim Kim Hyung-seok nhận định.

“Hiện gần như không có phim nào chuẩn bị bắt đầu giai đoạn sản xuất. Tất cả các đơn vị đầu tư – phát hành đều đang gặp khó. Năm tới chúng tôi có thể cố gắng phát hành khoảng 20 phim, nhưng năm tiếp theo có vẻ còn ảm đạm hơn”, ông Lee Kyung-jae, Giám đốc mảng nội dung của Lotte Cultureworks cho biết.

Poster cho bộ phim ″Mickey 17″ của đạo diễn Bong Joon-ho được chụp tại một rạp chiếu phim ở Seoul vào ngày 4 tháng 3
Poster phim Mickey 17 của đạo diễn Bong Joon-ho tại một rạp chiếu phim ở Seoul vào ngày 4/3. Ảnh: Yonhap

“Do lợi nhuận ngày càng thấp, các nhà đầu tư – phát hành dè dặt hơn. Số lượng phim được đầu tư hiện đã giảm xuống chỉ còn một nửa so với thời kỳ trước COVID-19. Thị trường đầu tư phim đang đóng băng”, một nhà đầu tư lớn chia sẻ.

Kịch bản đáng lo nhất hiện nay là một vòng xoáy đi xuống: ít phim được phát hành, lợi nhuận thấp, kéo theo giảm đầu tư và ngân sách sản xuất, dẫn đến suy giảm chất lượng nội dung. Việc không có bộ phim truyện Hàn Quốc nào được mời đến Liên hoan phim Cannes năm nay được xem là dấu hiệu cho sự đi xuống này.

Cần có cú hích từ phía chính phủ

Để vực dậy thị trường điện ảnh đang lao đao, các chuyên gia trong ngành đều nhất trí rằng: phải khơi thông dòng tiền đầu tư. Trong bối cảnh tư nhân không còn đủ sức gánh vác, vai trò kích cầu từ phía Nhà nước trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.

“Hiện tại, các đơn vị đầu tư – phát hành thậm chí không còn đủ khả năng chi trả phí lập kế hoạch và phát triển dự án cho các hãng sản xuất. Chính phủ cần vào cuộc để cứu lấy ngành điện ảnh”, một lãnh đạo công ty đầu tư phim cho biết.

Bom tấn như Exhuma phát hành năm 2024
Bom tấn như Exhuma phát hành năm 2024

Ông Yoon Ha, Trưởng bộ phận phát triển chính sách của Hội đồng Điện ảnh Hàn Quốc (Kofic), cũng nhấn mạnh: “Vấn đề lớn nhất hiện nay là số lượng phim được sản xuất quá ít. Chính phủ cần hỗ trợ cả các đơn vị đầu tư – phát hành lẫn hãng sản xuất ngay từ khâu lập kế hoạch và phát triển nội dung”.

Các nhà phê bình cho rằng ngân sách nhà nước hiện tại vẫn còn quá khiêm tốn so với chi phí sản xuất ngày càng leo thang. Ông Lee Kyung-jae từ Lotte Cultureworks đề xuất nới lỏng các hạn chế đầu tư liên quan đến Quỹ Phát triển công nghiệp văn hóa, một quỹ đầu tư do Nhà nước dẫn dắt. Hiện nay, quỹ này bị cấm rót vốn vào các phim do các tập đoàn lớn như CJ ENM, Lotte hay Plus M Entertainment sản xuất.

“Bây giờ không phải lúc để phân biệt một công ty có thuộc tập đoàn lớn hay không”, ông Lee nói. “Để cứu lấy thị trường điện ảnh Hàn đang sụp đổ, cần tạm thời gỡ bỏ những rào cản đó”.

Trong bối cảnh rạp chiếu vẫn chiếm tới 70% doanh thu toàn ngành điện ảnh và vẫn chưa hồi phục hoàn toàn sau cú sốc đại dịch, nhiều ý kiến cho rằng cần có chính sách hỗ trợ trực tiếp cho hệ thống rạp.

“Chúng tôi cần nguồn vốn để nâng cấp cơ sở vật chất và mở rộng các định dạng chiếu cao cấp nhằm thu hút khán giả trở lại. Nhưng sau nhiều năm thua lỗ, việc vay mới là cực kỳ khó khăn. Chính phủ nên vào cuộc với các gói vay lãi suất thấp hoặc hình thức hỗ trợ tài chính khác”, ông Hwang Jae-hyun, Trưởng bộ phận hỗ trợ chiến lược của CJ CGV chia sẻ.

Tuấn Huy (theo korea Joongang Daily)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI