Hài nhảm đâu chỉ là trách nhiệm của diễn viên!

28/04/2017 - 12:46

PNO - Việc hạn chế sự xuất hiện của một DV có nhiều scandal và phát ngôn gây sốc là cần thiết, trong phạm vi quyền hạn của đài. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với tình trạng hài nhảm phải chỉ ở những diễn viên!

Động thái của Đài truyền hình (TH) Vĩnh Long đối với diễn viên (DV) hài Trấn Thành đã được nhiều khán giả và người làm nghề ủng hộ. Trước thực trạng hài nhảm, dung tục tràn lan trên sóng TH, việc hạn chế sự xuất hiện của một DV có nhiều scandal và phát ngôn gây sốc là cần thiết, trong phạm vi quyền hạn của đài. Tuy nhiên, trách nhiệm đối với tình trạng trên đâu phải chỉ ở những DV!

Hai nham dau chi la  trach nhiem cua dien vien!

Trấn Thành, Hồng Đào và Vân Sơn trong một gameshow
 

Hài nhảm từ đâu?

Khán giả TH từng một thời bội thực với những gameshow, chương trình hài. Có lúc, gần như ngày nào cũng có show hài trên sóng từ đài trung ương đến địa phương. Hiện các gameshow thuần hài đã giảm nhiệt, nhưng nhiều DV hài vẫn được chọn tham gia nhiều chương trình, kể cả khi chương trình chẳng liên quan gì đến lĩnh vực hài như ca nhạc, nhảy múa. 

Thật ra, chuyện các show hài với những gương mặt đình đám quen thuộc xuất hiện thường xuyên cũng không có gì phải bàn nếu chương trình nghiêm túc, chất lượng. Chỉ khi chương trình xàm xí, vô bổ, dung tục thì kể cả khi chấp nhận gameshow là chỉ để giải trí, đừng quá khắt khe, người xem cũng khó chấp nhận. 

Các chương trình liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) và TH hiện nay, dù format nước ngoài hay phiên bản thuần Việt đều phải tuân thủ một quy trình giống nhau theo nhiều thứ bậc. Nhà sản xuất (NSX) - thường là một công ty quảng cáo, truyền thông, sẽ trình định dạng chương trình, thành phần DV, khách mời, thí sinh và nội dung từng tập phát sóng.

Hai nham dau chi la  trach nhiem cua dien vien!
Cái cười dễ dãi của Trấn Thành tại Thách thức danh hài đã giúp Tấn Lợi giành chiến thắng trước đối thủ được cho là nhỉnh hơn, khiến công chúng phản ứng gay gắt. Nhưng, hài nhảm tràn lan đâu phải trách nhiệm của riêng Trấn Thành?

Bản ghi hoàn chỉnh phải được giao cho đài trước khi phát sóng từ một tuần đến mười ngày để kiểm duyệt. Ê-kíp thực hiện chương trình phải lên chủ đề cho từng tập phát sóng, viết kịch bản, tổ chức cho thí sinh tập luyện, ghi hình, hỗ trợ thí sinh (TS) từ nội dung thi thố đến trang phục, đạo cụ, ăn ở… và phải chịu trách nhiệm với tất cả những việc đó.

Trừ các chương trình trực tiếp, những chương trình thuộc nhóm ghi hình - phát lại đều phải qua biên tập hình ảnh, cắt dựng trước khi chuyển cho đài kiểm duyệt - kiểm tra lần cuối. Những yếu tố dung tục, nhạy cảm hay vi phạm thuần phong mỹ tục, phi văn hóa… sẽ bị cắt bỏ, thậm chí phải làm lại cho thích hợp.

Thoạt nghe, quy trình thực hiện một chương trình có vẻ rất chặt chẽ và nghiêm túc; nhưng thực tế lại không phải vậy! Với sự “sáng tạo” của DV, kịch bản trên giấy với thực tế trên sân khấu có khi hoàn toàn khác nhau. Bằng cách diễn cương (do không thuộc kịch bản hoặc cố tình đề cao bản thân, kiếm tiếng cười bằng mọi giá), DV có thể đẩy kịch bản theo một hướng khác.

Từng là tác giả chương trình Diêm Vương xử án, Vương Huyền Cơ cho biết, chị rất bức xúc mỗi khi xem lại tác phẩm của mình trên màn ảnh. Những gì được ghi hình phát sóng khác quá xa so với kịch bản gốc. DV mỗi người tự “quăng miếng” để kiếm tiếng cười dễ dãi, khiến thông điệp chính của chuyện kịch bị mờ nhạt. Không thể đi chung đường với cách làm đó, chị đã rút.

Hai nham dau chi la  trach nhiem cua dien vien!
Hài cương, hài nhảm tràn lan trên sóng

Với các gameshow có huấn luyện viên hoặc người giữ vai trò cố vấn cho TS, thì việc không phục nhau hoặc tranh hơn thua giữa HLV, cố vấn, TS đã khiến chương trình trở nên bát nháo với những hờn dỗi, những màn đấu khẩu nhặng xị, những tố cáo chèn ép… để cuối cùng không ai chịu ai, mỗi người làm một cách, TS lại phải tìm trợ giúp từ bên ngoài, gây mất lòng và ồn ào.

Trong các chương trình hài có tình huống mang nhiều yếu tố ngẫu hứng thì sự quá đà càng dễ xảy ra. Khán giả từng phản ứng với lối diễn lê lết trong những tư thế phản cảm và những câu thoại khiến ai nghe cũng phải đỏ mặt của ca sĩ Long Nhật, hay khó chịu với kiểu “nói xàm” của Lê Giang. DV Quang Minh cũng từng khiến công chúng thót tim khi đòi cắt của quý của bạn diễn hay “cô Cám” Trường Giang khoe chiếc bao cao su vừa lôi ra từ giỏ của nàng Tấm Ngọc Lan ra…

Nếu đủ sức chịu đựng mà ngồi xem, khán giả sẽ chứng kiến không thiếu chuyện… nhảm. Một NS tranh thủ tán tỉnh, lợi dụng ôm bạn diễn là vợ của đồng nghiệp; một DV hồn nhiên ví đồng nghiệp lớn tuổi hơn mình là chó; những DV vừa được công chúng biết đến sau một gameshow bỗng “trở mình” như Thánh Gióng, biến ngay thành giám khảo một cuộc thi, nhận xét vung vít các đồng nghiệp hơn mình cả tuổi đời lẫn tuổi nghề; những màn giả gái uốn éo, những câu thoại, hành động buông tuồng vẫn có thể nhận được cơn mưa lời khen từ ban giám khảo và cũng có thể trở thành tiết mục xuất sắc nhất tuần…

Tất cả khiến người xem không còn biết đâu là giá trị thật của chân, thiện, mỹ.

Hai nham dau chi la  trach nhiem cua dien vien!
Những cảnh "tấu" như thế này nhan nhản trên truyền hình

Tại anh, tại ả, tại cả đôi đường

Suy cho cùng, chất lượng của một chương trình TH không chỉ phụ thuộc vào DV. Trấn Thành bị hạn chế xuất hiện trên TH Vĩnh Long là sự cảnh tỉnh cho cả anh và nhiều DV khác; nhưng còn ê-kíp đạo diễn, biên tập của NSX, bộ phận của đài ở đâu? Nếu NSX và nhà đài cương quyết không chấp nhận lối hài nhảm nhí, dung tục, thì chắc chắc không một DV nào có thể bày những trò dung tục lên màn ảnh TH, khiến công chúng và người làm nghề chân chính bức xúc.

Các NSX ngày nay là DN, nên tất nhiên mục tiêu lợi nhuận luôn được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, nếu NSX có tâm, chương trình hẳn sẽ sạch. Nhưng nếu NSX nhắm mắt chạy đua tỷ suất người xem, cố kiếm thật nhiều tiền quảng cáo, thì sẽ sẵn sàng chấp nhận scandal, nuông chiều DV bất chấp các chuẩn mực.

Thậm chí, trong nhiều trường hợp chúng ta đã biết, chính NSX còn chủ động thổi các scandal nhảm lên thành sự kiện truyền thông, bật đèn xanh cho DV làm mọi thứ để hút khán giả. Trong khi đó, nhà đài cũng vô trách nhiệm, gần như chẳng đóng vai trò gì trong toàn bộ khâu sản xuất chương trình, khoán trắng cho NSX, chỉ rung đùi… thu tiền.

Hai nham dau chi la  trach nhiem cua dien vien!
 

Cho nên, dù nắm trong tay quyền quyết định cuối cùng - yêu cầu cắt bỏ, dựng lại, thậm chí từ chối phát sóng, nhưng các BTV ở đài cũng nhắm mắt cho qua khi “kế hoạch sản xuất, phát sóng” đã được thông qua và kéo theo những hợp đồng nặng ký. Họ sẽ chỉ can thiệp khi chương trình xuất hiện những vi phạm về chính trị hay tôn giáo hoặc thuần phong mỹ tục hết sức rõ ràng, còn thì chuyện hài nhảm và những trò lố luôn được dễ dàng cho qua.

Trong cái dây chuyền hài nhảm này, có thể quy trách nhiệm lớn nhất cho lãnh đạo các đài, vì đó là những người chịu trách nhiệm về tất cả những gì phát trên đài mình đang làm xếp! Không thể, cứ có hậu quả xảy ra, khi khán giả và dư  luận lên tiếng, cơ quan chức năng sờ gáy thì đổ hết trách nhiệm lên đầu DV và NSX; còn nhà đài xem như vô can. Thậm chí, khi bị xử phạt thì đóng phạt là chuyện của… NSX, dù quyết định xử phạt ghi rõ đơn vị vi phạm là nhà đài.

Để xảy ra hài nhảm, không thể dồn hết trách nhiệm cho người DV. Một tác giả tử tế sẽ không viết ra những kịch bản rẻ tiền, câu khách. Những DV chân chính sẽ không bán rẻ tên tuổi của mình chỉ để mua vài tiếng cười dễ dãi bằng những trò lố. Một ê-kíp tử tế cũng chẳng bao giờ để chương trình mình thực hiện chỉ là đồ nhảm nhí. Và, những thứ nhảm nhí đó cũng chẳng thể phát sóng đầu độc khán giả được, nếu các đài làm việc đúng lương tâm trách nhiệm.

Hai nham dau chi la  trach nhiem cua dien vien!
 

Chuyện nhà đài “bán sóng truyền hình” công chúng ai cũng đã biết, vấn đề là nhà đài bán như thế nào để đảm bảo được chất lượng từng chương trình, để không trở thành con cờ của NSX, bởi trước hết và trên hết, những gì phát sóng chính là trách nhiệm và uy tín của đài trước khán giả, trước pháp luật và trước lương tâm của người làm nghề. Nếu cấm cửa Trấn Thành mà không cấm hết dây chuyền liên quan thì có công bằng và minh bạch?

Nếu Trấn Thành đã nói lời xin lỗi, liệu các TGĐ, GĐ đài truyền hình từ trung ương đến địa phương từng phát sóng những chượng trình nhảm nhí có cần phải nói lời xin lỗi công chúng? Điều quan trọng nhất trong nỗ lực chấn chỉnh lại các chương trình giải trí trên truyền hình là phải có sự nỗ lực đồng bộ, chứ không phải là đổ lỗi cho một cá nhân hay đơn vị nào. 

Mấu chốt của câu chuyện là khán giả luôn cần là những chương trình hài chất lượng, vừa đảm bảo tính nghệ thuật, vừa có thể giải trí, để cả gia đình có những phút thư giãn trước màn hình TV. Chẳng khán giả nào muốn Trấn Thành bị phạt hay nhà đài phải bị xử lý. Chỉ mong tất cả những người thực hiện các chương trình chịu làm việc thật sự bằng cái tâm; cơ quan quản lý có cơ chế đúng và những người giám sát chịu mở to mắt, không thỏa hiệp, thì những thứ vô bổ, độc hại sẽ không còn đất sống.

TG Vương Huyền Cơ

Kịch bản được kiểm soát qua rất nhiều cửa trước khi giao cho DV. Từng câu thoại của nhân vật đều có thể bị người kiểm soát yêu cầu cắt bỏ vài từ vì muốn an toàn, sợ đụng chạm đến những vấn đề nhạy cảm của đời sống dân sinh, những vấn đề bức xúc trong xã hội. Còn những điều vô thưởng vô phạt, nhảm nhí, thì họ thường dễ dãi cho qua. Cũng cần phải coi lại tâm và tầm của một số người có trách nhiệm.


Thanh Hồ

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI