Hai bà mẹ và những chiếc huy chương dancesport

29/11/2020 - 06:59

PNO - Lần đầu tiên, nhân vật tôi phỏng vấn bắt buộc phải có mẹ đi cùng. Ngồi trước tôi là hai bà mẹ, cùng cặp đôi vận động viên dancesport (khiêu vũ thể thao) Tiến Mạnh - Quỳnh Phương, đương kim vô địch U18 Quốc gia.

Tôi kinh ngạc khi tận mắt ngắm nhìn bộ sưu tập huy chương, thành tích của Phương và Mạnh. Đếm sơ sơ cũng đến vài trăm chiếc, không tính những tấm huy chương cá nhân của mỗi người, trước thời điểm các em chính thức được tập luyện và thi đấu cùng nhau. Chỉ tính gần hai năm trở lại đây, cặp đôi này đã sở hữu 24 huy chương vàng của rất nhiều giải đấu lớn trong nước và quốc tế. 

Đam mê và ý chí

Suốt buổi trò chuyện, những nhân vật chính không mặn mà khi nhắc đến “bộ sưu tập thành tích” của mình. Họ cuốn tôi vào những kỷ niệm của quá trình tập luyện và thi đấu. Dường như với họ, thành tích không phải là đích đến. Cái đích cuối cùng là được khiêu vũ. Dòng ký ức của họ lộn xộn về trình tự. Những kỷ niệm về một buổi tập nào đó hay chi tiết nhỏ trong buổi thi đấu đã qua được họ kể say sưa với âm hưởng đồng nhất, thấm đẫm niềm đam mê không giới hạn với dancesport.

Cặp đôi dancesport  Tiến Mạnh - Quỳnh Phương hiện đang đứng thứ 142 trên bảng xếp hạng trẻ thế giới trong bộ môn dancesport.  Đây là thành tích cao nhất của  một cặp đôi dancesport Việt Nam
Cặp đôi dancesport Tiến Mạnh - Quỳnh Phương hiện đang đứng thứ 142 trên bảng xếp hạng trẻ thế giới trong bộ môn dancesport. Đây là thành tích cao nhất của một cặp đôi dancesport Việt Nam

Quỳnh Phương, cô bé 13 tuổi, trước câu hỏi cảm giác thế nào khi đoạt cúp vô địch U18 Quốc gia, liên tục nhắc đến những người thầy của mình, cũng là những thần tượng dancesport mà em dõi theo từ bé. Quỳnh Phương không nhắc tới mẹ khi nói lời cảm ơn. Cô bé giải thích: “Mọi lời cảm ơn em nghĩ đều không đủ. Mẹ luôn hy sinh tất cả cho em. Mẹ luôn đứng bên cạnh mỗi khi em ngã xuống hay bị chấn thương sau sàn tập. Chưa bao giờ mẹ rời mắt khỏi em. Mẹ ở ngay đây để em có thể sà vào lòng sau mỗi ngày mệt mỏi”. 

Từ nhỏ, Quỳnh Phương đã là cô bé cá tính, độc lập và đầy ý chí. Bất kể việc gì, khi đã thích, Phương sẽ làm đến cùng. Cô bé luôn cố gắng bằng tất cả sức lực của mình. Chính chị Linh - mẹ Phương - cũng từng tìm cách ngăn con từ bỏ đam mê. Trái tim người mẹ quặn thắt mỗi khi chứng kiến con gái tập đến đau lưng, trẹo xương… mồ hôi hòa vào nước mắt trên sàn tập.

Chị Linh nói: “Tôi không hề muốn con phải cố gắng nhiều đến thế. Con chỉ là một học sinh ngoan ngoãn, tôi đã hạnh phúc lắm rồi. Nhưng có lẽ con sợ mẹ không cho đi tập, nên nhiều hôm rời sàn tập lúc 11 giờ đêm mà về nhà vẫn miệt mài làm bài tập ở trường xong mới đi ngủ”.

Cậu bé lập dị và đường lên đỉnh vinh quang

Có một điểm chung giữa hai bà mẹ của cặp đôi Tiến Mạnh - Quỳnh Phương. Họ đều là những bà mẹ đơn thân. Đối với chị Linh, việc để Quỳnh Phương tiếp tục đi theo con đường tập luyện, chính là chiều theo niềm đam mê của con. Nhưng với chị Bùi Thị Huệ (mẹ Tiến Mạnh), bộ môn dancseport đã cứu rỗi cuộc đời con trai chị. Chị Huệ nói: “Tôi không tưởng tượng nổi một ngày nào đó, con trai mình có thể ngồi nói chuyện bình thường với người khác.

“Em ước mơ sẽ vô địch quốc gia, vô địch SEA Games và sau này khi không còn tham gia thi đấu nữa, em sẽ trở thành huấn luyện viên, dạy dancesport cho các em nhỏ từng bị “thiểu năng giao tiếp” như mình”, Tiến Mạnh cho biết. 

Còn  Quỳnh Phương mơ ước sẽ vô địch SEA Games và sau này khi không còn thi đấu nữa, em mong mình trở thành một kiến trúc sư. Ước mơ lớn nhất của cả hai là bộ môn dancesport sẽ được phổ biến rộng rãi, nhiều người quan tâm hơn.

Từ nhỏ, Mạnh bị chậm nói, cháu không muốn tương tác với mọi người. Khi tôi đưa con đi khám, bác sĩ ở Bệnh viện Nhi Trung ương kết luận Mạnh mắc bệnh thiểu năng giao tiếp,  một nhánh của bệnh tự kỷ. Trái đất như sụp đổ dưới chân tôi. Nhiều lúc nhìn con lầm lũi một mình, nước mắt tôi cứ thế tuôn không thể kiểm soát. Tôi đã thử nhiều cách để con hòa nhập với các bạn nhưng con chỉ đứng nhìn rồi quay đi, không nói gì với ai. Có ngày, con chỉ nói 1-2 câu rồi lại quay về thế giới của riêng nó”. 

Không đầu hàng, chị Huệ dành thời gian đưa con tới rất nhiều trung tâm văn hóa thể thao; cho con tập bóng chuyền, cầu lông, bóng đá, múa, thanh nhạc, khiêu vũ thể thao… chỉ mơ ước một ngày nào đó con mình sẽ trở thành một cậu bé bình thường như bao cậu bé khác.

Đối với một người có hoàn cảnh bình thường, việc nỗ lực để giành lấy tia hy vọng le lói cho đứa con tự kỷ đã là phi thường. Còn chị Huệ, một nách hai con nhỏ, khó khăn trăm bề vẫn đều đặn mỗi ngày chở Mạnh đi hơn 30km để tập dancesport. Tuổi thơ của cậu bé Mạnh lớn lên sau lưng mẹ. Mẹ con họ bìu ríu nhau đi như thế trong nhiều tuần, nhiều tháng, nhiều năm từ ngoại thành về Trung tâm Hà Nội để chữa bệnh cho con bằng dancesport.

Chị Huệ nói: “Số phận đã không công bằng với Mạnh. Tôi chỉ nghĩ là mình nên cố gắng hết sức để có thể giành lấy sự công bằng cho con”.  Nói đoạn, chị Huệ bật khóc. Tôi hiểu đó là những giọt nước mắt chứa chan hạnh phúc của một người mẹ phi thường. 

Tôi hỏi Tiến Mạnh: “Cuối cùng thì Mạnh đã đến với bộ môn dancesport hay là chính dancesport đã đến với cuộc đời Mạnh”? Cậu bé trả lời: “Con cũng không biết nữa. Con chỉ biết rằng nếu vì một lý do nào đó mà không được nhảy nữa thì con sẽ bị ốm mất. Càng tập, con càng thấy dancesport đã đánh thức mọi giác quan của mình. Càng tập, càng say mê, con càng thấy vui vẻ, hòa đồng với mọi người hơn”.  

Nếu chị Huệ không nói Tiến Mạnh từng có “bệnh án” tự kỷ, có lẽ tôi và mọi người đều chỉ nghĩ em ít nói, sống hơi khép mình. Chị Huệ nói: “Nếu không có dancesport, con trai tôi chắc không được như hôm nay”. Nhưng tôi lại nghĩ, nếu không có nỗ lực quá phi thường của cả hai mẹ con họ thì giờ đây không có một nhà vô địch U18 quốc gia ở độ tuổi 16 như Tiến Mạnh hiện tại. 

Với mật độ luyện tập khoảng trên 20 giờ/tuần (chưa kể những đợt tập luyện đột xuất và thi đấu), nếu chỉ tính quãng đường cặp đôi này nhảy trên sàn theo tốc độ đi bộ trung bình của một người bình thường thì cô bé Minh Phương, 13 tuổi và cậu bé Tiến Mạnh, 16 tuổi đã “đi bộ” trong niềm đam mê dancesport của mình ước tính vài vạn cây số, một vòng tròn quanh trái đất. 

Em muốn nói lời cảm ơn anh Mạnh, dù anh gần như chẳng nói chuyện với em bao giờ. Kể từ khi em với anh Mạnh luyện tập và thi đấu đôi cùng nhau gần hai năm nay, ngày nào cũng tập luyện với nhau nhưng anh ấy chỉ nói nhiều nhất là câu: “Xin chào!”. Biết được hoàn cảnh đặc biệt của anh Mạnh, em càng thấy khâm phục hơn. Nhờ anh ấy mà em có thêm động lực để phấn đấu hơn nữa trong tập luyện và cuộc sống.

Quỳnh Phương

Trên hành trình “vòng quanh trai đất” đó, có hai bà mẹ đơn thân luôn dõi theo các con của mình. Họ tuy hai mà một, không thể tách rời. Có lẽ chính vì điều đó mà khi tôi hỏi Mạnh, con muốn nói lời cảm ơn sâu sắc nhất tới ai, Mạnh đã trả lời ngay: “Con cảm ơn hai mẹ!”. Nói xong, mắt cậu nhìn mẹ Linh đầy tin cậy.  Nghe vậy, cả hai bà mẹ cùng nở nụ cười rạng ngời hạnh phúc. Chị Linh nói rằng: “Chúng tôi sinh ra để cho nhau”. 

Cho đến lúc này, tôi mới hiểu có lẽ đối với Mạnh, cả hai người phụ nữ ấy chỉ có thể gọi bằng một cái tên chung là “mẹ” và ngược lại. 

Kết thúc buổi trò chuyện, tôi thấy hai mẹ đang bàn nhau mua thuốc gì cho cái cơ lưng đau của cô bé Quỳnh Phương và thuốc gì cho cái cánh tay đau của Tiến Mạnh do buổi tập trước cường độ quá cao. Và  chắc hẳn bạn đọc cũng thắc mắc vì sao không có hình ảnh của hai bà mẹ trong bài viết này. Đó là cách họ chọn, đứng sau và dõi theo con mình. Họ đang đi trong đam mê, hạnh phúc. 

Chi Mai 

Ảnh: Bích Liên

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI