Hà Nội khẩn cấp lập thêm trạm y tế lưu động ứng phó COVID-19

15/12/2021 - 06:42

PNO - Số ca mắc COVID-19 (F0) liên tục tăng trong tuần qua và chạm ngưỡng 1.000 ca trong ngày 13/12 khiến TP.Hà Nội đối diện với nguy cơ quá tải F0 tại các bệnh viện cũng như thiếu nhân viên y tế hỗ trợ bệnh nhân tự cách ly, điều trị tại nhà.

Y tế cơ sở xử lý không xuể

Ba bố con anh N.M.P. (P.Trung Liệt, Q.Đống Đa) nhận kết quả dương tính từ ngày 8/12, nhưng sau khi báo lên đường dây nóng của UBND phường, mãi tới sáng 11/12, mới có người gọi điện lại cho gia đình anh để hỏi thông tin. Anh P. kể: “Trong suốt ba ngày đó, gia đình tôi khá hoang mang. Hai con của tôi sốt trên 390C, chúng tôi cũng phải tự dùng thuốc sẵn có trong nhà để hạ sốt và nhờ hàng xóm mua dùm đồ ăn. Tuy nhiên, chúng tôi phải kiên nhẫn chờ vì nếu tự ý ra khỏi nhà để đến bệnh viện (BV), sẽ làm tăng nguy cơ lây nhiễm cho cộng đồng”.

Cũng trong ngày 11/12, lực lượng chức năng của phường mới đến dán giấy để cách ly y tế ở cổng nhà anh P. Nhưng, cũng từ đó đến nay, gia đình anh P. chưa nhận được bất cứ hướng dẫn nào về việc tự điều trị bệnh. “Thậm chí, lực lượng chức năng còn dán kín cả cửa sổ khiến không khí trong nhà bức bí và chúng tôi cũng không thể nhận được đồ tiếp tế từ bên ngoài. Do đó, chúng tôi phải tự gỡ bỏ giấy dán” - anh P. cho hay. 

Thậm chí, ngày 13/12, các F0 phải tự đến trạm y tế phường để xét nghiệm chứ không có nhân viên y tế đến nhà lấy mẫu hay hướng dẫn việc tự lấy mẫu xét nghiệm nhanh như thông báo của ngành y tế. “Chúng tôi đã trình bày rằng không thể đi xuống nhà xe hay bắt taxi vì sợ lây nhiễm cho cộng đồng, nhưng y tế phường vẫn yêu cầu đến lấy mẫu ở phường nên tôi và các con phải đi bộ đến trạm y tế phường để lấy mẫu” - anh P. nói thêm.

Chúng tôi đã liên lạc với Trạm y tế P.Trung Liệt để làm rõ thông tin mà anh P. phản ánh, nhưng một nhân viên ở đây cho rằng mình không có thẩm quyền và quá bận để trả lời. Thực tế, trên mạng xã hội, có nhiều trường hợp bày tỏ lo lắng khi đã test nhanh cho kết quả dương tính, có biểu hiện ho, sốt nhưng chưa được hướng dẫn cách xử trí. đưa đi điều trị ngay trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm PCR. Gia đình của nhiều F0 không biết “kêu ai” để có thể hỗ trợ.

Điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại Trạm y tế lưu động ở phường Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội - ẢNH: BẢO KHANG
Điều trị F0 triệu chứng nhẹ tại Trạm y tế lưu động ở phường Khương Trung, Q.Thanh Xuân, Hà Nội - Ảnh: Bảo Khang

Đây có thể là một trong những nguyên nhân khiến nhiều trường hợp tự ý đến BV sau khi tự test nhanh cho kết quả dương tính với vi-rút SARS-CoV-2. Chẳng hạn, có ngày, BV Thanh Nhàn ghi nhận 20 trường hợp, BV Đa khoa Đức Giang ghi nhận khoảng năm trường hợp. Bác sĩ Nguyễn Văn Thường - Giám đốc BV Đa khoa Đức Giang - cảnh báo BV này điều trị tầng 3 trong tháp điều trị COVID-19 (dành cho bệnh nhân nặng). Hiện tại, dù chưa quá tải nhưng BV này không tiếp nhận bệnh nhân COVID-19 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Việc các bệnh nhân tự ý đến BV có thể làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm, ảnh hưởng tới công tác chống dịch.
Để giải quyết vấn đề này, mới đây, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã yêu cầu các địa phương, trong đó có TP.Hà Nội, phải ngay lập tức thiết lập đường dây nóng để tiếp nhận thông tin các ca dương tính do test nhanh của các đơn vị, doanh nghiệp, người dân, từ đó hướng dẫn cụ thể, tuyên truyền người dân thực hiện đúng theo hướng dẫn của lực lượng chức năng.

Khẩn cấp mở thêm trạm y tế lưu động

Ngày 14/12, TP.Hà Nội tiếp tục ghi nhận số ca mắc tăng cao. Trước đó, ngày 13/12, toàn thành phố có 1.000 ca mắc mới, khiến TP.Hà Nội trở thành địa phương có số ca mắc COVID-19 đứng đầu cả nước trong ngày. Đáng lưu ý, ngoài lượng bệnh nhân tăng, số ca bệnh ở mức độ trung bình, nặng hoặc nguy kịch, phải thở ô-xy, thở máy không xâm lấn hay có xâm lấn đều tăng cao so với trung bình bảy ngày trước. 

Trước tình hình này, Thường trực Thành ủy và UBND TP.Hà Nội phải xây dựng kịch bản, phương án ứng phó khi số F0 tăng lên 2.000 và 3.000 ca/ngày. Để hỗ trợ y tế cơ sở, Thành ủy cũng chỉ đạo tiếp tục huy động sự tham gia của các BV, cơ sở y tế của các bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn, các cơ sở y tế ngoài công lập; chỉ đạo hoàn thành ngay cơ chế, chính sách để huy động lực lượng y, bác sĩ đã nghỉ hưu, sinh viên ngành y tham gia...

Hiện nay, một trong những biện pháp mà TP.Hà Nội tập trung triển khai là tăng cường số trạm y tế lưu động để tiếp nhận F0 thể nhẹ. Theo Sở Y tế TP.Hà Nội, đến hết ngày 13/12, ngành y thành phố đang điều trị cho 9.463 bệnh nhân COVID-19; trong đó, có 3.340 người đang cách ly, điều trị tại trạm y tế lưu động và tại nhà, chiếm hơn 35%, số còn lại điều trị tại các cơ sở điều trị COVID-19 và các BV. Nhằm tiếp tục giảm tải cho các BV, UBND các quận, huyện đang gấp rút xây dựng, tìm kiếm thêm địa điểm để đưa trạm y tế lưu động vào vận hành.

Qua rà soát, Q.Hai Bà Trưng có chưa tới 30% hộ đủ điều kiện để bệnh nhân cách ly, điều trị tại nhà. Do đó, UBND quận chỉ đạo cải tạo ký túc xá Trường đại học Xây dựng Hà Nội (ở P.Đồng Tâm) thành trạm y tế lưu động với quy mô 250 giường, chuẩn bị đưa vào sử dụng. Còn tại Q.Hoàn Kiếm, hai trạm y tế lưu động Đồng Xuân, Hàng Thiếc cũng chuẩn bị hoạt động. Ngoài ra, UBND Q.Hoàn Kiếm cũng vừa trưng dụng Trung tâm Giáo dục từ xa Nguyễn Văn Tố và Trường tiểu học Quang Trung làm trạm y tế lưu động. Ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND Q.Hoàn Kiếm - cho biết nếu cần thiết, quận có thể thành lập tới 38 trạm y tế lưu động.

Theo kế hoạch, TP.Hà Nội sẽ thành lập 508 trạm y tế lưu động, thu dung và điều trị F0 dạng nhẹ hoặc không triệu chứng. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, với số ca mắc tăng nhanh như hiện nay, Hà Nội nên chủ động triển khai các biện pháp đối phó với số ca nhiễm cao hơn để không bị động hay thiếu hụt nhân lực, vật lực. Đặc biệt, việc triển khai và cung ứng đủ các gói thuốc - từ gói thuốc A tới gói thuốc C - để F0 tự điều trị tại nhà là vô cùng quan trọng, đảm bảo an toàn sức khỏe và giúp người dân yên tâm. 

Minh Quang

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI