Hà Nội: Chưa hết học kỳ I đã nóng tuyển sinh đầu cấp

02/12/2022 - 06:59

PNO - Dù hơn 1 tháng nữa mới kết thúc học kỳ I nhưng nhiều trường ngoài công lập tại Hà Nội đã khởi động tuyển sinh năm học 2023-2024. Các trường tìm nhiều cách để hút thí sinh. Phụ huynh thì vừa chấp nhận “đặt cọc giữ chỗ”, vừa ráo riết đưa con đi “luyện lò”.

 

Chỉ mới cuối học kỳ I nhưng cuộc đua tuyển sinh đầu cấp cho năm học sau ở Hà Nội đã nóng lên  (trong ảnh: Phụ huynh đăng ký tuyển sinh cho con vào Trường tiểu học và THCS Thăng Long - Hà Nội năm học 2021-2022) - ẢNH: M.T
Chỉ mới cuối học kỳ I nhưng cuộc đua tuyển sinh đầu cấp cho năm học sau ở Hà Nội đã nóng lên (trong ảnh: Phụ huynh đăng ký tuyển sinh cho con vào Trường tiểu học và THCS Thăng Long - Hà Nội năm học 2021-2022) - Ảnh: M.T

“Nóng” cuộc đua tuyển sinh của các trường

Nửa cuối tháng Mười hai, Trường liên cấp Ban Mai mới phát hành hồ sơ tuyển sinh lớp Sáu và hồ sơ tuyển sinh tiểu học. Trường dự kiến tổ chức thi học bổng lớp Sáu, học bổng khối tiểu học, học bổng lớp Mười vào tháng Ba, tháng Tư, tháng Sáu năm 2023. Cổng thông tin đăng ký tuyển sinh của trường này đã được mở cả tháng nay. Thậm chí, trường còn có “chính sách” cho phụ huynh “nhận ưu đãi tuyển sinh khi đăng ký tham gia sự kiện phát hành hồ sơ”. 

Hệ thống giáo dục Ngôi Sao Hà Nội cũng nhận đăng ký tuyển sinh lớp Sáu từ đầu tháng Mười một. Hệ thống này dự kiến sẽ hoàn thành tuyển sinh lớp Sáu, phương thức xét tuyển thẳng vào tháng 1/2023; hoàn thành tuyển sinh lớp Sáu, phương thức xét tuyển qua đánh giá năng lực (dựa vào kết quả thi học bổng) vào tháng 2/2023. 

Đầu tháng Mười một, phụ huynh học sinh lớp Năm Trường tiểu học Nguyễn Siêu đã tham dự hội thảo do nhà trường tổ chức. Hội thảo nằm trong hoạt động tuyển sinh năm học 2023-2024 của Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu. Ngoài việc trao đổi, cung cấp cho cha mẹ về lộ trình học tập cấp THCS tại trường, phương thức tuyển sinh lớp Sáu của trường cũng được phổ biến.

Mỗi năm, Trường THCS - THPT Nguyễn Siêu chỉ tuyển khoảng 200 chỉ tiêu lớp Sáu, trong đó 1 đợt dành cho học sinh lớp Năm của Trường tiểu học Nguyễn Siêu, 1 đợt dành cho học sinh các trường khác. Thậm chí, trường còn ưu tiên những học sinh có duy nhất nguyện vọng vào lớp Sáu của trường.

“Cuộc đua” vào đầu cấp các trường ngoài công lập, trường công lập chất lượng cao ngày càng gắt gao. Trường tiểu học và THCS Newton 5 thậm chí đã tổ chức xong kỳ thi học bổng lần 1 dành cho học sinh lớp Năm - đăng ký tuyển sinh vào lớp Sáu của trường. Trường này còn đưa ra các mức học bổng hấp dẫn (100%, 70%, 50%, 30%, 20%) để thu hút thí sinh trên cả nước.

Phụ huynh, học sinh cùng “chạy đua”

Không chỉ diễn ra các hoạt động tuyển sinh từ sớm, thu hút học sinh bằng nhiều chính sách ưu đãi; nhiều trường còn yêu cầu phụ huynh “đặt cọc giữ chỗ”. Tùy theo quy định từng trường, số tiền “giữ chỗ” từ 10-30 triệu đồng/học sinh.

Học sinh dự thi vào lớp Sáu Trường tiểu học và THCS Newton 5 đã nhận được kết quả. Những thí sinh đậu, ngoài lời chúc mừng từ nhà trường, là thông báo quan trọng về việc “đặt cọc giữ chỗ”. Số tiền là 12 triệu đồng/học sinh, hạn nộp 2/12/2022. Nếu không đặt cọc thì mức học bổng đạt được sẽ không còn giá trị. Trường hợp không nhập học, theo học thì sẽ không được hoàn trả số tiền đã đặt cọc.

Một số trường chưa tổ chức thi học bổng, thi tuyển nhưng những năm gần đây đều yêu cầu phụ huynh đặt cọc khoảng 20 triệu đồng để giữ chỗ. Tất cả trường ngoài công lập tại Hà Nội đều xác định thi tuyển là yếu tố cần và việc “đặt cọc giữ chỗ” là yếu tố đủ để hoàn thành tuyển sinh; duy nhất hệ thống trường Marie Curie là được hoàn tiền nếu không theo học.

Tuy nhiên, thực tế vẫn không ít phụ huynh xác định, dù đã “đặt cọc giữ chỗ”, thì đó cũng chỉ là 1 trong số các lựa chọn cho con. Bởi không phải phụ huynh nào cũng có nguyện vọng 1 là trường ngoài công lập. Nhiều phụ huynh muốn con thử sức ở các trường công lập chất lượng cao, hoặc trường chuyên. Nhưng vì các trường này thường tuyển sinh năm học mới khi đã kết thúc năm học cũ; tỉ lệ cạnh tranh còn khốc liệt hơn thi đại học gấp nhiều lần - nên các phụ huynh chấp nhận: nếu đậu trường công chất lượng cao, trường chuyên thì bỏ cọc ở trường tư.

Ngoài bài toán “đặt cọc giữ chỗ”, nhiều cha mẹ còn “lặn lội” vào các hội nhóm phụ huynh xin đề thi trong những kỳ tuyển sinh trước để cho con ôn luyện. Anh Lê Văn Dũng (huyện Đông Anh) hướng cho con thi vào Trường liên cấp Archimedes Đông Anh. Sau khi tìm hiểu đề thi những năm trước, anh như trút được gánh nặng: “Tháng Một năm sau con tôi thi vào lớp Sáu, nhưng đề thi của trường Archimedes Đông Anh không gồm kiến thức học kỳ II lớp Năm, các cháu học đến đâu thì thi lượng kiến thức tại thời điểm đó”.

Không chỉ hội nhóm phụ huynh, mà các trang mạng xã hội giới thiệu không ít thầy cô giáo luyện thi cũng sôi nổi ngay khi vừa bước vào năm học 2022-2023. Thỉnh thoảng trên mạng xã hội Facebook lại xuất hiện tiêu đề nội dung “Thầy A. luyện thi lớp Sáu trường B năm học 2023-2024”, “luyện thi lớp Mười môn ngoại ngữ năm học 2023-2024 cô C. trường D”… Thực tế các lớp luyện thi này hoạt động mạnh là do nhu cầu không nhỏ của nhiều phụ huynh. 

Anh Từ Văn Toàn có con đang học lớp Năm tại một trường tiểu học và THCS công lập tự chủ tài chính ở ngoại thành. Để vào lớp Một, lớp Sáu của trường này, thí sinh cũng phải trải qua kỳ đánh giá năng lực. Song anh Toàn muốn con học bậc THCS tại trường công lập chất lượng cao trong nội thành. Nên từ khi cháu học lớp Hai, hết giờ học ở trường là vợ chồng anh đã thay nhau đưa con vào nội thành để ôn luyện tại các lớp học thêm. Thương con 1 ngày mất mười mấy tiếng học ở trường, học thêm, song anh cho biết “nếu không ôn luyện như vậy, thì không thể nào đáp ứng được tỉ lệ chọi 1/20 - 1/30 như những năm qua”. 

Uông Ngọc

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI