Giữ lấy lòng tự trọng

27/04/2019 - 05:00

PNO - Các bạn học sinh luôn phải biết giữ nhân cách và lòng tự trọng. Đừng để tiền bạc và quyền lực của gia đình trải thảm đỏ cho các bạn. Bởi không có tài năng, sớm muộn các bạn cũng bị xã hội nhận diện và đào thải.

Hằng năm, cứ đến kỳ thi đại học (ĐH) là tôi lại nôn nao khó tả. Sẽ có nhiều ước mơ được chắp cánh. Cổng trường ĐH mở ra để đón những tân sinh viên xứng đáng. Rồi các em sẽ trở thành những bác sĩ, giáo viên… trong tương lai. Ấy thế mà đâu ai ngờ, hàng loạt thí sinh ở Hà Giang, Sơn La, Hòa Bình đã trở thành thủ khoa, á khoa của nhiều trường ĐH năm 2018 là nhờ gian lận điểm thi trắng trợn, trong khi các thí sinh khác phải học ngày học đêm để cạnh tranh nhau từng 0,01 điểm. 

Tôi còn nhớ giọt nước mắt của hai mẹ con thí sinh N.P.H. (Thạch Thất - Hà Tây) thi toán: 9,4; hóa: 9,75; sinh: 10 nhưng vẫn bị loại khỏi Trường ĐH Y Hà Nội. Và còn biết bao trường hợp như thế nữa mới đủ chỗ cho 222 thí sinh thuộc ba tỉnh trên được nâng điểm. Thử hỏi nếu gian lận trót lọt thì sau này ra trường, thiếu cả tài lẫn đức các bạn sẽ đóng góp được gì cho đất nước? Hay lại có thêm những con sâu khác cả đời chỉ gia công đục ruỗng những chuẩn mực đạo đức của xã hội?

Giu lay long tu trong
Các bạn học sinh luôn phải biết "dũng cảm" bước đi bằng chính đôi chân của mình thì sự thành công mới có giá trị

Đau đớn hơn khi vì các em mà biết bao thí sinh xứng đáng khác đã bị đẩy ra oan uổng. Không ít trong số đó là những học trò nghèo nỗ lực vươn lên. Đằng sau các em là những phụ huynh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” tích cóp từng đồng để con dùi mài kinh sử. 

Còn nhớ khi tôi còn nhỏ, ngoài giờ đến trường, lũ trẻ chúng tôi thường rủ nhau đi bắt cua, nhặt phế liệu. Trước cửa nhà tôi là doanh trại bộ đội. Ngày đó, doanh trại chưa có tường rào, chúng tôi vào đó nhặt chai lọ, xoong nồi hỏng, sắt vụn… Một hôm, mẹ thấy trong đống đồ nhặt về có chiếc xoong nhôm còn mới. Khi biết đó là chiếc nồi tôi “nhặt” ở bể nước gần bếp của các chú bộ đội thì mẹ giận lắm. Mẹ bảo: như thế là lấy cắp. Tối hôm ấy, mẹ bắt anh em tôi mang nồi sang trả. Nhờ sự nghiêm khắc của mẹ mà anh em tôi chẳng bao giờ có mặt trong đám trẻ con đi hái trộm quả.

Ở trường, bạn bè bị điểm kém hay khóc lóc xin cô đừng ghi vào sổ điểm. Nhưng tôi thì không bao giờ xin vì mẹ nói: “Nếu không trung thực thì đừng đi học làm gì”. Năm tôi thi lên cấp III, phụ huynh cả làng rủ nhau tìm nhà người quen để chạy chọt, riêng bố mẹ tôi thì không. Bố nói: “Học được thì ấm thân, không thì về làm ruộng. Xin xỏ đâm hư”. 

Còn biết bao vụ gian lận thi cử đã không được phanh phui? Bao ước mơ bị nạn tiêu cực thi cử vùi dập? Và biết bao nhiêu học trò thiếu lòng tự trọng đang ngồi nhầm chỗ? Nhưng trước hết, tôi mong những người làm cha mẹ hiểu rằng giáo dục gia đình chính là nền tảng phát triển nhân cách một con người. Tôi cũng mong các học sinh hãy nhớ giữ lấy lòng tự trọng để đừng bao giờ ngồi nhầm chỗ. Đừng để tiền bạc và quyền lực của gia đình trải thảm đỏ cho các bạn. Bởi không có tài năng, sớm muộn các bạn cũng sẽ bị xã hội nhận diện và đào thải. 

(TP.HCM)

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI