Giữ gìn hồn cốt dân tộc trong tà áo dài

08/03/2022 - 07:59

PNO - Trào lưu giới trẻ mặc lại áo dài không phải là nhất thời, mà đó là sự phục hưng của áo dài hiện nay, cho thấy chiếc áo dài đóng vai trò ngày càng quan trọng trong văn hóa, đời sống dân tộc.

Ngày 7/3, Nhà Văn hóa Phụ nữ đã phối hợp với Hội LHPN TP.HCM tổ chức chương trình tọa đàm với chủ đề “Áo dài Việt Nam - Tôn vinh vẻ đẹp Việt”. 

Tham dự chương trình có TS Tâm lý Lý Thị Mai, ThS Nghệ thuật - Nhà thiết kế Sỹ Hoàng, đại diện Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố, Ban giám đốc Nhà Văn hóa Phụ nữ, Ban thường vụ Hội LHPN 21 quận, huyện, TP. Thủ Đức, ba đơn vị lực lượng vũ trang thành phố và đông đảo hội viên, phụ nữ các giới trên địa bàn thành phố.

Áo dài ra bãi công-tai-nơ, vào đơn vị

Trong bộ áo dài chất liệu nhung màu mận chín nền nã, truyền thống, chị Lý Tú Anh - thành viên chi hội Nữ doanh nhân TP. HCM - khiến nhiều người cảm thấy thú vị khi tiết lộ chị làm việc trong ngành vận chuyển công-tai-nơ đã hai mươi năm. “Đó là một môi trường làm việc hết sức khô khan, nói không quá thì có phần “hổ báo” khi đối tượng tiếp xúc hằng ngày của tôi phần lớn là tài xế công-tai-nơ, tính tình nóng nảy, dữ dằn. Làm việc lâu trong môi trường như thế, tôi thấy mình dần trở nên nóng tính, hung dữ” - chị Tú Anh tâm sự.

Không để môi trường sống, công việc biến mình trở nên “khô khan”, “hung dữ” và “hổ báo”, bốn năm trước, chị Tú Anh quyết định may một lúc 10 bộ áo dài để đi làm. Kể từ đó, không chỉ đi gặp đối tác, khách hàng, mà khi ra cảng, xuống thăm kho, chị đều mặc áo dài, có khi thêm chiếc nón lá, len lỏi giữa hàng hàng lớp lớp công-tai-nơ. Chị Tú Anh cho biết, chính chị cũng không ngờ, tà áo dài của mình như một làn gió mát thổi qua giữa bãi công-tai-nơ, khiến công việc của chị hết sức suôn sẻ. “Khi trang phục thay đổi, tôi buộc mình phải nhẹ nhàng, từ tốn hơn. Mà đặc biệt, tôi phát hiện áo dài không chỉ thay đổi bản tính, lối sống của tôi, mà còn khiến những người đối diện cũng không thể lớn tiếng, nặng lời hoặc cư xử nóng nảy với mình” - chị khẳng định.

Chị Lý Tú Anh trong tà áo dài ở kho bãi công-te-nơ
Chị Lý Tú Anh trong tà áo dài ở kho bãi công-tai-nơ

Kể từ dạo đó, chị bắt đầu động viên nhân viên nữ của công ty mình mặc áo dài đi làm. Trong những lần sang nước ngoài làm việc với các đại lý, chị chỉ chọn áo dài, và lần nào, trước những ánh nhìn đầy ngưỡng mộ, trang phục áo dài cũng mang lại cho chị cảm giác vừa tự tin, vừa tự hào.

“Áo dài như mang một làn gió mới khi chúng tôi bước vào đơn vị” - Thiếu tá Đào Thị Thanh Hiếu, hội viên Hội Phụ nữ cơ sở Lữ đoàn Thông tin 596, chia sẻ cảm xúc đặc biệt của chị khi được phép diện áo dài bước vào cơ quan trong ngày kỷ niệm 8/3. Chị cho biết, môi trường quân đội là môi trường công tác đặc thù, khắc nghiệt, yêu cầu tất cả quân nhân phải mặc quân phục mỗi ngày. Tuy nhiên, trong những ngày lễ đặc biệt, Hội Phụ nữ vẫn phát động chị em mặc áo dài đến cơ quan làm nhiệm vụ thường xuyên, bởi theo chị, “áo dài không đơn thuần là một chiếc áo, một loại trang phục, mà đó là văn hóa, là hồn cốt dân tộc”.

Tự thân chiếc áo dài mang những quyền lực vô hình

Cùng tình yêu dành cho áo dài, bà Lâm Thị Ngọc Hoa - Phó chủ tịch Hội LHPN TPHCM - chia sẻ: “Tôi yêu và mang ơn áo dài vì khi khoác lên mình bộ trang phục này, tôi thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn. Trong trang phục áo dài, tôi dặn mình phải ứng xử chừng mực, cũng từ đó mà lan tỏa thông điệp sống đẹp, sống tử tế đến với mọi người xung quanh”.

Góp mặt tại sự kiện, TS Tâm lý Lý Thị Mai kể về chiếc áo đầu tiên của bà là một chiếc áo dài trắng, vải dày và cổ rất cao khi vào đệ nhất cấp. Ở tuổi thơ ngây ấy, chiếc áo dài mang lại cho bà những cảm giác khác biệt, giúp bà tiết chế những trò leo trèo trẻ thơ, góp phần hình thành nơi bà “cốt cách của người phụ nữ”.

TS Tâm lý Lý Thị Mai  và Thạc sĩ Nghệ thuật – Nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng chia sẻ tại tọa đàm
TS Tâm lý Lý Thị Mai và Thạc sĩ Nghệ thuật – Nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng chia sẻ tại tọa đàm

“Tự thân chiếc áo dài mang trong mình những quyền lực vô hình”, đó là điều mà Thạc sĩ nghệ thuật - Nhà thiết kế áo dài Sỹ Hoàng tâm đắc khi nói về áo dài Việt Nam. Là người hơn 30 năm gắn bó với áo dài, ông cho biết đặc trưng chiếc áo dài khi mặc lên người là những đường cong, đường tròn. Thế nhưng, trong quá trình cắt may, áo dài hoàn toàn được tạo bởi những đường nét thẳng, nhất là với chiếc áo được may theo kiểu truyền thống. “Nói về ngôn ngữ của đường nét trong hội họa, đường thẳng tạo sự tôn nghiêm, trang trọng. Do đó, cấu trúc đường thẳng đứng của áo dài không chỉ tạo nên quyền uy cho người mặc mà còn tạo sự kính trọng, nể phục, tôn nghiêm” - nhà thiết kế nói.

Không những thế, theo nhà thiết kế, cấu trúc thắt eo, cổ áo cao của áo dài truyền thống bắt buộc người phụ nữ khi mặc phải thẳng lưng, ngẩng cao đầu, tư thế toát lên sự tự tin, kiêu hãnh, khẳng định nữ quyền, bình đẳng. Người phụ nữ sẽ tự điều chỉnh hành vi, lời ăn tiếng nói, dáng điệu sao cho chuẩn mực hơn trong tà áo dài. Đó còn là giá trị đạo đức, giá trị thẩm mĩ của áo dài mà mỗi công dân Việt Nam đều có trách nhiệm lưu giữ.  

Với tư cách là người xây dựng nên Bảo tàng áo dài, nhà thiết kế Sỹ Hoàng cũng thể hiện sự phấn khởi khi cho rằng trong cuộc sống hiện đại ngày nay, mặc dù có quá nhiều trang phục để chọn lựa, thế nhưng, không chỉ người lớn tuổi, mà lớp trẻ cũng ngày càng sử dụng áo dài nhiều hơn trong những sự kiện quan trọng lẫn cuộc sống đời thường. Chị Lê Thị Hương Giang - Chủ tịch Hội LHPN P.13, Q.Tân Bình - tin tưởng rằng, trào lưu giới trẻ mặc lại áo dài không phải là nhất thời, mà đó là sự phục hưng của áo dài hiện nay, cho thấy chiếc áo dài đóng vai trò ngày càng quan trọng trong văn hóa, đời sống dân tộc. Đó cũng chính là thành công của Hội LHPN TPHCM sau nhiều năm tuyên truyền, phát động.

Thu Lê

 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI