Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn: Để hạnh phúc, thầy cô phải tìm thấy niềm vui trong công việc

29/12/2022 - 16:46

PNO - Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Sư Phạm TPHCM nhìn nhận, việc thầy cô luôn phải tranh đấu, dằn vặt rằng nghề giáo tiền ít, tiền nhiều vì thầy cô không trả lời được câu hỏi rằng mình là ai. Để hạnh phúc, chính thầy cô phải tìm thấy niềm vui trong công việc.

Ghi nhận chia sẻ từ 100 giáo viên tiểu học, THCS tại TPHCM, Giáo sư Huỳnh Văn Sơn cho hay, nguyên nhân khiến giáo viên không hạnh phúc là ngay từ đầu thầy cô gặp vấn đề khi chọn nghề, định hướng nghề và định hướng giá trị cuộc sống.

Hiện nay điểm thi vào ngành sư phạm khá cao, học sinh đã có sự lựa chọn khá kỹ càng. Tuy nhiên, trên thực tế đặc trưng lựa chọn nghề nghiệp vẫn còn phụ thuộc vào vẻ hào nhoáng bên ngoài, do ba mẹ, thời cuộc, tồn tại 1 bộ phận chọn nghề giáo nhưng thiếu định hướng nghề và giá trị cuộc sống. Ngoài ra, các video, clip hài về nghề giáo đang được đăng tải trên các nền tảng mạng xã hội. Những clip này tác động khủng khiếp đối với nghề giáo, có thể khiến nghề giáo bị tổn thương...

"Để xây dựng trường học hạnh phúc thì thầy cô trước hết phải định hướng nghề, định hướng được giá trị cuộc sống ngay từ ban đầu. Có những điều thuộc về cơ chế không thay đổi được nhưng chúng ta hoàn toàn có thể chọn được niềm vui trong công việc thay vì đợi học sinh, ban giám hiệu mang niềm vui đến cho mình. Thầy cô không thể buộc học sinh theo ý mình nhưng chính thầy cô có thể thay đổi để phù hợp với học sinh. Vấn đề ở chỗ là mỗi thầy cô phải tìm ra niềm vui trong công việc của mình"- Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn nhấn mạnh.

Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho rằng thầy cô luôn dằn vặt nghề giáo tiền ít, tiền nhiều là vì thầy cô c
Giáo sư, tiến sĩ Huỳnh Văn Sơn cho rằng việc thầy cô dằn vặt nghề giáo tiền ít, tiền nhiều là vì thầy cô chưa trả lời được câu hỏi mình là ai

Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm TPHCM nêu rõ, việc thầy cô luôn phải tranh đấu, dằn vặt rằng nghề giáo tiền ít, tiền nhiều là bởi vì chúng ta không trả lời được câu hỏi rằng mình là ai, ở đâu. Để trả lời câu hỏi này, chính mỗi giáo viên phải thay đổi phong cách để trở nên chuyên nghiệp và linh hoạt hơn.

"Không ai bắt chúng ta phải chọn nghề giáo mà do chính bản thân mỗi chúng ta lựa chọn, như vậy chính chúng ta phải trách nhiệm và linh hoạt. Nếu làm việc chuyên nghiệp thì không bao giờ được quyền "quên vai" của mình là nhà giáo, mà phải nhận trách nhiệm công việc nào thì làm thật tốt công việc đó. Học sinh phải được trao cơ hội được vui chơi, nói cười, thoải mái, được khen và được động viên...".

Theo ông, không học sinh nào giống học sinh nào. Do đó, chính các thầy cô phải dùng các kỹ thuật để chinh phục trái tim các em, lại gần với các em để "móc nghéo", để đóng vai nạn nhân, bị hại, để đảo vai với học sinh. Chỉ khi các em được là chính mình, các em mới cảm nhận được mình đang sống trong một trường học hạnh phúc. Chỉ khi thầy cô tạo điều kiện cho học sinh với những điều trên thì mới tạo ra một trường học đáng học.

Sẽ không có trường học hạnh phúc nếu học sinh vẫn gặp áp lực trong học tập
Sẽ không có trường học hạnh phúc nếu học sinh vẫn gặp áp lực trong học tập

Học sinh muốn thầy cô cười nhiều hơn

Mong muốn giảm khối lượng bài tập; muốn cô chủ nhiệm cười nhiều hơn; muốn thầy chủ nhiệm ngừng so sánh thành tích học tập của lớp này với lớp kia... là "ước mơ" của học sinh về một trường học hạnh phúc được Nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ - Khoa tâm lý học, Trường ĐH Sư phạm TPHCM thu thập được trong nghiên cứu của mình. 

Tuy nhiên, khi thực hiện sàng lọc tình trạng sức khỏe tinh thần trên 8.643 học sinh THCS, THPT trên địa bàn TPHCM, nghiên cứu của ông cũng chỉ rõ: 12,92% học sinh đang stress ở mức vừa, nặng và rất nặng; 22,58% học sinh trong trạng thái lo âu ở mức vừa, nặng và rất nặng; 13,62% học sinh có biểu hiện trầm cảm ở mức vừa, nặng và rất nặng.

"Rất nhiều nguyên nhân được các em nêu ra, bao gồm: áp lực bài vở, ôn tập các kỳ thi, nội dung và phương pháp học tập; áp lực từ phía gia đình và những tổn thương, sang chấn về mặt hệ thống; áp lực từ bạn bè đồng trang lứa, sự so sánh khập khiễng của thầy cô, ba mẹ; không có thời gian rèn luyện kỹ năng cảm xúc- xã hội, sinh hoạt ngoại khóa. Các nguyên nhân còn đến từ việc các em chưa được quan tâm và chăm sóc về đời sống tinh thần, không biết cách ứng phó hiệu quả với áp lực, căng thẳng, sự thay đổi về tâm sinh lý, không tìm được sự hỗ trợ ở trường học..."- ông Vũ phân tích.

Từ đó, ông cho rằng, để học sinh hạnh phúc khi đến trường thì trước hết giáo viên phải cảm thấy hạnh phúc. Như vậy, mỗi giáo viên cần phải thay đổi tư duy về giáo dục, tự thay đổi và phát triển để bản thân cảm thấy hạnh phúc, học tập để trở thành nhà giáo dục và nhà tâm lý. Chỉ có như vậy, giáo viên mới giúp giảm áp lực, tạo động lực, hứng thú cho học sinh trong học tập và phát triển bản thân. "Giáo dục không chỉ giúp học sinh vượt qua các kỳ thi mà quan trọng hơn còn chỉ dẫn các em cách cảm nhận, thích nghi và sống cuộc đời hạnh phúc'' - nghiên cứu sinh Giang Thiên Vũ nhấn mạnh.

Sẽ không có trường học hạnh phúc nếu phụ huynh vẫn so sánh con mình với "con nhà người ta"

Từ thực tế giảng dạy tại trường, thầy Đỗ Công Đoán - Phó hiệu trưởng Trường Trung học Thực hành, ĐH Sư Phạm TPHCM cho biết 60% học sinh nhà trường vẫn còn gặp áp lực về điểm số, thi cử, áp lực từ phụ huynh, thậm chí nhiều trường hợp các em bị stress rất nặng mà năm nào trường cũng có.

"Sẽ không thể có trường học hạnh phúc nếu phụ huynh vẫn so sánh con mình với con nhà người ta. Phụ huynh vẫn thường ưu tiên điểm số đầu tiên hơn là các giá trị khác. Câu đầu tiên mà phụ huynh thường nói khi đón con ở trường sẽ là "nay con làm toán được không", "nay con được bao nhiêu điểm". Nếu các em nói rằng nay con làm bài không tốt thì bao nhiêu phụ huynh đủ bình tĩnh để tiếp tục câu chuyện vui với con hay là không khí sẽ trùng xuống. Để có trường học hạnh phúc thì từ học sinh, giáo viên và cả phụ huynh đều phải hạnh phúc".

Quốc Trung 

 

news_is_not_ads=
TIN MỚI